Đô thị... giãn cách xã hội

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
18/04/2020 08:25 GMT+7

Buổi sáng, pha phin cà phê đen vừa nhâm nhi vừa chat với kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng vì “ cách ly xã hội ”, không thể lang thang tác nghiệp như thường lệ.

Vừa nối mạng, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng nói ngay: Khi không ra ngoài, chúng ta ở nhà làm việc. Khi con người phải giãn cách, lại nảy ra nhiều điều cần cho một cuộc sống khác rất nhiều so với trước. Khi sự dồn nén khiến cho các đô thị đông người, phát sinh đủ thứ hệ lụy, nhất là những lúc bùng phát dịch bệnh như bây giờ, phải nghĩ ra và nhất thiết phải xây dựng một nguyên lý thiết kế đô thị phù hợp. Cách xây dựng đô thị của thế kỷ 20 đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu rồi. Vì vậy, nguyên lý đô thị phải khác đi, hiểu theo “nghĩa đen”, ấy là một sự thực-dụng cần-thiết cho con người, không chỉ áp dụng ở thế kỷ 21 hiện tại, mà còn xa hơn nữa!

Thay đổi quan điểm về các đô thị

Vậy mô hình đô thị đó như thế nào? Diễn giải các yếu tố cấu thành một đô thị giãn cách khi cần thiết có vẻ rất mới và khó hình dung?
Internet, smartphone, công nghệ họp qua video, làm việc nhóm, các app (ứng dụng) nhắn tin đang thay đổi quan điểm về các khu đô thị. Người ta có thể tạo ra những khu đô thị công nghệ này như một thành phố du lịch, mà việc ăn ở làm việc, giải trí có thể ở cùng một nơi. Sự sáng tạo được trải rộng bất cứ nơi đâu, trong bể bơi, trong công viên hoang dã hay giữa những biệt thự, resort bên bãi biển, dưới chân núi hay bên khe suối...
Công nghệ ngày càng xóa nhòa ranh giới trong việc ăn, ở, làm việc, giải trí. Đường truyền internet ở VN đang tiệm cận thế giới, đường bay giá rẻ phát triển, việc xây dựng những thành phố theo chuẩn mực, tiêu chuẩn của thế kỷ trước dần được thay đổi theo công nghệ. Những người làm việc trên trang web, phát triển phần mềm, viết blog hay thiết kế kiến trúc, trang trí, chụp ảnh, những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà bảo hiểm hay các nhà kế toán, họa sĩ điêu khắc cho đến các nhà phát minh... Họ có thể là những nhà đầu tư toàn cầu, những người làm việc tự do, những chủ doanh nghiệp hoặc là những nhà phát minh, sáng tạo. Một chiếc laptop và smartphone có thể trở thành văn phòng di động trong thiên nhiên ở những đất nước xa lạ trong một tuần, một tháng hay vài năm.
Vì vậy, theo tôi, một đô thị... giãn cách xã hội khi cần thiết, phải hội tụ đủ các yếu tố ấy. Tất nhiên các nhu cầu khác của con người, ngoài công việc làm ăn kinh doanh sáng tạo, phải sắp xếp sao cho hợp lý. Vậy là đủ!

