Người không ủng hộ thì cho rằng “đi ngược xu hướng tiến bộ”, người đồng tình vì “có làm thì có thêm thu nhập”.
Giảm giờ làm để người lao động nghỉ ngơi, hưởng thụ
Nhiều bạn đọc (BĐ) đề nghị không tăng thêm giờ làm thêm, vì đó là gánh nặng đối với người lao động, là đi ngược với thời đại. BĐ Khang Trần (An Giang) cũng cho rằng tăng giờ làm là đi ngược với tiến trình hiện đại hóa đất nước. Cùng quan điểm, BĐ Nguyen Van Hach (Kon Tum) nhìn nhận xã hội càng phát triển, khoa học - công nghệ càng tiên tiến, năng suất lao động càng cao... thì giờ làm thêm càng phải giảm mới đúng quy luật.
Theo BĐ DTuan (Hà Nội), nên giảm giờ làm, tăng cường chăm lo phúc lợi xã hội. BĐ Phong (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Những nước phát triển đã giảm giờ làm việc để người dân được nghỉ ngơi, hưởng thụ, còn mình lại đề xuất tăng giờ làm, để làm chi vậy?”. Còn BĐ Pham Van Du (Cần Thơ) thì lưu ý: “Có doanh nghiệp bắt công nhân tăng ca nhưng tiền ngoài giờ thì như giờ làm bình thường, như vậy là bất công”.
Đồng tình không tăng giờ làm thêm, một số BĐ cảnh báo thực tế việc sửa luật là chỉ làm về mặt giấy tờ, hình thức thôi, chứ thực tế người lao động nhiều nơi hiện nay vẫn phải tăng ca hơn 300 giờ/năm. Dẫn tình hình của đơn vị mình, BĐ Vũ Nguyễn Duy Khương (Bình Dương) cho biết: “Ngay công ty tôi đây ngày nào chẳng tăng ca 4 giờ. Một tháng tôi đã tăng ca cả trăm giờ rồi chứ chưa nói tới 1 năm”. BĐ Nguyen Kha (TP.HCM) cũng cho rằng luật chưa đi vào thực tế, có nơi công nhân may vẫn phải tăng ca 3 - 4 giờ/ngày và phải tăng ca nhiều ngày.
Tăng giờ làm thêm vì thu nhập quá thấp
Trái với những ý kiến trên, BĐ Hai Le (Hà Nội) bày tỏ: “Cái cốt lõi là lương cơ bản quá thấp, người lao động mong muốn làm thêm để tăng thu nhập mới đủ mức sống tối thiểu” và cho rằng: “Cuộc sống còn khó khăn, chúng ta không thể cấm mà không đưa ra được giải pháp”. BĐ Huy (TP.HCM) thẳng thắn thừa nhận người lao động muốn tăng ca để có thêm thu nhập.
Cùng ý kiến tăng giờ làm thêm, BĐ Tiến Minh (Bình Dương) viết: “Người lao động muốn tăng thu nhập bằng chính công sức (làm thêm tại đơn vị) của mình thì có gì sai? Lương còn thấp, người lao động chấp nhận làm thêm để kiếm thêm thu nhập, hãy ủng hộ họ, khi bạn chưa có cách nào tăng thu nhập cho họ. Khi nào cuộc sống khá hơn, lúc đó năn nỉ họ làm, chưa chắc họ muốn làm”.
Ở một góc độ khác, lý giải về việc muốn tăng giờ làm thêm, BĐ Hung Lam Nhat (TP.HCM) cho biết nhiều doanh nghiệp ngại tăng thêm lao động vì sợ BHXH, nên vẫn thích tăng giờ làm thêm, trong khi đó lao động nông thôn thất nghiệp còn nhiều.
Hãy hòa mình vào cuộc sống của người lao động và vi hành trong giờ hành chính của các cơ quan công quyền... Ngồi lại với nhau mổ xẻ cuộc sống thật đang diễn ra hằng ngày rồi mới tham mưu, đề nghị để có quyết sách đúng.
Đặng Xuân Diễn (Nghệ An)
Tăng giờ làm có khi đây là yêu cầu của doanh nghiệp. Có luật họ mới tăng ca cho đủ 400 giờ/năm, nếu luật chỉ cho tăng tối đa 300 giờ/năm thì họ không dám tăng quá 300 giờ/năm.
Nguyễn Văn Thụ (TP.HCM)
Giảm giờ làm là để con người nghỉ ngơi, tạo động lực làm việc và giúp con người sáng tạo hơn trong công việc nhằm tăng năng suất và hiệu quả làm việc.
Loc6 (Đồng Nai)
|
Bình luận (0)