Cách ly F1 tại nhà, đừng ngại !

17/06/2021 06:16 GMT+7

Dù hiện chưa địa phương nào “mạnh dạn” thí điểm cách ly F1 tại nhà , nhưng các chuyên gia khuyến nghị đây là thay đổi cần thiết để đối phó với quy mô dịch lớn hơn, nguy cơ dịch cao hơn.

1 tuần tăng hơn 20.800 ca F1

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến 6 giờ ngày 16.6, Việt Nam có 36.846 người đang được cách ly tập trung (ngoài 2.045 đang được cách ly điều trị trong bệnh viện).
Hiện rất khó tìm kiếm con số F1 ở từng địa phương, nhưng báo cáo của văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho thấy, từ 27.4 - 13.6 (tức trong đợt dịch thứ 4 này), Việt Nam đã điều tra được 78.506 người thuộc diện F1 tại 39 tỉnh, thành có dịch.

Trưa 17.6: Thêm 220 ca Covid-19, Việt Nam đã hơn 12.000 ca

Có thể thấy, cùng với sự bùng phát dịch phức tạp tại TP.HCM, số F1 tăng rất nhanh. Nếu từ 27.4 - 6.6 ghi nhận 57.700 F1, thì 1 tuần sau (từ 7 - 13.6), số F1 đã tăng thêm 20.806 người (lên 78.506 người, như đã nêu). Đây là đợt gia tăng F1 cao nhất trong đợt dịch thứ 4.
Con số gần 21.000 người, mà chỉ tăng tập trung ở một số điểm bùng phát dịch, khiến hệ thống cách ly tập trung quá tải cục bộ.
Chưa nói đến gánh nặng ngân sách, nhân lực để cách ly từng đó người trong 1 tuần, sự quá tải trong cách ly F1 đã đem đến các hệ lụy về lây nhiễm chéo và làm sai lệch ý nghĩa của cách ly - thay vì làm giảm nhẹ nguy cơ thì lại tăng nguy cơ lây nhiễm.
Đơn cử, đại diện WHO tại Việt Nam đã ghi nhận, trong 20 ngày, từ 23.5 - 13.6, có 56 ca lây nhiễm được ghi nhận tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự (TX.Sơn Tây, Hà Nội). Bắc Giang cũng đã ghi nhận tỷ lệ F1 thành F0 tại Công ty SJ Tech là 79%, Công ty Hosiden là 55% (theo số liệu tỉnh báo cáo với Bộ Y tế).
Quy mô của dịch ngày càng lớn đòi hỏi các biện pháp truyền thống cần phải thay đổi.
Chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hôm 4.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu khi dịch qua giai đoạn cao điểm nóng, tình hình bắt đầu được kiểm soát, 2 địa phương này cần đẩy nhanh việc thí điểm “cách ly tại chỗ, cách ly tại nhà và tự lấy mẫu xét nghiệm”.
TP.HCM, điểm nóng nhất về dịch trên toàn quốc hiện nay (với hơn 300 ca bệnh chưa rõ nguồn lây), cũng đã tính đến phương án này, vì số lượng người phải cách ly đã dần vượt ra ngoài năng lực kiểm soát.
“Phải luôn sẵn tinh thần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu dịch xảy ra lại ở nhiều địa phương và không thể đủ chỗ cho cách ly tập trung, cũng không thể yêu cầu T.Ư hay các địa phương khác chi viện lấy mẫu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Cách ly F1 tại nhà, đừng ngại !

Nhiều nơi tại TP.HCM phải phong tỏa, cách ly vì có các ca nhiễm Covid-19

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nên xem xét để F1 cách ly tại nhà

Theo Bộ Y tế, ngay từ đầu dịch, Bộ đã có hướng dẫn tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung với ca bệnh xác định và thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho người tiếp xúc gần, vì những người này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn các đối tượng cách ly tập trung khác. Tuy nhiên, với diễn biến thực tế, số mắc đã tăng nhanh tại một số địa phương và có ca mắc trong cộng đồng trong khu phong tỏa. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Nên xem xét để F1 cách ly tại nhà”, vừa tránh lây nhiễm chéo vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm các nước thì F1 chủ yếu cách ly tại nhà theo hướng dẫn của y tế, theo ông Nga.
Cách ly F1 tại nhà, đừng ngại !

Khu cách ly của Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội ở TX.Sơn Tây

ảnh: Phạm Quang Vinh

Ông Nga phân tích: “Chúng ta biết rằng không phải tất cả những người tiếp xúc gần (F1) đều là bệnh nhân và có thời điểm, tới 60% những người dương tính với Covid-19 không có triệu chứng, tức là họ vẫn bình thường và vẫn có thể lao động, nghiên cứu, làm việc online. Vì vậy, việc đưa tất cả F1 vào cách ly tập trung khi dịch đã lan rộng, bùng phát trong cộng đồng, và địa phương đã giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa là không phù hợp”.
Ông Nga cũng lưu ý việc cách ly tập trung tất cả F1 vào một chỗ lại có nguy cơ cao lây nhiễm từ người đã bị nhiễm vi rút sang người lành, vì không phải tất cả F1 đều dương tính.

