Ý tưởng, thiết kế, bố cục thay đổi theo từng năm, đường hoa đang dần trở thành “đặc sản” của mùa xuân Sài Gòn.
Từ mảnh hồn ký ức của người Sài Gòn xưa…
Lịch sử ghi lại, trước kia, tại vị trí đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay chính là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn, sau này bị người Pháp lấp lại và hình thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner nối một đầu là Dinh Đốc lý (nay là trụ sở UBND TP) với đầu kia là bờ sông Sài Gòn (nay gọi là bến Bạch Đằng). Từ dưới sông, mỗi dịp tết về, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về tập kết ở bến, và trên bờ, hoa trải dài trên đại lộ này, tạo thành khu chợ hoa nhộn nhịp. Chợ hoa Nguyễn Huệ cùng chợ chim Huỳnh Thúc Kháng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng thời đó.
|
Cho đến cuối thế kỷ 20, mỗi năm một lần, con đường này vẫn là chợ hoa xuân chính của người dân thành phố. Mỗi khi tết đến, nơi đây tập trung mua bán hoa tết cây cảnh nên con đường này khi đó còn được gọi là “Chợ tết Nguyễn Huệ”. Nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ.
Người ta đến đây không chỉ để mua hoa mà còn là ngắm, thưởng ngoạn và tận hưởng cái hương vị đặc trưng của chợ hoa tết. Những tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả, rồi cả tiếng leng keng của những thùng kem dạo đã trở thành âm thanh quen thuộc gắn bó với người dân thành phố. Được đi chơi chợ hoa Nguyễn Huệ, được cha mẹ mua cho một que kem hay một cái kẹo bông bằng đường, rồi tung tăng trong không khí vui tươi, hớn hở đã trở thành những kỷ niệm thơ ấu rất khó quên trong ký ức nhiều người.
Khoảng đầu những năm 2000, TP.HCM quy hoạch lại chợ hoa xuân, đưa chợ hoa ra công viên 23 Tháng 9. Chợ hoa Nguyễn Huệ không còn nữa. Dù chợ hoa ở công viên 23 Tháng 9 tấp nập đông vui, nhưng nhiều người vẫn tiếc nuối cái cảm giác dạo bước ở chợ hoa Nguyễn Huệ, nơi mà mỗi năm chỉ một lần được đi bộ ở làn xe giữa trên con đường 3 làn xe đẹp nhất thành phố này, nơi mà hoa trải dài hai bên lối đi, nằm lọt giữa hai làn xe đông vui và hai dãy nhà cao tầng hai bên.
Tới Tết Giáp Thân 2004, TP.HCM chính thức “hồi sinh” chợ hoa Nguyễn Huệ, nhưng khoác lên đó một diện mạo mới trang hoàng, lộng lẫy và chuyên nghiệp hơn. Không còn cảnh mua bán, chào mời, mặc cả, con đường với hoa là hoa nhưng được bày biện, sắp đặt công phu, chỉ dành cho việc thưởng ngoạn của khách du xuân.
Từ đó đến nay, cứ vào dịp tết, đường Nguyễn Huệ có một cái tên khác, đó là đường hoa Nguyễn Huệ. Họa sĩ nổi tiếng Bùi Chí Công từng ví đường hoa Nguyễn Huệ là “viên ngọc quý” của TP.HCM bởi giá trị nghệ thuật và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đối với người dân cũng như sự phát triển của thành phố. Trong một bài bình trên Tạp chí Kiến trúc, xuất bản vào tháng 1.2010, ông viết: “Là một thành phố trẻ, hiện đại, tưởng như cuộc sống hối hả và các dòng văn hóa phương Tây sẽ làm cho người TP.HCM không còn để ý tới những gì thuộc về truyền thống, nhưng đường hoa Nguyễn Huệ năm nào cũng dành một phân đoạn tạo dựng một cảnh đồng quê VN rất sống động không chỉ thu hút sự hiếu kỳ của lớp trẻ thành phố, của du khách phương xa, mà “góc đồng quê” ấy như một mảnh hồn ký ức của những người thành phố lớn tuổi, như được phút chốc trở lại nơi dòng sông quê, một khoảnh khắc đầy ý nghĩa khi xuân về…
… tới thông điệp năm mới
15 năm qua, cứ tới khoảng tháng 11 - 12 là người dân thành phố lại háo hức chờ đón thông tin về đường hoa Nguyễn Huệ để xem năm nay có gì mới, đặc sắc.
