Tản mạn phố thuốc bắc

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
28/03/2020 08:34 GMT+7

Cộng đồng người gốc Hoa đến miền Nam từ lâu đã hội tụ ở địa bàn Q.5 (TP.HCM). Sự quần cư bắt đầu từ… 341 năm trước. Ở nơi xa xôi, họ đã đến và tạo nên một bản sắc rất riêng, khó lẫn.

Phố vắng dậy mùi hương

Phố thuốc bắc ở Q.5 nằm trên con đường mang tên Hải Thượng Lãn Ông, là tên hiệu của một vị danh y người Việt, tác giả tập ký Thượng kinh ký sự nổi tiếng, người đã từng được chúa Trịnh vời vào cung chữa bệnh. Trước năm 1975, đường này mang tên Khổng Tử. Con phố tập trung nhiều cửa hiệu thuốc của người gốc Hoa.
Khi nhắc đến quần thể của người Hoa ở Q.5 (sách vở thường ghi lại là người Minh Hương), một số tư liệu chỉ ghi vắn tắt cho rằng cuối thế kỷ 17 từ bên Tàu họ đã theo đường biển đến đất Gia Định lập nghiệp, do một vị tướng tên là Trần Thượng Xuyên dẫn dắt.
Vậy nhân vật này là ai?
Tra cứu sử liệu, người viết bài được biết: Vào khoảng những năm thập niên 60 của thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã có chí hướng mở đất về phương Nam. Lúc bấy giờ, vào năm Kỷ Mùi (1679), một vị quan tổng binh cai trị các châu thuộc Quảng Đông (Trung Quốc) là Trần Thượng Xuyên, vốn quan nhà Minh, không chịu làm tôi nhà Thanh, nên đã đem 3.000 quân đi trên 50 chiếc thuyền sang nương náu.
Sử chép: “Chúa Nguyễn Phúc Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (tức là đất Gia Định)”. Ngoài ra, cùng đi chuyến ấy có một vị quan nhà Minh khác là Dương Ngạn Địch, tổng binh cai trị đất Long Môn (Quảng Tây), cũng không chịu theo nhà Thanh, nên qua xin “tá túc”. Chúa Hiền “cho về ở đất Đồng Nai và Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay - NV), rồi họ cày ruộng làm nhà lập ra phường phố”.
Trần Thượng Xuyên sau đó được phong làm Đô đốc Phiên Trấn (tức Gia Định), năm Giáp Ngọ (1714) đã giúp chúa Nguyễn đánh dẹp loạn Chân Lạp, góp phần tạo thế bình ổn cho cục diện ở phương Nam.

Một cửa tiệm đặc trưng ở Q.5

Trong số những quan binh đi cùng ngày ấy với tổng binh Trần Thượng Xuyên, có một số người biết nghề thuốc gia truyền. Dần dà, vì kế sinh nhai nên họ lập ra các cửa hiệu đông y. Trải qua năm tháng, phố thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM) ra đời, tụ hội.
Một ngày giữa tháng 3, tôi đi theo đường Trần Hưng Đạo, bắt đầu từ Q.1 xuyên về Q.5. Trời đầy nắng, một không khí vắng vẻ lạ thường mùa dịch Covid-19. Phố thuốc bắc chất đầy dược liệu, nhưng thảng hoặc chỉ có vài người vào ra các cửa tiệm, đôi lúc pha vào giọng lơ lớ của những người làm lớn tuổi. Mùi hương các vị thuốc lan tỏa, khi tôi mở khẩu trang ra uống nước. Con phố như muốn “bày ra” những hương, những mùi rất đặc trưng của nó.
Bỗng nhớ đến có dạo hàng tuần tôi thường qua lại nơi đây để mua một vị thuốc là địa long (rồng đất, một loại giun đất phơi khô sao vàng, có công dụng bồi bổ sức khỏe và giải độc) do nhiều người quen ở Đồng Nai nghe đồn, gửi mua để đem về cho họ.

