Doanh nghiệp Việt thâu tóm 'ông lớn' ngoại

Mai Phương
Mai Phương
29/10/2019 16:18 GMT+7

Chuyện "ông lớn" ngoại nuốt chửng doanh nghiệp nội luôn được nhắc đến khi nói về những thương hiệu vang bóng một thời, nhưng thực tế cũng có không ít doanh nghiệp Việt lội ngược dòng thâu tóm các "đại gia" ngoại.

Những cú "tất tay" bản lĩnh

Masan mua lại cám Con Cò

Năm 2015, Tập đoàn Masan cũng gây chấn động trong làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 52% cổ phần Công ty cổ phần Việt - Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (thương hiệu Proconco). Proconco ra đời từ năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. Proconco có thương hiệu “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cũng là một trong các thương hiệu cao cấp nhất tại VN. Bên cạnh đó, Masan cũng mua 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Sang năm 2016, Masan cũng mua thành công tiếp 30% cổ phần còn lại của Anco, nâng sở hữu công ty lên 100%. Đây là bước đi chiến lược quan trọng trong kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất khép kín của doanh nghiệp. Anco ra đời vào năm 2003, tiền thân là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy đầu tiên đặt tại Đồng Nai.
Trong khi nhiều người ở VN còn mơ hồ với các sản phẩm vonfram như thế nào thì chỉ mới cách đây hơn 1 tháng, một công ty con của Tập đoàn Masan đã mua lại 100% nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.StarckGmbH (HCS), nhà chế tạo hàng đầu thế giới về kim loại có công nghệ chịu nhiệt, cung cấp cho các lĩnh vực công nghiệp như điện tử, hóa chất, ô tô, y tế, hàng không, năng lượng và môi trường. Các sản phẩm của Tập đoàn HCS đều được sản xuất tại các tổ hợp nằm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Doanh nghiệp Việt thâu tóm 'ông lớn' ngoại

Thương vụ đầu tư FPT công bố mua công ty phần mềm Slovakia

  Lan Anh

Việc thâu tóm ông lớn HCS đã đưa Masan bước lên trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao. Quan trọng hơn nữa, nếu như trước đây VN không hề có tiếng tăm gì trên bản đồ sản xuất vật liệu công nghệ cao của thế giới thì với thương vụ của Masan, vị thế của VN đã được nâng lên tầm cao mới và có thể trở thành địa chỉ cung cấp vật liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất... Nói một cách dễ hiểu, Masan đã "cùng mâm" với những ông lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Vingroup mua thương hiệu smartphone Tây Ban Nha 

Không chỉ mua lại thương hiệu ô tô hay các chuỗi bán lẻ, giữa năm 2018, Tập đoàn Vingroup còn mạnh tay mua 51% phần vốn góp của Mundo Reader, công ty chủ quản của BQ - thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha, để rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại. Theo đó, BQ bán cho VinSmart bản quyền sở hữu trí tuệ để phát triển 2 dòng smartphone mang thương hiệu Vsmart, thuộc phân khúc cao cấp và bình dân. Đây là tiền đề quan trọng để VinSmart sớm cho ra mắt smartphone thương hiệu Việt với thiết kế theo xu hướng của tương lai và công nghệ đạt tiêu chuẩn hàng đầu châu Âu.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng gây sốc thị trường khi "tất tay" một cú ngoạn mục. Nhưng trước khi đi vào cụ thể, phải điểm qua cục diện trong nước. Sau hơn 20 năm, ngành công nghiệp ô tô của VN vẫn chưa thành hình. Thị trường chỉ loanh quanh với các đơn vị lắp ráp mà đa số cũng là liên doanh với nước ngoài và phân phối lại những ô tô “mác” ngoại. Đùng một cái giữa năm 2018, Tập đoàn Vingroup công bố thâu tóm thành công thương hiệu xe hơi “đồ sộ” đến từ Mỹ Chevrolet (thuộc General Motors VN). Điều khiến không chỉ người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp (DN) trong nước ngỡ ngàng chính là vì Vingroup chỉ mới bước chân vào ngành sản xuất ô tô với thương hiệu VinFast không bao lâu trước đó. Trong khi General Motors đã có hơn 100 năm phát triển và cũng gần 20 năm cắm rễ tại VN (từ năm 2002) và đã đạt mức tăng trưởng khá ổn định, tên tuổi quen thuộc với những người yêu mến xe hơi. Vì vậy khi một tân binh trong lĩnh vực sản xuất ô tô đã nhanh chóng thay thế ông chủ ngoại, từng bước thực hiện mục tiêu phát triển nhanh khi tận dụng được nhà máy sẵn có cũng như các công nghệ của hãng xe Mỹ để sản xuất xe cỡ nhỏ khiến nhiều người bị "sốc". Đây là cú hích thật sự cho ngành ô tô trong nước và Vingroup đã chính thức ghi tên VN trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Việc mua lại thương hiệu ngoại sẽ giúp môi trường phát triển của các Doanh Nghiệp rộng mở hơn, cơ hội đưa công ty tăng tốc lên quy mô tầm khu vực và thế giới nhanh hơn

Ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN

Trong lĩnh vực du lịch, một thương vụ từng được coi là “cú bom” khi một công ty du lịch trong nước mua đứt chuỗi khách sạn Victoria từ tay đối tác Hồng Kông. Đó là năm 2011, sau 2 năm đàm phán với Tập đoàn EEM Victoria - Hồng Kông, Công ty Du lịch Thiên Minh công bố đã chi ra trên 45 triệu USD để sở hữu toàn bộ 5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria trong nước cùng với hợp đồng quản lý Victoria Angkor Resort & Spa tại Campuchia. Hệ thống khách sạn Victoria là một thương hiệu nổi tiếng tại VN với 5 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mang tên Victoria. So với giá trị các thương vụ trong lĩnh vực hàng không, tài chính ngân hàng trên thế giới thì con số 45 triệu USD khá nhỏ bé. Nhưng năm 2011 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn trầm trọng nhất, VN thì đang ngấm đòn và đối mặt với một cuộc "khủng hoảng kép" thì đây là một con số khổng lồ. Đây cũng là lần đầu tiên một DN tư nhân trong nước mua lại chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trải dài khắp cả nước cũng mở ra con đường kinh doanh du lịch, lưu trú chuyên nghiệp như các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Nhà máy sản xuất xe hơi VinFast của Vingroup

Quang Hiếu

Với ngành công nghệ thông tin (CNTT), VN vốn chỉ được xem là đi gia công cho những đại gia ngoại thì việc Tập đoàn FPT mua lại một công ty phần mềm ở châu Âu vào giữa năm 2014 được đánh giá là một nước cờ táo bạo nhưng đầy kiêu hãnh. Thương vụ mua Công ty phần mềm RWE IT Slovakia - công ty con của một tập đoàn hàng đầu về năng lượng của Đức - là thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) đầu tiên tại nước ngoài của FPT nói riêng và cũng là thương vụ mua lại thương hiệu ngoại đầu tiên của ngành CNTT VN. Từ đó cùng với việc mở các văn phòng đại diện, lập công ty con ở nước ngoài, FPT đã ghi dấu ấn của riêng mình cũng như ngành CNTT VN trên bản đồ CNTT thế giới. Hơn nữa, từ đây, FPT từng bước khẳng định ngành CNTT VN không chỉ biết gia công mà còn biết cung cấp các giải pháp, dự án công nghệ bằng chất xám của người Việt.

