Thí sinh cần lưu ý những điều gì trước ngày thi tốt nghiệp THPT?

Lê Thanh
Lê Thanh
03/07/2021 16:31 GMT+7

Học sinh cần lưu ý những điều gì khi chỉ còn vài ngày nữa là bước vào tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Dưới đây là những chia sẻ và lời khuyên từ thế hệ học sinh đi trước, phụ huynh cùng các chuyên gia để giúp thí sinh tự tin hơn bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 (ngày 7-8.7).

Hệ thống lại kiến thức đã học và dành thời gian thư giãn

Theo Nguyễn Hữu Hiếu, sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ còn vài ngày nữa là thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và không ít thí sinh tỏ ra lo lắng.
“Tuy nhiên, theo mình thời gian này học sinh lớp 12 nên dành thời gian để hệ thống lại tất cả những kiến thức đã học bấy lâu nay và lưu ý không nên ôn thêm nhiều kiến thức dàn trải, tránh bị quá tải mà hãy tranh thủ thời gian thư giãn và nghỉ ngơi. Các em có thể gặp gỡ bạn bè hoặc trò chuyện với gia đình để giảm áp lực, tuyệt đối tránh xa các hoạt động mạnh hoặc nhiều cảm xúc. Còn trong phòng thi, thí sinh lưu ý nghe theo sự hướng dẫn của giám thị, đọc kỹ đề, phân tích và tận dụng từng bài tập nhỏ từ dễ đến khó và hãy cố gắng hết sức của mình có thể”, anh Hiếu chia sẻ. 

Đối chiếu thông tin trước khi thí sinh vào phòng thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Đào Ngọc Thạch

Còn theo Lê Thị Quỳnh Như, sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ, khoảng thời gian “chạy nước rút” của các kỳ thi, học sinh hay học theo kiểu cày ngày cày đêm để mong đưa được nhiều kiến thức vào đầu. “Học như thế chưa đúng mà cần phải có cách học hợp lý mới mang lại hiệu quả cao”, Quỳnh Như nói.
Quỳnh Như tư vấn: “Sau một tiếng đồng hồ học tập, các mình đứng dậy và tìm một nơi thoáng đãng để thư giãn. Chỉ cần làm như vậy trong vòng 5 phút rồi quay trở lại học bài, bạn sẽ thấy có hiệu quả. Bởi vì, trong quá trình học tập, ngoài sự tập trung suy nghĩ thì mắt của bạn cũng phải làm việc hết công suất. Khi ấy, mắt dễ bị mỏi, suy giảm thị lực nhanh chóng nếu bạn không dành thời gian cho mắt ‘giải lao’ ”. 

TP.HCM tổ chức thi tốt nghiệp THPT giữa Covid-19 là “một quyết định khó khăn”

Giúp con cái tránh áp lực và chú ý đến sức khỏe, dinh dưỡng

Từng có con thi tốt nghiệp THPT năm 2020, chị Huỳnh Thị Sang, ngụ tại hẻm 29 Bình Tiên, P.8, Q.6, TP.HCM, cho biết lại: “Những ngày gần thi, do áp lực quá lớn nên lúc nào tôi cũng thấy con lo lắng. Buổi tối tôi thường xuyên thấy con trai học bài đến 2 giờ sáng mới đi ngủ, ngủ chưa được 3 tiếng đồng hồ thì đã thấy con dậy ngồi vào bàn học bài tiếp. Lúc đó tôi cảm thấy lo lắng và khuyên con là buổi tối chỉ học bài đến 10 giờ là phải đi ngủ để giữ gìn sức khỏe. Sở dĩ tôi khuyên con như thế là vì tôi đọc báo thấy các chuyên gia tâm lý và bác sĩ dinh dưỡng khuyên học sinh không được thức khuya vào những ngày cận thi vì như vậy sẽ làm cho tinh thần mệt mỏi”.
Nhằm tạo cho con có tinh thần thoải mái, chị Sang kể: “Thỉnh thoảng buổi tối tôi cũng rủ con đi dạo công viên một chút hoặc cùng con nghe nhạc cho thoải mái đầu óc. Song song đó, tôi cũng nấu những món ăn bổ dưỡng và nước mát để con uống thường xuyên cho khỏe”. 

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

NGỌC DƯƠNG

Ngoài phương pháp học thì sức khỏe là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đây là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu trong mùa thi.
Theo TS-BS Nguyễn Nam Hà, Trưởng đơn vị Truyền thông giáo dục sức khỏe của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diến biến phức tạp và khả năng lây lan rộng trong cộng đồng cao, thời gian để các học sinh lớp 12 tập trung ôn thi trùng với thời gian dãn cách xã hội. Do vậy, học sinh có một số thay đổi về nề nếp sinh hoạt, ăn uống so với thời gian đến trường học.
Để có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới theo bác sĩ Nam Hà, học sinh cần chuẩn bị tốt sức khỏe thể chất và tâm lý để bước vào kỳ thi nói trên.
“Học sinh nên thực hiện thời khóa biểu ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục đều đặn như thông thường. Các em không nên dồn hết thời gian trong ngày để ôn bài thi. Sau một thời gian ngồi vào bàn học hoặc ngồi trước máy tính 2-3 giờ đồng hồ, nên rời khỏi bàn học để thực hiện các động tác thể dục giữa giờ. Học sinh cần ngủ khoảng 6-7 tiếng đồng hồ mỗi ngày và ngủ sớm, dậy sớm tốt hơn ngủ trễ, dậy trễ. Các em cũng nhớ không được bỏ ngủ trưa, dù chỉ cần giấc ngủ ngắn 30 phút nhưng ngủ sâu cũng tốt”, bác sĩ Hà khuyên.
Cũng theo bác sĩ Hà, học sinh cũng cần tập thể dục mỗi buổi sáng bằng cách đi bộ đều đặn sẽ rất tốt cho sức khỏe, kích thích ăn uống giúp cơ thể có đủ dưỡng chất.
 

Thí sinh trao đổi với bạn bè sau khi ra khỏi phòng thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

NGỌC DƯƠNG

Để đảm bảo giấc ngủ và ăn uống tốt như thông thường Bác sĩ Hà lưu ý: “Khi nằm ngủ không được cho luồng gió quạt, máy lạnh thổi vào người, giữ nhiệt độ phòng ngủ sao cho vành tai và bàn chân không bị lạnh. Lượng nước trung bình cho học sinh phổ thông là 1,5 đến 2 lít mỗi ngày, tùy lứa tuổi và cân nặng. Ăn tráng miệng nhiều loại trái cây hoặc uống 1 đến 2 ly nước ép trái cây mỗi ngày để kích thích ăn ngon nhằm tăng cường sức đề kháng”.

Đừng quá căng thẳng

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), khuyên: “Trong thời gian này, nếu có những kiến thức, nội dung còn băn khoăn hoặc chưa hiểu, học sinh hãy liên lạc ngay với bạn bè, thầy cô giáo để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Các thí sinh hãy thật sự nghiêm túc đầu tư cho mùa thi nhưng không nên quá cầu toàn. Hãy suy nghĩ tích cực để thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nhẹ nhàng chứ không quá căng thẳng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.