Thái Lan ưu đãi khủng 'kéo' doanh nghiệp rời Trung Quốc

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/09/2019 14:52 GMT+7

Thái Lan vừa công bố “gói tái định cư” dành cho các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc .

Cụ thể, gói hỗ trợ mới sẽ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm cho các công ty có vốn đầu tư thực tế ít nhất 1 tỉ baht (khoảng 32,61 triệu USD). Chủ các công ty có thể nộp đơn xin ưu đãi vào năm 2020. Trước đó, chính phủ nước này cũng đã cung cấp cho các công ty trong hành lang kinh tế phương Đông (EEC) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 13 năm và giảm 50% thuế tối đa 5 năm. Hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%.

Cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam

Theo Asian Nikkei Review, tính đến giữa tháng 8 năm nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp đã và đang di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ trong thương chiến Mỹ - Trung. Đặc biệt, trong chiến dịch rời Trung đã có các ông lớn như HP, Dell, Apple, Google hay Nintend…
Việc tung gói hỗ trợ thuế đến 50% được coi là một trong những động thái nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào quốc gia này trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại. Trong quý 2 vừa qua, xuất khẩu của Thái Lan được đánh giá sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ủy ban Đầu tư (BOI) của Thái cho biết gói hỗ trợ này sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc và cũng không giấu giếm khi cho biết, họ đang muốn cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Hiện, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, nhưng với các công ty đầu tư mới vào khu công nghệ cao hoặc hoạt động trong lĩnh vực công, môi trường… sẽ được áp dụng thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Thái Lan chỉ đạt tổng cộng 4,8 tỉ USD. Trong khi đó, tính hết 6 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là 18,74 tỉ USD, cao gần gấp 4 lần so với Thái Lan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với Thái Lan trong thu hút đầu tư từ làn sóng rời Trung né đòn thuế từ cuộc chiến thương mại.

Cũng như Việt Nam, Thái Lan tự hào có nguồn lao động dồi dào

Ng.Ng

Chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, có một số yếu tố gây cản trở cho đầu tư nước ngoài vào Thái Lan. Đó là thiếu cơ sở hạ tầng, vấn nạn kẹt xe triền miên tại thủ đô Bangkok đã giảm sút tinh thần của nhà đầu tư khi cân nhắc việc chuyển nhà máy rời Trung Quốc thì đến Việt Nam hay Thái Lan. Một báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và xuất khẩu (Bộ Công thương) cũng cho thấy, Thái Lan có một số điểm mạnh như tự do thương mại, một số cơ quan của Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư tốt và không hạn chế trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, điểm yếu trong thu hút đầu tư nước ngoài ở Thái là thiếu công nhân lành nghề, bất ổn chính trị thường xuyên, vi phạm bản quyền, hàng giả vẫn còn rất cao. Dẫn chứng điều này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh dẫn thông tin Google đã công bố sẽ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại sang Việt Nam bằng việc mua lại nhà máy cũ của Nokia. Ông nói: “Việt Nam vẫn có một số lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ là thuế, một số ưu đãi mạnh trong lựa chọn thuê đất đầu tư công nghệ cao, phát triển xanh. Bên cạnh đó, môi trường chính trị ổn định và Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương”.

Mở rộng nhà máy thay là đầu tư mới

Trong động thái khác, một khảo sát của Nikkei mới đây cũng cho thấy, các công ty nước ngoài đã lựa chọn tăng công suất nhà máy cũ thay vì xây nhà máy mới ở Việt Nam. Thực tế, căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý kinh doanh. Nikkei cho hay, số doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp cho mục đích sản xuất, như xây dựng nhà máy đã giảm hơn 30%. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp vào Mỹ từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh từ hơn 50% xuống còn 30%. Nikkei đánh giá: Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc chảy sang trong cuộc chiến thương mại, thế nhưng, nhiều công ty dường như không muốn xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam và có chăng chỉ cố gắng tận dụng các nhà sản xuất cũ, đã hoạt động trước đó. Giải pháp là mở rộng tăng công suất các nhà máy hiện tại.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại bằng thuế chưa đủ. Việt Nam đang thu hút FDI thế hệ mới bằng nhiều chính sách tạo đầu tư bền vững ổn định, lâu dài...

Ngọc Thắng

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, một lý do khiến các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư mới trong giai đoạn này một phần nhu cầu mua sắm của thế giới giảm, kinh doanh trì tệ từ ảnh hưởng cuộc chiến. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cũng là điểm đến an toàn cho nhà đầu tư vì nhiều lợi thế: cải cách mạnh mẽ từ chính phủ, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, nhân lực phong phú, thị trường xuất khẩu mạnh...
8 tháng của năm nay, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), vốn đăng ký, mở rộng, tăng thêm đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam là 22,63 tỉ USD. Trong đó, có 2.406 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,4% về số dự án so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do không có dự án quy mô lớn, nên tổng vốn đầu tư cấp mới chỉ đạt 9,13 tỉ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, còn có 908 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm gần 4 tỉ USD, tăng 23,4% về số dự án và giảm 29,6% về số vốn so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, trong 8 tháng qua, có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 9,51 tỉ USD, tăng 80% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 42% tổng vốn đăng ký.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.