Trong đó, chủ đề của đường hoa là một trong những nội dung được quan tâm rất nhiều. Không chỉ biểu trưng cho giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc của người dân TP.HCM, chủ đề đường hoa còn là bản thông điệp, lời nhắn gửi của lãnh đạo thành phố về nhiệm vụ, xu hướng phát triển trong năm mới. Đơn cử, năm 2007, chuẩn bị sẵn sàng cùng con thuyền VN chính thức giương buồm ra khơi, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đường hoa Nguyễn Huệ năm đó lấy chủ đề “Trên đường hội nhập” với biểu tượng điểm nhấn là những con heo bằng đất và gốm bên cạnh 100.000 chậu hoa các loại, dự báo một năm mới ấm no.
Trước giai đoạn khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài 2 năm từ 2008 - 2009, TP.HCM liên tiếp khẳng định tinh thần quật cường của những người con Nam bộ, quyết tâm “Vượt sóng” (chủ đề đường hoa Nguyễn Huệ 2008) và “Vững tin” (chủ đề Tết Kỷ Sửu 2009). Để sau đó, TP.HCM hứng khởi đón năm 2010 với chủ đề đường hoa Nguyễn Huệ là “Xuân Bình Minh”, thể hiện những tín hiệu lạc quan về kinh tế - xã hội của thành phố trong năm mới. Liên tiếp sau đó, các “tuyên ngôn đầu năm”: Tầm cao mới, Việt Nam quê hương tôi, Trái tim Việt Nam, TP.HCM - Thành phố tôi yêu; Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam; TP.HCM - Hòa bình, thịnh vượng và phát triển; Thành phố mang tên Bác - Khát vọng ngời sáng; Khát vọng vươn cao; Vững bước vươn xa… đã đưa đường hoa Nguyễn Huệ trở thành chứng nhân quan trọng trên từng đoạn đường phát triển của thành phố mang tên Bác. Cùng với đó, đường hoa Nguyễn Huệ qua mỗi năm lại được đầu tư bài bản hơn, trang hoàng lộng lẫy hơn với nhiều công nghệ hiện đại.
Truyền thống kết hợp với hiện đại
Sắp tới năm nay (2020), đường hoa Nguyễn Huệ xuân Canh Tý mang chủ đề “TP.HCM - Vững tin tiến bước”, sẽ diễn ra từ 19 giờ ngày 22.1 - 21 giờ ngày 28.1.2020 (tức 28 tháng chạp đến mùng 4 tháng giêng âm lịch).
Theo thông tin từ ban tổ chức, đường hoa được thiết kế thành ba phân đoạn chính, trải dài gần 700 m trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, bắt đầu từ ngay phía sau đài phun nước nghệ thuật đến giao lộ Tôn Đức Thắng. Ông Trương Tấn Sơn, Phó tổng giám đốc Saigontourist, Phó trưởng ban Tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ năm 2020, cho biết đường hoa năm nay thể hiện đúng ý nghĩa của lễ hội tết cổ truyền. Sắc thái văn hóa truyền thống được thổi vào hình tượng chú chuột năm Canh Tý thông minh, linh hoạt, đoàn kết gắn với các chủ đề về con người, văn hóa của vùng đồng bằng sông nước Nam bộ và môi trường xã hội hiện đại hiện lên sinh động, tươi vui. Có gần 130 linh vật năm Canh Tý được tạo hình độc đáo, bố cục trải dài khắp trục đường Nguyễn Huệ.
Bên cạnh đó, lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ - Đám cưới chuột, đại cảnh cổng chào cũng tái hiện hình ảnh đàn chuột được cách điệu thân thiện và hiện đại, nối đuôi nhau chào đón năm mới. Tại đây, diễn họa cảnh gia đình chuột đang nhảy múa, tạo nên một bản hòa ca mùa xuân tươi vui, rộn rã. Nhạc trưởng chuột bố cao 3 m chỉ huy đội nhạc công gồm chuột mẹ cao 2,5 m và bảy nhạc công chuột nhí cao trung bình 1,5 m đàn hát xung quanh, sẽ là mở đầu đầy hào hứng cho đường hoa xuân Canh Tý 2020. Đường hoa cũng được thiết kế thành ba phân đoạn, gồm phân đoạn 1 - Xuân của đất trời, Xuân của tình người; phân đoạn 2 - Thành phố phát triển, Bền vững niềm tin; và phân đoạn 3 - Thành phố hiện đại, Tiến bước vươn xa.
Bình luận (0)