Tên lửa bội siêu thanh Nga phóng vào Ukraine thật sự lợi hại thế nào?

Văn Khoa
Văn Khoa
22/03/2022 15:55 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Nga đã sử dụng tên lửa bội siêu thanh trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và vũ khí này không thể đánh chặn.

“Nếu quý vị chú ý, [Nga] mới đây phóng tên lửa bội siêu thanh vì đó là việc duy nhất họ có thể đạt được với sự chắc chắn tuyệt đối”, Tổng thống Biden phát biểu tại cuộc họp với nhiều tổng giám đốc ở Washington D.C. vào tối 21.3 (sáng nay 22.3 theo giờ Việt Nam), theo CNN. Ông Biden cho rằng tên lửa bội siêu thanh gần như không thể bị đánh chặn và đó là lý do Nga sử dụng loại vũ khí này.

“Miễn nhiễm” trước các hệ thống phòng không

Hôm 20.3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng nước này đã phóng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal phá hủy một kho nhiên liệu ở tỉnh Mykolaiv thuộc miền nam Ukraine, theo AFP.

Máy bay chiến đấu MiG-31 mang tên lửa bội siêu thanh Kinzhal

AFP

Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo trên Facebook rằng nước này đã dùng tên lửa Kinzhal nhắm vào một kho quân sự ngầm lớn ở miền tây Ukraine, phá hủy kho ngầm chứa tên lửa và đạn dược cho máy bay tại vùng Ivano-Frankivsk.

Đến ngày 21.3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố: “Tên lửa bội siêu thanh Kinzhal đã chứng minh khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu đặc biệt được bảo vệ kỹ lưỡng. Nga sẽ tiếp tục triển khai tên lửa này nhắm vào cơ sở quân sự Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nga nói gì về lần đầu cho tên lửa bội siêu thanh Kinzhal "ra trận"?

“Tôi muốn nói rõ rằng hệ thống tên lửa bội siêu thanh Kinzhal được phóng ra ở khoảng cách hơn 1.000 km. Thời gian bay của tên lửa là chưa đầy 10 phút. Nhờ tốc độ siêu thanh và động năng cực kỳ cao, tên lửa đã phá hủy kho vũ khí ngầm trong vùng núi Ivano-Frankivsk”, ông Konashenkov nói. Ông cũng nhắc đến năng lực “tàng hình”, “miễn nhiễm” của tên lửa Kinzhal trước các hệ thống phòng không và đánh chặn tên lửa.

“Chỉ là tên lửa”

Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự cũng như chính phủ Mỹ và Anh không đánh giá cao khả năng bội siêu thanh của Nga, theo tờ The Washington Post.

Kinzhal, tên lửa đạn đạo được phóng từ trên không, là phiên bản được nâng cấp của tên lửa Iskander do Nga chế tạo. “Tên lửa Iskander đã được sử dụng trong cuộc xung đột [Nga-Ukraine] vài lần, nhưng nó được phóng từ trên bộ. Nó rất giống nhau”, chuyên gia Tom Karako tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định.

Cả Iskander và Kinzhal có thể bay theo những quỹ đạo thấp và có tính cơ động. Khả năng này giúp tên lửa khó bị phát hiện đang bay ở đâu, nhắm tới mục tiêu nào và quỹ đạo bay là gì, gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ, theo ông Karako. Tuy nhiên, ông Karako lưu ý: “Nghĩ những thứ này không thể bị đánh bại là quan niệm sai lầm lớn. Suy cho cùng, chúng chỉ là tên lửa”.

Tên lửa bội siêu thanh đáng sợ đến mức nào?

Nga phóng thử Kinzhal từ chiến đấu cơ MiG-31 vào tháng 7.2018, theo một báo cáo do Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ công bố ngày 17.3.2022. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 800 km. Cũng theo báo cáo, tên lửa Kinzhal có thể được trang bị một đầu đạn hạt nhân, và có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển, nhưng những khả năng của tên lửa này chưa được giới tình báo Mỹ xác nhận và giới phân tích còn nghi ngờ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ tên lửa Kinzhal trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc trước cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018. Khi đó, Lầu Năm Góc xem nhẹ bài phát biểu của ông Putin, nói rằng vũ khí Nga đã được xem như một nhân tố trong các đánh giá của Mỹ, theo tờThe Guardian. “Chúng tôi không ngạc nhiên bởi những tuyên bố đó và người Mỹ nên yên tâm rằng chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc khi đó Dana White phát biểu.

Xem thêm diễn biến chiến sự tại Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.