Người sáng lập Maison Chance là Aline Rebeaud (tên Việt là
Hoàng Nữ Ngọc Tim), người phụ nữ đến từ Thụy Sĩ mà 26 năm qua nguyện gắn bó với hàng trăm, hàng ngàn mảnh đời khuyết tật, neo đơn, đặc biệt cưu mang, nuôi dưỡng hàng trăm
em nhỏ mồ côi, khuyết tật.
Toàn cảnh trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông
|
PV Thanh Niên có cuộc trò chuyện với người phụ nữ nhân hậu về hành trình gắn bó với các em nhỏ mồ côi, khuyết tật chưa bao giờ có điểm dừng.
Mọi người sống quây quần bên nhau như một gia đình
Mở đầu cuộc trò chuyện, chị Tim lý giải về việc xây dựng thêm trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông: Việc triển dự án triển khai ở Đắk Nông vì khi Tim chăm sóc người khuyết tật bị chấn thương cột sống mới hiểu hết khó khăn về
cuộc sống sau này của họ. Với những chấn thương nặng, những người khuyết tật sẽ phải gắn bó suốt đời với Nhà May Mắn ở TP.HCM.
Suy nghĩ về tương lai của họ, Tim mới có suy nghĩ cần phải lập một trung tâm Nhà May Mắn cho những người cần sự giúp đỡ cả đời. Trung tâm này phải ở nông thôn, nơi có khí hậu trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Trung tâm này cũng phỏng theo mô hình Nhà May Mắn ở TP.HCM nghĩa là đủ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ sống quây quần như một
gia đình, người trẻ và người già cũng hỗ trợ lẫn nhau.
Tại buổi lễ khánh thành trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông mới đây, chị Tim đã kể lại cách đây 26 năm gặp "cậu bé" Trần Văn Thành đang bị bệnh nằm co ro ở gần khách sạn chị Tim ở; và đây chính là cơ duyên để chị Tim gắn bó với những mảnh đời trẻ em bất hạnh ở Việt Nam suốt nhiều năm qua. Hiện anh Thành được đưa lên chăm sóc tại trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông
|
Với
ý tưởng đó, Tim đã đi tham quan 7 - 8 tỉnh ở phía nam thì thấy Đắk Nông là tỉnh duy nhất chưa chưa có trung tâm bảo trợ xã hội có quy mô lớn.
"Sau khi quyết định thành lập trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông, chúng tôi đã đi điều nghiên và phát hiện ở đây không chỉ có nhiều em bé khuyết tật về cơ thể mà còn có nhiều em bị khuyết tật về trí tuệ. Chúng tôi triển khai dự án, trong đó tập trung vào việc sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc các em có hoàn cảnh đặc biệt này. Chúng tôi chọn Đắk Nông một phần ở đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn sống trong buôn làng rất xa, không có đường, nước và điện. Do nhà trường quá xa, có khi cách cả hàng chục km nên nhiều trẻ em không có điều kiện học hành. Trung tâm sẽ nhận các em nhỏ dân tộc để nuôi dưỡng, dạy chữ và dạy nghề cho các em.
Chúng tôi quyết định chọn dự án triển khai ở H.Krông Nô vì đây là huyện rất lớn, còn có nhiều khó khăn và quan trọng ở đây có thác Đray Sáp có khách du lịch. Trung tâm ở cạnh khu du lịch này với mục tiêu lâu dài sẽ thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn kinh phí duy trì hoạt động của trung tâm về sau, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tài trợ,
từ thiện. Để duy trì một trung tâm quy mô như thế này cần rất nhiều kinh phí. Sau quá trình bàn bạc khoảng 2 - 3 năm, tỉnh Đắk Nông cấp một diện tích đất hơn 27.000 m
2 để trung tâm triển khai xây dựng từ tháng 5.2016", Tim kể.
Trung tâm chăm sóc gần 300 em nhỏ khuyết tật, mồ côi
* Nguồn kinh phí xây dựng trung tâm được vận động từ đâu?
- Có một số hiệp hội ở Thụy Sỹ giúp, nhiều cá nhân và tổ chức ở những nước có chi nhánh Nhà May Mắn như Mỹ, Canada, Pháp, Úc… tổ chức quyên góp. Ngoài ra, ở Việt Nam có một số công ty giúp đỡ tương đối tốt như Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen, Công ty xây dựng Hòa Bình, Công ty Phúc Sinh, Quỹ Thiện Tâm của Vingroup… Tổng số kinh phí đầu tư trung tâm khoảng 2,5 triệu USD (khoảng 55 tỉ đồng).
* Dự án hoàn thành dự kiến sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc bao nhiêu em nhỏ dân tộc, mồ côi và khuyết tật?
- Hiện trung tâm đang chăm sóc 165 em nhỏ khuyết tật, mô côi, dân tộc thiểu số và dự kiến sẽ nuôi khoảng 250 - 300 em nhỏ. Trung tâm có nhà trường dạy tiểu học, có 3 lớp dạy chuyên biệt, lớp học nghề… Hiện tại trung tâm đã được xây dựng xong.
