Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chỉ đạo đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, cùng đông đảo các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa đã dự đại hội.
Quy mô nền kinh tế Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước
Báo cáo chính trị trình đại hội nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thành công rõ nét. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn đạt hai con số (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%), gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Các đại biểu tham dự đại hội
|
Đến nay, quy mô kinh tế của tỉnh đã đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Trung bộ. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; đến nay kết quả thu ngân sách của tỉnh đã đứng thứ 11 cả nước. Các lĩnh vực
văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và
hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến, tiến bộ; kết quả nhiều việc của các lĩnh vực này trong nhóm số ít các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.
Trong nhiều dấu ấn của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020, thì việc
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, mở ra những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
Xác định 6 chương trình và 3 khâu đột phá
Phát huy những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX với phương châm hành động: Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, đã đề ra 27 chỉ tiêu, 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá; 12 nhiệm vụ và giải pháp về
phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; 8 nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Trong đó, 6 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình phát triển
du lịch. Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa,
giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.
3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng. Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học
công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đưa Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc
Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo đại hội
|
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành tích mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa còn thấp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp chậm; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, còn gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ lấp đầy một số khu công nghiệp còn thấp; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa chưa cao, chỉ đứng ở vị trí 24/62 tỉnh, thành...
Là tỉnh có vị trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh, với nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua, Thanh Hóa cần khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
"Trước mắt, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tỉnh phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành TƯ khẩn trương xây dựng, đề xuất với Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; trình Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế, nhằm khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới”, bà Ngân nói.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại hội phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, gồm các đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất và năng lực, có uy tín, trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau để tạo ra một tập thể thực sự đoàn kết, vững mạnh, thống nhất, đủ sức lãnh đạo Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX.
Bình luận (0)