Đưa thương hiệu Việt ra thế giới

VN đầu tư trực tiếp ra nước ngoài gia tăng

 
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết tính chung trong 9 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư của VN ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 431,68 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 117 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên VN đạt 307,67 triệu USD và có 27 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn tăng thêm là 124 triệu USD. Trong đó dẫn đầu là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 110,6 triệu USD; thứ hai là lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với 83,36 triệu USD và thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 64,14 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2019, VN đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Úc là địa bàn dẫn đầu với 140,63 triệu USD, Mỹ xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư là 59,86 triệu USD; kế đó là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada…
Trước đó trong cả năm 2018, tổng vốn đầu tư của VN ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 432,1 triệu USD. Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, thứ hai là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 82,9 triệu USD và thứ ba là nông, lâm nghiệp, thủy sản với 52,3 triệu USD. Năm vừa qua, Lào là địa bàn dẫn đầu thu hút vốn đầu tư của VN với 81,5 triệu USD; Úc xếp thứ hai với 55,5 triệu USD, Mỹ xếp thứ ba với 52,9 triệu USD. Tiếp theo là Campuchia, Slovakia, Cuba…
Lãnh đạo nhiều DN lớn đã từng cho rằng để phát triển thương hiệu lớn mạnh hơn là phải mạnh dạn đi ra khỏi ao nhà. Đó là cách lựa chọn của Vinamilk khi năm 2013, công ty này đã có thương vụ đình đám khi chi 7 triệu USD để nắm 70% cổ phần của một DN sữa Mỹ là Công ty sữa Driftwood Dairy. Không lâu sau đó, Vinamilk đã mua tiếp 30% để nắm toàn bộ công ty sữa này. Dù không phải là tập đoàn quá nổi tiếng về sản phẩm sữa trên thế giới nhưng Driftwood Dairy đã mở ra cánh cửa thông hành cho Vinamilk thâm nhập vào thị trường Mỹ - thị trường rộng lớn mà bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới cũng thèm muốn đưa sản phẩm của mình lưu thông tại đây. Thương vụ này dần dần mở ra các hoạt động đầu tư góp vốn khác của Vinamilk ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các DN khác. Với các hoạt động M&A đó, Vinamilk đã đưa VN từ một nước không có ngành sữa đến nay đã có thể xuất khẩu sản phẩm sữa đi 50 quốc gia, từng bước thực hiện kỳ vọng vươn tầm ra toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt thâu tóm 'ông lớn' ngoại

Doanh nghiệp nội thống lĩnh hệ thống bán lẻ tại VN

Ngọc Dương - Ngọc Thắng

Tháng 5 vừa rồi, Nhà máy sữa NutiFood Sweden AB, kết quả của cái bắt tay giữa Tập đoàn Backahill của tỉ phú Erik Paulsson và Công ty NutiFood, đã chính thức vận hành tại Thụy Điển. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood không giấu giếm tham vọng lấy Thụy Điển làm bệ phóng để sữa Việt thâm nhập thị trường châu Âu. "Thụy Điển là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, đặc biệt là sữa. Sau này chúng tôi sẽ tập trung sản xuất dòng sản phẩm organic theo tiêu chuẩn của Thụy Điển với thương hiệu NutiFood Sweden AB. Đó là thương hiệu sữa của VN. Đưa thương hiệu sữa Việt ra thế giới là ước mơ của NutiFood từ rất lâu rồi nhưng giờ chúng tôi mới có cơ duyên để thực hiện", ông Hải chia sẻ với Thanh Niên. Chỉ trong vòng hơn 1 năm trước đó, NutiFood đã liên tục hợp tác với các đối tác Mỹ, Nhật, Thụy Điển... để thực hiện khát vọng đưa thương hiệu sữa Việt ra thế giới.
Nếu ngày nào, DN Việt được ví như đội thuyền thúng ra biển khơi hội nhập thì ngày nay, VN đã có nhiều DN tỉ USD, nhiều tỉ phú tự thân được thế giới vinh danh. Tại thị trường nội địa, nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài sau hàng thập niên bành trướng, thâm nhập đã phải rút lui, trả lại sân nhà cho DN nội. Lĩnh vực bán lẻ là minh chứng điển hình. Như thương hiệu Parkson (Malaysia) vào VN rầm rộ với hàng loạt trung tâm thương mại ở các vị trí đẹp như mơ ngay trung tâm TP.HCM nhưng đã dần dần vắng khách. Sau hơn 1 thập niên tham gia thị trường bán lẻ VN, Parkson buộc đóng cửa hầu hết các địa điểm kinh doanh của mình vì thua lỗ. Mới nhất, cuối tháng 6.2019, Tập đoàn Auchan của Pháp đã chính thức chuyển nhượng hoạt động 15 siêu thị của tập đoàn tại VN cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online cho nhà bán lẻ trong nước là Saigon Co.op.
Cộng đồng DN Việt nay đã có một tầm vóc khác. Họ có đầy đủ nguồn lực, trí tuệ, bản lĩnh để cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn ngoại.

