Tại hội thảo "Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam" được tổ chức tại Trường ĐH Văn Lang chiều qua (30.6), Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã đưa ra kết quả khảo sát về nội dung tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục ĐH.
Theo đó, 273 cơ sở giáo dục ĐH, 7.233 giảng viên và cán bộ quản lý, 78.514 sinh viên đã được khảo sát với các câu hỏi tìm hiểu sơ bộ mức độ nhận thức về tài nguyên số, đặc biệt là tài nguyên giáo dục mở và khả năng ứng dụng, phát triển tài nguyên giáo dục mở trong dạy và học.
Kết quả cho thấy hiểu biết chung của các giảng viên về bản quyền, sở hữu trí tuệ và giấy phép gắn với các tài nguyên giáo dục chưa cao. Năng lực làm việc, khai thác tài nguyên giáo dục mở của giảng viên cũng còn rất hạn chế. Đối với sinh viên, đa số không biết hoặc chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề này.
Trường ĐH Việt Nam thiếu hụt nguồn học liệu mở
Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Vụ Giáo dục ĐH, cho biết khái niệm tài nguyên giáo dục mở được thông qua đầu tiên tại Diễn đàn UNESCO năm 2002 về tác động của OpenCourseWare (khóa học mở) đối với giáo dục ĐH ở các nước phát triển. Năm 2005, UNESCO kêu gọi các Chính phủ ủng hộ việc phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER) trên toàn thế giới và khuyến nghị về OER của UNESCO đã được 193 quốc gia thành viên thông qua năm 2019.
"OER sẽ tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp các cơ sở giáo dục ĐH khai thác tối đa tri thức của nhân loại để giảng dạy, nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và góp phần xây dựng xã hội học tập, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến khó lường ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, như đại dịch Covid-19", ông Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trung, các trường ĐH ở Việt Nam đang thiếu hụt nguồn học liệu nên tài nguyên giáo dục mở chung cho hệ thống giáo dục ĐH còn rất mờ nhạt, chủ yếu được xây dựng và sử dụng trong từng trường một cách độc lập, thiếu sự phối hợp và sẻ chia nên chưa hiệu quả.
"Việc xây dựng, phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở tại các trường hiện nay cũng chưa phổ biến, rất ít nơi triển khai OER, hầu hết giảng viên cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nguồn học liệu miễn phí, chưa ý thức được việc tạo lập và chia sẻ OER", ông Trung cho hay.
Đề xuất các khung pháp lý trình Chính phủ
Có mặt tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, lý giải nguyên nhân: "Hiện nay, mặc dù một số trường ĐH đã triển khai tài nguyên giáo dục mở nhưng việc tham gia khai thác và phát triển OER chưa dựa trên một cơ sở pháp lý đầy đủ, chưa được quan tâm thỏa đáng và chưa có tính kế hoạch chiến lược rõ ràng. Đó là lý do khiến cho việc sử dụng OER ở các trường ĐH chưa phổ biến".
Trước nhu cầu cấp bách của việc xây dựng một khung pháp lý hướng dẫn việc xây dựng các tài nguyên giáo dục mở dùng chung trong giáo dục ĐH, trong gần 2 năm qua, Vụ Giáo dục ĐH đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về chủ đề này, đồng thời xin ý kiến của các bộ ngành, các sở GD-ĐT trên cả nước, lấy ý kiến bằng văn bản của hơn 200 trường ĐH và thực hiện khảo sát qua đường dẫn với 3 đối tượng gồm cơ sở đào tạo, giảng viên và sinh viên.
"Sau gần 2 năm thực hiện, Vụ Giáo dục ĐH đã soạn thảo Quyết định ban hành Đề án xây dựng tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục ĐH, được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng ý cho phép trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện Vụ Giáo dục ĐH đang thực hiện những bước cuối cùng để Thủ tướng ký ban hành đề án. Đây là một khung pháp lý hết sức quan trọng, chính thức mở ra một kỷ nguyên số trong giáo dục ĐH mà ở đó một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về các nguồn học liệu, nguồn tài nguyên có chất lượng sẽ chính thức được triển khai ở mọi cấp bậc khác nhau", bà Thủy thông tin.
Khung pháp lý Vụ Giáo dục ĐH đề xuất bao gồm: quy định tiêu chuẩn của học liệu số; quy trình đảm bảo chất lượng; vấn đề tác quyền và sở hữu; quyền lợi của người xây dựng và trách nhiệm của người sử dụng nguồn học liệu; quy định sử dụng trong giảng dạy và học tập; cơ chế quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu số.
Tháng 2.2022, Trường ĐH Văn Lang chủ trì thực hiện dự án "Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam", với sự đồng hành của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), tổ chức ĐH Pháp ngữ AUF cùng các trường ĐH Y dược Hải Phòng, Thái Nguyên, Mở Hà Nội. Dự án này được AUF tài trợ 50.000 euro.
"Dự án này có mục tiêu phát triển nền tảng số cho tài nguyên giáo dục mở, cho phép các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của các trường ĐH trên toàn quốc và công chúng được chia sẻ, sử dụng chung nguồn tài liệu một cách hợp pháp, không bị giới hạn về thời gian và không gian. Về lâu dài nguồn tài nguyên này sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu học tập suốt đời của người dân", PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ.
Bình luận (0)