Nên cho VĐV bóng bàn trẻ triển vọng dự SEA Games 2019

28/05/2019 11:47 GMT+7

Giải bóng bàn vô địch quốc gia (VĐQG) vừa kết thúc ghi nhận thành tích của hai VĐV trẻ được giải triển vọng đều của CLB T&T là Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc. So với những VĐV đã đoạt giải này ở nhiều năm gần đây, khả năng của hai VĐV này quá vượt trội.

HAI TRẬN THẮNG TẠO PHẤN KHÍCH MẠNH
Bất ngờ lớn nhất ở giải VĐQG năm nay diễn ra sáng 24.5 khi VĐV 15 tuổi Trần Mai Ngọc đánh bại hạt giống số 1 Nguyễn Khoa Diệu Khánh, tay vợt hai lần liên tiếp là á quân quốc gia năm 2017 và vừa có 1 trận thắng hay ở giải vô địch thế giới 2019 trong tháng 4. Mai Ngọc đã thắng Diệu Khánh thuyết phục 4-2, trong đó có các ván thắng với tỷ số cách biệt khá lớn như 11/3, 11/5, 11/6.
Sau đó, Mai Ngọc còn thắng tiếp 4-3 trước VĐV Thảo Nguyên (Tây Ninh), thắng tuyển thủ quốc gia Vũ Thị Hà 4-3 và đàn chị Nguyễn Bạch Thanh Thư 4-1 để vào chung kết với VĐV đã 11 lần VĐQG Mai Hoàng Mỹ Trang. Cùng với đồng đội ở CLB T&T, Mai Ngọc còn đoạt thêm HCB đồng đội nữ và đôi nữ
Ngay trước trận chung kết đơn nữ, nhiều người đã liên tưởng đến sự kiện diễn ra cách đây 31 năm ở giải bóng bàn VĐQG. Khi đó ĐKVĐ Vũ Thị Noel (Quân đội) không thể bảo vệ ngôi số 1 khi thua tay vợt 16 tuổi Nhan Vi Quân (TP.HCM) trong trận chung kết. Đặc biệt, tại SEA Games 1991 tại Philippines, Nhan Vi Quân (cùng với Trần Thu Hà và Nguyễn Bích Ngọc) lần đầu tiên đưa đội tuyển Việt Nam đoạt HCV đồng đội nữ tại một kỳ SEA Games (đến nay vẫn chưa có lần 2). Rất tiếc, trước Mỹ Trang có kỹ thuật quá chuẩn và kinh nghiệm của người có tuổi hơn cả hai lần tuổi mình, Mai Ngọc đành chịu nhận HCB.
Đến sáng 25.5, một thành thích thật thú vị khác lại được cả người xem và giới chuyên môn vô cùng phấn khích là trận thắng 4-3 ở trận tứ kết đơn nam của VĐV 17 tuổi Đinh Anh Hoàng trước á quân quốc gia Nguyễn Đức Tuân (Hải Dương). Trận đấu kịch tính này kéo dài đủ 7 ván đấu với tỷ số của ván quyết định là 11/9 đã vắt kiệt sức của cả hai VĐV tham dự vì đến gần giờ nghỉ trưa mới xong. Bởi vậy, ngay khi vào tranh bán kết với Đoàn Bá Tuấn Anh (Hải Dương) đầu giờ chiêu hôm ấy, thể lực của Anh Hoàng không còn được sung mãn, đành chịu thua 2-4 trước Tuấn Anh (sau đó đoạt HCV đơn nam)
VƯỢT KHÓ ĐỂ ĐI LÊN
Cả Anh Hoàng và Mai Khôi đều cùng ở "lò" đào tạo CLB T&T đã chứng tỏ chính công sức của các HLV giàu chuyên môn và đầy ắp tình người như nhà vô địch SEA Games Vũ Mạnh Cường, Đặng Thành cũng như các trợ lý là HCV đơn nam SEA Games 2003 Trần Tuấn Quỳnh và chuyên gia đánh đôi Phan Huy Hoàng đã đóng góp quá lớn công sức. Tuy vậy, cũng không thể có được vinh quang nếu chính các VĐV không chịu miệt mài tập luyện.
Cả Hoàng hơn Ngọc 2 tuổi nhưng đều có gần 9 năm ăn ở và tập luyện tại Trung thâm TDTT Hà Nội, được học văn hóa đàng hoàng xuất phát từ "đợt tuyển quân" vô cùng độc đáo từ do "tướng quân" Vũ Mạnh Cường chỉ huy khi hướng về phương nam.
Hai em xa nhà từ nhỏ, trong đó Mai Ngọc rời Bình Dương về Hà Nội "tìm tương lai" khi đã mồ côi cha, còn mẹ chỉ là công nhân bình thường ở một khu công nghiệp. Vậy mà giờ đây cuộc sống của các em đều đã ổn định vững chắc nhờ "của cải" chuyên môn là nhiều thành tích "dày" lên, còn của cải tính bằng tiền là sổ tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng do các thầy lập ra để chuyển hết tiền thưởng và thu nhập dư vào đó.
Riêng về mặt chuyên môn, cả hai VĐV trẻ này đều có nhiều kỹ thuật tốt và… lạ. Mai Ngọc thì rất ít khi run sợ, không "co" lại và nhát đánh khi đối đầu với các chị lớn. Nhờ chăm chú trong tập luyện, Ngọc thường tìm tìm mọi kỹ thuật để "đẩy" các chị ra xa bàn, còn mình thì gắng giành quyền ôm bàn để chủ động tấn công. Cầm vợt tay trái, em đã tập luyện rất tốt quả giao bóng,để biến kỹ thuật này thành một vũ khí rất lợi hại cho mình.

tin liên quan

Giải bóng bàn TP.HCM mở rộng 2019: Nam Quận 1 và nữ Phú Nhuận đăng quang
Ngày 3.3 vừa qua, với hai trận toàn thắng trước Lê Đình Duy và Lê Anh Đức, tay vợt Trần Huy Bảo đã giúp đội nam Quận 1 thắng đội Quận 5 với tỷ số 3-1 để đoạt chức vô địch nội dung đồng đội nam giải bóng bàn TP.HCM mở rộng. 3-1 cũng là tỷ số mà đội Phú Nhuận thắng đội Quận 5 trong trận chung kết đồng đội nữ.
Được học và cọ xát ngay với các thầy đều là những nhà vô địch cấp khu vực, Anh Hoàng trở thành một tay vợt xoay xở trận đấu rất linh hoạt. Nếu nhận xét kỹ, sẽ thấy Hoàng thay đổi lối đánh liên tục, đánh mạnh ở mặt vợt phải lại bất ngờ chuyển nhanh qua trái làm đối thủ không đoán được hướng bóng. Chàng trai quê Đắk Lắk này cũng giao bóng rất khó chịu, khi dài khi ngắn không biết đâu … mà lần. Lại tiếc, nếu ban tổ chức khéo hơn một chút trong việc sắp xếp thời gian thi đấu hợp lý hơn, không để VĐV đấu 2 trận liên tiếp đều quan trong mà thời gian nghỉ quá ít thì Anh Hoàng có thể "làm nên chuyện lớn" hơn trong giải này.
Vượt trội hẳn các bạn đồng trang lứa, lại đánh thắng hầu hết VĐV mạnh trong đội tuyển quốc gia, sao lại không để cho hai bạn trẻ này được có mặt trong đội tuyển quốc gia dự SEA Games 2019 tới để chuẩn bị tương lại cho bóng bàn Việt Nam?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.