Các em nhỏ khuyết tật đang được chăm sóc, dạy học ở trung tâm
|
* Trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông có những điểm gì đặc biệt so với trung tâm Nhà May Mắn ở TP.HCM?
- Ở đây có đầy đủ chức năng ăn ở, điều trị bệnh, trị liệu, có trang trại, nhà trường, lớp học nghề… Tất cả tập trung ở một nơi chứ không phải 3 nơi như ở TP.HCM. Ở đây vừa nuôi dưỡng trẻ em bình thường và trẻ em chậm phát triển, khuyết tật đủ mọi lứa tuổi.
Điều đặc biệt là trung tâm muốn phát triển
du lịch cộng đồng để kiếm thêm nguồn thu nuôi dưỡng, chăm sóc các em. Hiện tại trung tâm có thể phục vụ khoảng 50 khách du lịch đến đây ăn nghỉ, có những hoạt động tại trung tâm.
Ở trung tâm, các em nhỏ khuyết tật được tiếp xúc với động vật, đặc biệt là với ngựa như một trong những liệu pháp hữu ích đối với quá trình điều trị
|
Trung tâm cũng có nuôi ngựa, dê, bồ câu… để giúp các em trị liệu gần gũi với thiên nhiên, giúp các em dễ hòa nhập với cộng đồng. Vào buổi sáng các em nhỏ khuyết tật sẽ chơi với ngựa, chải lông và cho ngựa ăn cỏ; từ đó giúp các em vận động, điều trị về trí não rất tốt, giúp trẻ tự tin hơn.
* Chi phí để duy trì hoạt động của 2 trung tâm ở TP.HCM và Đắk Nông mỗi tháng khoảng bao nhiêu? Hình như trách nhiệm nặng nề này đều đặt lên vai chị Tim? Có khi nào chị thấy mệt vì phải lo kinh phí cho trung tâm hoạt động không, vì số tiền này không phải là nhỏ?
- Mỗi tháng để duy trì hoạt động của 2 trung tâm tốn khoảng 2 tỉ đồng. Tim lo lắm chứ bởi tình hình của mình không dư giả gì. Tháng này phải lo kiếm tiền cho tháng tới. Tim phải liên tục đi nước ngoài vận động tiền tài trợ. Chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi Tim vận động khoảng 220.000 USD (gần 5 tỉ đồng) nhiều người mừng lắm, nhưng rồi tính lại thì số tiền này chỉ đủ duy trì của 2 trung tâm gần 3 tháng. Hết tiền thì Tim phải đi vận động tiếp.
Mẹ Tim cùng với các em nhỏ sinh sống ở trung tâm Nhà Máy Mắn ở Đắk Nông
|
Gần 1 năm nay, chúng tôi có mở
doanh nghiệp xã hội của Nhà May Mắn với mong muốn làm tour, dịch vụ để kiếm nguồn thu cho trung tâm. Ví dụ ở trung tâm sau này có thể bán vé bơi, mở quán cà phê, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mà người khuyết tật… Mong mọi việc kinh doanh tiến triển để kiếm thêm thu nhập.
Gắn bó cuộc đời với Việt Nam
* Tôi cũng hơi thắc mắc là để duy trì trung tâm Nhà May Mắn ở TPHCM với hàng trăm người, thì chị Tim đã gặp rất nhiều khó khăn rồi, nhưng tại sao còn mở trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông? Liệu việc duy trì hoạt động của 2 trung tâm có vượt quá sức của chị Tim không?
- Tim không có số tiền để bảo đảm duy trì hoạt động của 2 trung tâm trong vòng 10 năm tới, nhưng Tim cứ cố gắng hoạt động, làm việc thôi. Bởi khi mình làm thì mới có kết quả hơn là ngồi một chỗ không làm gì hết. Có nhiều người đồng hành với Tim nói Tim bị điên chứ mở ra làm sao ôm nổi, và lo nếu Tim chết đi thì ai sẽ lo cho 2 trung tâm.
Tim cũng hay ngồi nghĩ nếu lỡ ngày mai Tim chết thì biết lấy ai kiếm tiền duy trì hoạt động của trung tâm đây. Nhưng mà ít ra giờ đã có một trung tâm đang nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ như vậy. Điều mà trước đây không ai dám nghĩ tới ở mảnh đất này. Tim cũng hy vọng một ngày nào đó trung tâm sẽ được nhà nước hỗ trợ. Bởi vì công việc mình đang làm đáng lẽ ra nhà nước phải làm, nhưng giờ họ chưa có đủ điều kiện làm được thì mình phải làm thay.
Các em nhỏ khuyết tật ở trung tâm biểu lộ tình cảm khi gặp mẹ Tim
|
* Nhưng giờ gánh nặng của 2 trung tâm đều đặt lên vai chị. Có khi nào chị thấy mệt mỏi không?