Chuyện một chung cư

Ấy là khu chung cư lấy luôn thứ tự số của con đường: chung cư 727 Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5) - nằm cách chợ Bến Thành 2 km. Sở dĩ nhắc đến khu chung cư này là bởi cho đến nay, mỗi khi nhớ lại vẫn còn ám ảnh một nỗi e sợ. Hồi ấy, có khoảng 3 lần tôi đến nơi này để phỏng vấn những gia đình còn bám trụ, sau khi phần lớn các hộ dân đã dời đi vì không chịu nổi sự xuống cấp quá xập xệ đổ nát và có những lời đồn ma quái.
Những chủ nhân các gia đình còn lại ở rải rác tầng 1, tầng 5, tầng 10, đều có chung một câu trả lời: “Biết ở đây đầy rẫy nguy hiểm, ngày nào cũng có cảm giác bất an, nhưng không biết dời đi đâu”, sau khi mô tả khá chi tiết về cuộc sống ngày và đêm nơi họ cư ngụ. Thời điểm tôi tìm hiểu là khoảng năm 2008, vậy mà đến giữa năm 2016 vẫn còn 10 hộ gia đình kiên trì “chiến đấu”, tính ra từ khi bắt đầu xây dựng cho đến lúc ấy, gần... 60 năm.
Vào cái thuở Sài Gòn chưa có bao nhiêu nhà cao tầng, thì khu building President (tiền thân của khu chung cư 727 Trần Hưng Đạo) cao đến 13 tầng với 530 phòng, một thời biểu tượng cho sự bề thế, do ông Nguyễn Tấn Đời - chủ hãng gạch bông Đời Tân nổi tiếng, đứng ra xây dựng. Nhưng sau bao năm thi công lận đận mới xong với bao nhiều lời đồn cổ quái bí hiểm, nên nhiều người e sợ. Sau đó quân đội Mỹ đã thuê lại để làm nơi ở cho sĩ quan, binh lính và cả một số ít nhân viên tại các cơ sở quân sự và dân sự ở Sài Gòn. Sau năm 1975, các căn phòng khách sạn được cải tạo lại làm căn hộ để ở. Có hơn 400 gia đình sinh sống tại đây, cho đến cách đây 4 - 5 năm họ mới rời đi.
Khu căn hộ ấy suốt mấy chục năm qua tồn tại trơ gan cùng tuế nguyệt, cuối cùng được đập bỏ năm ngoái, để rồi bây giờ còn lại là một khu đất rộng ở vị trí rất đẹp giữa lòng thành phố, được quây rào kín mít.

Ăn quận 5…

Đã khá lâu, vào cái thời vẫn thường đi đây đi đó viết bài, tôi thường cùng phóng viên ảnh Diệp Đức Minh của báo, ghé tiệm cơm gà trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Cơm ở đây được nấu bằng nước gà luộc nhìn mướt mắt với chiếc đùi gà thơm phức, da rất giòn, thịt được ướp loại ngũ vị hương đặc biệt, bí truyền lâu năm nên rất ngon.
Những khu phố ở Q.5 vẫn giữ đậm chất của xứ Chợ Lớn năm xưa với đủ món để ăn điểm tâm, ăn trưa, ăn chiều và ăn tối. Các món bình dân đặc trưng như sủi cảo, há cảo, mì hoành thánh, phá lấu xiên, xí quách, đậu hũ, súp bóng cá, hủ tiếu bò viên... từ lâu đã hình thành những khu ẩm thực tập trung ở Q.5, khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Chưa kể, còn biết bao món mỹ vị cao cấp khác vẫn từng nghe, nhưng chưa được thưởng thức bao giờ.
Có khi đang ngồi ăn, nghe cái thổ ngữ của người dân Q.5, miên man nghĩ về sự trôi dạt tha hương trong lịch sử, lại liên tưởng đến câu chuyện hoàng tử Lý Long Tường của triều đại nhà Lý lưu lạc đến đất nước Hàn Quốc thuở xa xưa, vào cuối thế kỷ 12, còn xa hơn những quần thể cư dân người Hoa đến đất Việt. Ở xứ người hơn 800 năm trước, để rồi bây giờ nơi ấy thành một cộng đồng họ Lý đông đúc, tôi tự hỏi không biết sự giao thoa giữa các món ăn truyền thống ngày ấy - bây giờ sẽ ra sao?
Nhiều lần đi về, ngồi trong các gian quán với những món công phu các tiệm ăn ở đây chế biến, cứ nghĩ để thưởng thức đồ ăn ở Q.5 có khi cũng cần lắm cái không gian có sơn phết màu đỏ rất đặc trưng. Bởi vậy, câu nói cửa miệng khi nhắc đến đất Sài thành “ăn quận 5, nằm quận 3...”, không phải đến bây giờ mới hiển lộ trong các chương trình tour du lịch cho du khách, mà đã có từ lâu. Đôi khi chỉ từ vài ba chiếc xe bán hàng ăn đậu bên các con hẻm nhỏ, cũng làm nên một nét văn hóa rất riêng, do cuộc sống quần cư cộng đồng bao thế kỷ mà thành.
Cũng có vài lần nghe kể, người ở các vùng miền khác mỗi khi ghé ăn một món, lại có ý nghĩ là đã đến, đã từng săm soi thực đơn có những dòng chữ tượng hình, rồi hỏi han món này món nọ, để sau này nhắc lại, lấy đó làm kỷ niệm vui.
Như trưa nay, sau gần hai năm tôi ghé lại một tiệm ăn trên đường Châu Văn Liêm, ngoắc tay gọi anh phổ ky (phục vụ bàn) dõng dạc kêu một tô diến phảnh (hủ tiếu bò viên), tự dưng thấy khung cảnh nơi đây vẫn quen thuộc, như ngày nào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.