Để có đô thị bền vững

Với nhiều thành phố trên thế giới mà anh có dịp “lang thang”, nguyên lý thiết kế đô thị ấy đã được áp dụng ra sao?
Siêu đô thị thế giới đang gia tăng (hơn 10 triệu dân) với thách thức về ô nhiễm môi trường, hạ tầng kỹ thuật quá tải, hạ tầng xã hội không theo kịp, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, cảnh quan đô thị, hình thái kiến trúc tương tự, na ná đang dần “nhàm chán”... Bản sắc bị xóa nhòa khi trào lưu toàn cầu hóa xâm nhập vào kiến trúc đô thị mỗi nước, đặc trưng địa hình, địa vật vốn được chú trọng trong các thành phố vừa và nhỏ, nay đang bị các siêu đô thị lấn át.
Đô thị mới nhiều nhưng đô thị đáng sống, có bản sắc riêng ngày càng ít đi, nhiều đô thị trên thế giới quy hoạch nặng về tiền bạc, quá xem trọng giá trị bất động sản mà bỏ quên các yếu tố tinh thần như di sản, đất cây xanh, đất quảng trường, đất công cộng, đất thể dục thể thao, giáo dục và tín ngưỡng...
Dân số ngày một tăng, trong đó đô thị từ 15% dân số đầu thế kỷ 20 đến nay đã tăng hơn 50% dân số trong các đô thị (World Bank công bố). Từ đô thị vừa và nhỏ, chỉ hơn 300.000 người tăng dần lên 1 triệu, 10 triệu và có những siêu đô thị 30 - 40 triệu dân với nhà cao tầng chen chúc, nhà phố ngoằn ngoèo, hẻm lớn hẻm nhỏ chằng chịt trong môi trường không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường (nước thải, bụi, tiếng ồn)...
Gần đây, người ta nghĩ làm thế nào để có đô thị bền vững chống chọi với dịch bệnh, vi rút phát tán trong không khí ở môi trường đóng kín, chen chúc lộn xộn, ken đặc nhà cao tầng, nhà phố... Bài toán này khiến cho các chuyên gia đô thị học phải ngược về quá khứ để vận dụng những mô hình đô thị bền vững mà tiền nhân đã phác vẽ, phối hợp với những gì công nghệ đang có.
Những ngày này, ngồi ở Sài Gòn trong bối cảnh “cách ly xã hội”, tôi chợt nghĩ đến những thành phố bền vững trên thế giới như Oslo (Na Uy), dân cư được tiếp cận với không gian xanh, công viên trong bán kính dưới 300 m từ nhà. Chính quyền thành phố Oslo rất coi trọng việc duy trì chất lượng không khí sạch tự nhiên với chương trình phát triển bền vững, 80% hệ thống sưởi ấm thành phố chạy bằng năng lượng tái tạo, hệ thống xử lý rác thải thành năng lượng sử dụng lại. Đồng thời, họ có các biện pháp khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, như xe đạp được đi vào làn đường dành cho xe buýt, đỗ xe miễn phí và chi phí thuế rất thấp.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, khái niệm đô thị bền vững (suitainable cities) xuất phát điểm từ thành phố vườn (garden city) có từ năm 1898 do ông Ebenezer Howard (Anh) khởi xướng với ý tưởng đô thị hòa trong vành đai xanh, cung cấp lương thực, các khu công nghiệp, nông nghiệp với tỷ lệ phù hợp, kết nối với nông thôn thông qua vành đai xanh. Đô thị bền vững được hiểu là khả năng đáp ứng nhu cầu hiện nay nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ tương lai với 3 trụ cột gồm xã hội, kinh tế, môi trường với hệ thống quản lý để cân bằng 3 trụ cột trên.
Hay Stockholm (Thụy Điển), thành phố mệnh danh “sạch nhất thế giới”, với quy hoạch hoàn chỉnh từ những năm 1970, mục tiêu chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Trong 100 năm, diện tích rừng ở quốc gia này đã tăng gấp 2 lần. Nếu họ khai thác 1 cây thì phải trồng lại 1 cây. Nhờ đó, có nguồn tài nguyên vô tận để có thể dựng những tòa nhà chung cư từ gỗ, rất thân thiện môi trường và hạn chế khí thải nhà kính. Hay thành phố Raykjavik (Iceland) nói không với nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050, chỉ 0,1% lượng điện được tạo ra bởi nhiên liệu hóa thạch. Raykjavik là nơi duy nhất trên thế giới phát triển một hệ thống sưởi ấm và hệ thống điện hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.

Cần ứng dụng công nghệ thành phố thông minh

Một đô thị phát triển hơn 300 năm như TP.HCM (diện tích tự nhiên, cơ sở hạ tầng và dân số như hiện tại...) phải làm gì để áp dụng nguyên lý phát triển đô thị mới?
Sài Gòn hướng đến bền vững, với cảm nhận riêng tôi, cần xây dựng nhiều đô thị vệ tinh giãn cách xã hội theo các nguyên lý trên. Đô thị vệ tinh chỉ 300.000 dân với diện tích chiếm đất tương đối, áp dụng sinh thái học đô thị, áp dụng giãn cách xã hội, áp dụng khí chất đô thị, tinh thần nơi chốn... Với mật độ xây dựng vừa phải, đáp ứng 5 đại mục chính của Hiến chương C.I.A.M (UNESCO) là ở, việc làm, đi lại, giải trí, tôn trọng di sản (nếu ở đô thị mới có sự hiện hữu của di sản).
Với khu công nghiệp chuyên đề, việc làm theo ngành nghề, đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ thành phố thông minh, đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc, công trình công cộng, giải trí chỉ 15 phút đi bộ hoặc 10 phút xe đạp. Mỗi đô thị có thể tự lực, được nối mạng với đô thị trung tâm và các đô thị khác, hạn chế giao thông con thoi như đã và đang hướng đến. Nhiều năm trước, tôi đã từng có đề án khá chi tiết kiến nghị TP.HCM phải xây dựng 16 đô thị vệ tinh để đón đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng

Ảnh: NVCC

       
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng (ảnh) hiện là Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Việt Kiến Trúc (V.ARCHI), là một chuyên gia đô thị học. Anh từng đi, viết nhiều sách về các đô thị nổi tiếng trên thế giới và nhiều đô thị trong nước, có 5 cuốn sách về đô thị được xuất bản và đã từng nhận giải thưởng kiến trúc quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.