Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trước cuộc đàm phán với Mỹ

17/03/2021 16:09 GMT+7

Không chỉ cam kết với khu vực, Mỹ còn tăng cường “vây hãm”, thậm chí vượt qua tất cả những gì Trung Quốc xem là lằn ranh đỏ ngay trước khi 2 nước có đàm phán quan trọng vào ngày mai 18.3.

Dự kiến, sau khi công du Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J.Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony J.Blinken quay về bang Alaska (Mỹ).
Tại Alaska vào ngày 18.3 (theo giờ địa phương), ông Blinken sẽ cùng Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc hội đàm với phái đoàn ngoại giao Trung Quốc gồm ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương, và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Không chỉ có mũi nhọn an ninh

Đây là hội đàm trực tiếp cấp cao nhất giữa Washington với Bắc Kinh kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, thời gian qua, quan hệ 2 nước liên tục căng thẳng vì nhiều vấn đề, nên hội đàm ngày 18.3 có thể xem là một cuộc đàm phán đúng nghĩa để hai bên giải quyết các bất đồng.
Để giành ưu thế trong cuộc đàm phán này, Washington đã cấp tập hoạt động và gây áp lực mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh. Từ giữa tháng 2, Washington đã chủ động nhóm họp trực tuyến cấp ngoại trưởng của “tứ giác kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ.
Đến ngày 12.3, Mỹ lại tổ chức hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất thuộc chính quyền 4 nước trong nhóm rồi đưa ra chiến lược rất cụ thể. Trong đó, “bộ tứ” đã đưa ra chương trình sản xuất 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ các nước khác. Như vậy, không chỉ gây áp lực về quân sự, “bộ tứ” còn đối đầu trực diện với chiến lược “ngoại giao vắc xin” mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm gây ảnh hưởng lên thế giới giữa đại dịch Covid-19.
Kèm theo đó, “bộ tứ” còn đưa ra chính sách hợp tác về kinh tế, cụ thể là phối hợp phát triển chuỗi cung ứng. Tất cả tạo nên một áp lực tổng thể nhằm vào Bắc Kinh.

Vượt các lằn ranh đỏ

Đến ngày 16.3, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin của Mỹ lại có hội đàm trực tiếp với 2 người đồng cấp Nhật Bản. Sau hội đàm, một thông cáo chung được đưa ra với nhiều câu từ đanh thép trực chỉ gửi đến Bắc Kinh.

4 bộ trưởng của 2 nước Mỹ và Nhật tại cuộc họp báo sau hội nghị 2+2 vào ngày 16.3 tại Tokyo.

Reuters

Thông cáo nêu: “Mỹ và Nhật cho rằng Trung Quốc có hành vi không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, dẫn đến những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với liên minh Mỹ - Nhật và cộng đồng quốc tế. Các bộ trưởng của Mỹ và Nhật cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây hấn đối với các nước trong khu vực, làm suy yếu hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Các bộ trưởng Mỹ và Nhật tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Mỹ - Nhật nghiêm túc quan ngại về những diễn biến gây rối gần đây trong khu vực, chẳng hạn như luật hải cảnh mới của Trung Quốc”
Cũng trong đó, Washington nhấn mạnh cam kết bảo vệ Tokyo bằng toàn bộ sức mạnh quân sự, bao gồm cả sức mạnh hạt nhân. Hai bên thảo luận về việc Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh chung và hiệp ước này có giá trị cả trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp. Thông cáo khẳng định: “Mỹ - Nhật phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.
Như vậy, Mỹ đã thể hiện rõ sẽ không dung thứ cho việc Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Về Biển Đông, thông cáo nêu rõ: “Các bộ trưởng của Mỹ và Nhật cũng phản đối các tuyên bố chủ quyền lẫn hoạt động hàng hải phi pháp mà Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông. Washington và Tokyo nhắc lại rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 về Biển Đông là phán quyết cuối cùng”.
Ngoài ra, thông cáo lên án Trung Quốc trong các vấn đề về eo biển Đài Loan, tình hình Hồng Kông, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương... Tất cả những vấn đề trên đều thuộc nhóm mà Trung Quốc từng vạch ra là “lằn ranh đỏ”, bao hàm cả các “lợi ích cốt lõi” theo định nghĩa của Bắc Kinh.
Không những vậy, ông Kurt Campbell, Đặc phái viên của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mới đây đã tiết lộ Washington vừa thông báo với Bắc Kinh rằng điều kiện tiên quyết để 2 bên bình thường hóa quan hệ hai bên là Trung Quốc phải dỡ bỏ các biện pháp cưỡng ép kinh tế nhằm vào Úc.

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Như vậy, Washington đã ra tay siết chặt “vòng vây” nhằm vào Bắc Kinh ngay trước khi 2 bên đàm phán. Tuy nhiên, năm nay 2021 là dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là dịp ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, muốn thể hiện vai trò quan trọng để đưa nước này tạo nên bước chuyển mới của Kế hoạch trăm năm lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, mọi sự nhún nhường hay hình ảnh Trung Quốc yếu đi trước nước khác đều sẽ làm tổn thương nỗ lực của chính quyền đương nhiệm ở Trung Quốc. Chính vì thế, trong cuộc đàm phán vào ngày 18.3 ở Alaska, Bắc Kinh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Vì Trung Quốc muốn “tiến” thì bất khả thi bởi Mỹ đang gây áp lực mọi phía. Ngược lại, nếu “thoái” thì chính quyền Trung Quốc đương nhiệm khó có thể thuyết phục dư luận nội bộ. Từ thực tế này, cuộc đàm phán vào ngày 18.3 có lẽ sẽ không đạt được kết quả gì đáng kể.
Chính vì vậy, việc giải quyết bất đồng giữa 2 bên có lẽ phải chờ đợi đến cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.