Khẳng định tầm vóc doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp Việt thâu tóm 'ông lớn' ngoại

Doanh nghiệp nội thống lĩnh hệ thống bán lẻ tại VN

  Ngọc Dương - Ngọc Thắng

Kết quả của các hoạt động M&A chỉ thể hiện rõ sau một thời gian thực hiện nhưng các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, các DN của VN đã ngày càng lớn mạnh. Với các công ty có chiến lược dài hơi, định vị rõ ràng thì hoàn toàn không e ngại trước các tập đoàn ngoại. Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị, nhận xét các thương vụ của DN Việt ra nước ngoài mua lại công ty khác đa số là để thâm nhập vào thị trường địa phương nhanh nhất. Bởi thông thường các quốc gia đều có những ưu đãi nhiều cho DN trong nước hơn là nước ngoài. Tương tự, việc mua lại các pháp nhân sở tại cũng là cách để thuận lợi tham gia vào việc đấu thầu các dự án tại chỗ, mở rộng thị trường ra quốc tế nhanh nhất. “Các thương vụ mua lại công ty nước ngoài là dấu hiệu tốt của nền kinh tế VN nói chung vì nhiều công ty tư nhân đã tìm cách thích nghi với điều kiện, quy định, khung pháp lý của các nước trong quá trình mở rộng thị trường. Tuy nhiên thường những công ty lớn mới có khả năng thực hiện được những thương vụ M&A nên số lượng thành công chưa nhiều”, ông Đỗ Hòa nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, cho rằng các thương vụ M&A đều có nhiều mục tiêu như dùng thương hiệu cũ để chiếm nhanh thị trường hoặc mua để xóa bỏ thương hiệu, triệt tiêu đối thủ hay lấy năng lực sản xuất… Kết quả của các thương vụ trên chắc chắn phải một thời gian nữa mới rõ. Hơn nữa, không phải thương vụ nào cũng thành công. Ước tính xác suất các vụ sáp nhập bị thất bại khá cao khi công ty mới và công ty cũ không phù hợp về quản trị, hệ thống, văn hóa. Thậm chí với mục tiêu có đội ngũ nhân sự khi thâu tóm nhưng sau khi tiến hành sáp nhập thì nhân sự lại bỏ đi khiến việc duy trì đội ngũ cốt lõi không thành… Nhưng dù với mục đích nào thì các thương vụ thâu tóm DN ngoại của các công ty trong nước cũng thể hiện tầm vóc DN Việt đã lớn mạnh, từng bước vững chắc vươn ra tầm khu vực và cả thế giới. “Trong làn sóng các tập đoàn nước ngoài thâu tóm nhiều thương hiệu Việt thì các thương vụ ngược lại của DN trong nước mua lại DN ngoại rất đáng khích lệ và được cổ vũ. Thực tế này cũng đã trả lời câu hỏi, DN VN hoàn toàn có thể mua lại cổ phần, mua lại hoàn toàn công ty nước ngoài ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tất nhiên để thực hiện điều đó thì đầu tiên là đòi hỏi cần tiềm lực tài chính vững mạnh. Sau đó mới tính thêm các điều kiện khác như chiến lược thực hiện, kế hoạch kinh doanh khả thi… Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, việc mua lại thương hiệu ngoại sẽ giúp môi trường phát triển của các DN rộng mở hơn, cơ hội đưa công ty tăng tốc lên quy mô tầm khu vực và thế giới nhanh hơn. Điều này cũng sẽ giúp ngược lại đưa giá trị thương hiệu của DN trong nước không chỉ vươn xa bên ngoài mà ngay chính thị trường nội địa cũng tốt hơn nhiều”, ông Lê Phụng Hào nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.