- Khi đã quyết định cái gì Tim đeo đuổi đến cùng và đến giờ đều làm được. Cách đây 6 - 7 năm không ai nghĩ một ngày ở vùng đất nhiều khó khăn này lại có được một trung tâm bảo trợ xã hội có quy mô và chăm sóc được nhiều em nhỏ khó khăn như vậy. Nhưng rồi mọi thứ đã trở thành hiện thực.
Căn nhà xây dựng trên miếng đất chị Tim mua đứng tên mình nằm phía sau trung tâm. Căn nhà này chị ở trong quá trình điều hành trung tâm Nhà May Mắn ở Đăk Nông
|
* Chị Tim đã gắn bó với Việt Nam 26 năm và có nhiều gắn bó với các em nhỏ khuyết tật, mồ côi. Tôi vẫn nghĩ việc chị làm như một kỳ tích mà không phải ai cũng thực hiện được. Nhưng không lẽ suốt đời chị Tim cứ lo lắng cho người khác mãi sao. Có khi nào chị có ý định nghỉ ngơi để chăm sóc nhiều hơn cho bản thân mình?
- Tim mới cất nhà phía sau trung tâm đây nè, một ngôi nhà sàn nhỏ nằm gần chuồng ngựa. Cách đây 4 năm, ba của Tim mất có để lại vài trăm triệu đồng cho con gái. Tim mua một miếng đất rộng 1.300 m2 sau trung tâm trị giá 60 triệu đồng, đứng tên mình (chị Tim có quốc tịch Việt Nam với tên gọi Hoàng Nữ Ngọc Tim - PV) và cất nhà vì nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn bó với nơi này. Mới hôm qua Tim chuyển đồ tới và ngủ đêm đầu tiên.
26 năm gắn bỏ với trẻ mồ côi, khuyết tật ở Việt Nam
Năm 1993, khi ngoài tuổi 20, Tim từ Thụy Sĩ đi du lịch qua Bắc Âu, Liên Xô, Mông Cổ, Trung Quốc và tới Việt Nam. Một đêm tại một hẻm nhỏ ở TP.HCM, Tim gặp một em bé tên Dũng bị đói và ốm yếu ngồi cạnh đống rác. Cô đã chăm sóc cho Dũng và đây chính là cơ duyên để Tim thành lập Nhà May Mắn có trụ sở tại P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân giúp đỡ trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật bị bỏ rơi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam.
Sau hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, Tim đã nhập quốc tịch Việt Nam với tên gọi là Hoàng Nữ Ngọc Tim, trong chứng minh thư nhân dân của cô ghi phần dân tộc là “Thụy Sĩ”.
|
‘Có những tháng trung tâm không đủ tiền lo cho các cháu’
Dự lễ khánh thành trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông, khi thấy những đứa trẻ mới ngày nào còn bất hạnh thì nay được chăm sóc đầy đủ, nhất là chứng kiến tình cảm của chị Tim dành cho những đứa trẻ, nhiều lần ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình không cầm được nước mắt.
Ông Hải cho hay nghĩa cử của cô Tim thật đáng quý, trân trọng và thật là đáng ngưỡng mộ. Đáng lẽ cuộc đời chị Tim sẽ sống ở Thụy Sĩ - một đất nước văn minh, có đầy đủ tiện nghi nhưng chị đã bỏ hết sang Việt Nam ở thời điểm nghèo nàn và vô vàn khó khăn, nguyện chăm sóc các em khuyết tật, mồ côi.
Ông Lê Viết Hải (ngoài cùng bên trái) trong lần thăm trung tâm Nhà May Mắn ở Đắk Nông
|
“Tôi khóc vì thương những đứa trẻ mồ côi, đồng cảm và chia sẻ với nỗi vất vả, gian nan mà chị Tim một mình đối mặt khi xây dựng, phát triển các cơ sở từ thiện. Chị Tim phải đi đông đi tây vận động tài trợ xây dựng các cơ sở bảo trợ. Xây dựng đã khó nhưng duy trì các cơ sở còn khó hơn. Tôi biết có những tháng trung tâm không có đủ tiền để lo cho các cháu”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, mô hình trung tâm Nhà May Mắn rất hay và đã giúp những đứa trẻ thiếu may mắn thành may mắn đúng như tên gọi của trung tâm. Những đứa trẻ ở đây dù có cuộc đời kém may mắn nhưng bù lại các em có được một người mẹ nhân hậu, nhiều tình thương như Tim.
“Những ngày sống ở trung tâm tôi đã cảm nhận được điều đó. Chứng kiến tình thương của chị Tim dành cho các em nhỏ mồ côi nên công ty hứa sẽ đồng hành cùng chị. Khi nào chị Tim kêu tôi sẽ dạ, hỗ trợ chị trong điều kiện có thể”, ông Hải bày tỏ.
Được biết Công ty Hòa Bình đã đồng hành với Nhà May Mắn khi hỗ trợ 5 tỉ đồng để xây dựng trung tâm ở Đắk Nông.
|
Bình luận (0)