Trưa 17.6: TP.HCM thêm 30 ca Covid-19, tổng cộng 1.450 bệnh nhân

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về cách ly F1 tại nơi lưu trú, trong khu vực phong tỏa. Việc thực hiện do từng địa phương áp dụng trên cơ sở đánh giá trên điều kiện thực tế. Tuy nhiên, F1 là các đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh cao, do đó nếu cách ly tại nhà, phải đảm bảo điều kiện cần thiết: phòng cách ly riêng, tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh, thu gom rác thải. Cùng với việc cá nhân đó cam kết thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch, không để lây nhiễm chéo, không lây ra cộng đồng, thì chính quyền địa phương có hình thức giám sát hiệu quả. Các gia đình có F1 cách ly tại nhà cần có biển thông báo bên ngoài để cùng giám sát thực hiện.
Cách ly F1 tại nhà, đừng ngại !

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Giang

ảnh: Phạm Quang Vinh

Dành sức cho các tình huống xấu hơn

Dù định hướng như vậy, nhưng thực tế chưa có địa phương nào thí điểm cách ly tập trung F1 tại nhà. Nguyên nhân, theo một chuyên gia trong ngành, là do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến các địa phương sợ rủi ro.

Các nước cách ly F1 như thế nào ?

Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến cáo người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, trừ người đã nhiễm Covid-19 trong vòng 3 tháng trước đó, hoặc người đã tiêm đủ liều vắc xin và không có triệu chứng. Trong thời gian ở nhà, F1 phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ.
F1 ở Anh phải cách ly tại nhà trong vòng 10 ngày. Những người ở chung nhà với F1 phải hạn chế tiếp xúc. Nếu F1 dương tính, người ở chung phải cách ly 10 ngày.
Singapore quy định F1 phải cách ly tập trung hoặc tại nhà trong vòng 14 ngày. Người ở cùng nhà cũng phải cách ly cho đến khi ca F1 được xét nghiệm âm tính hoặc không còn cách ly nữa. Tại Bangkok (Thái Lan), F1 phải tự cách ly trong vòng 10 ngày và không sử dụng các tiện ích chung nếu sống ở khu tập thể.    
Vi Trân
“Cách ly F1 tại nhà có 4 - 5 cái lợi: hạn chế lây nhiễm chéo; giảm gánh nặng ngân sách, nhân lực; giảm gánh nặng cho nhân viên y tế; bảo đảm tâm lý, sức khỏe cho người bị cách ly…, nhưng có nguy cơ mất an toàn nếu các điều kiện cách ly không đảm bảo và giám sát không chặt chẽ, điều cần làm là phải tập trung xử lý các nguy cơ”, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, nêu quan điểm.
Theo ông Nhung, nếu như giai đoạn đầu, sự hiểu biết của xã hội nói chung về dịch còn chưa cao, số lượng F1 lại thấp, thì cách ly tập trung là cần thiết. Nhưng đến giai đoạn này, khi mọi người đã có hiểu biết về dịch và cách thức chung sống an toàn với dịch, thì việc cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện lại là cần thiết song song với cách ly tập trung để giảm tải cơ bản cho cách ly tập trung. Ông Nhung cũng khuyến nghị việc đẩy mạnh tự lấy mẫu, tự xét nghiệm để sàng lọc, bởi với hàng trăm ca bệnh không rõ nguồn lây trong cộng đồng, ta phải chấp nhận thực tế là dịch có thể đang hiện diện nhiều nơi. Với quy mô đó, chúng ta nên có thúc đẩy sự hiện diện rộng rãi của kit xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể mua tại các hiệu thuốc, để người dân nếu cảm thấy nghi ngờ, không yên tâm có thể tự xét nghiệm sàng lọc cho mình.
“Tất nhiên, xét nghiệm kháng nguyên nhanh có rủi ro là độ nhạy không cao, chỉ dương tính khi nồng độ vi rút cao, nhưng khi được xét nghiệm như vậy đã có thể phát hiện được các trường hợp mắc bệnh giai đoạn lây nhiễm mạnh nhất. Khi dương tính sẽ gọi đến cơ sở y tế để được hướng dẫn xét nghiệm khẳng định”, ông Nhung nói và nhấn mạnh, để đối phó với dịch lâu dài, bài toán phân bổ nguồn lực không thể không tính đến.
“Nếu các nhân viên y tế cứ đi lấy mẫu cho cả F1, F2, thậm chí F3, rồi sàng lọc cộng đồng ngày đêm; nếu các y bác sĩ cứ căng sức điều trị cho các F0 không có triệu chứng (mà thực chất cũng chỉ là nằm bệnh viện theo dõi, nhưng vẫn tốn giường bệnh và y bác sĩ trực) thì nguồn lực sẽ cạn kiệt”, ông Nhung nói.
Theo thống kê của WHO, đến ngày 13.6, Việt Nam đã có 92 nhân viên y tế nhiễm Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.