Nghề 'cảm hóa' người nghiện: Chạm đến trái tim

Vũ Thơ
Vũ Thơ
01/10/2019 10:17 GMT+7

12 năm qua, bà Vũ Thị Thanh Thúy, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), đã kiên trì vận động, giúp được nhiều thanh niên cai nghiện thành công.

12 năm qua, bà Vũ Thị Thanh Thúy (64 tuổi), Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), đã kiên trì vận động, giúp được nhiều thanh niên cai nghiện thành công, trả về cho nhiều gia đình những người con, người chồng biết tu chí làm ăn và sống có trách nhiệm với chính mình.

“Tôi đã bừng tỉnh”

Dẫn chúng tôi đến thăm nhà anh Nguyễn Đức C. (43 tuổi) ở ngõ 158 Nguyễn Khánh Toàn (P.Quan Hoa), là 1 trong 6 thanh niên được bà Thúy cảm hóa thành công, bà Thúy cho biết, anh C. nghiện từ lúc 23 tuổi và trải qua nhiều khó khăn, giờ đã thoát khỏi ma túy, có một mái ấm gia đình với người vợ làm giáo viên và một cậu con trai kháu khỉnh.
Khi chúng tôi đến, anh C. đang ngồi bán nước ở ngay đầu ngõ nhà mình. Đây cũng là nơi ưu tiên đặc biệt mà bà Thúy xin với chính quyền phường cho anh được mở quán bán hàng, đồng thời sửa chữa xe máy để mưu sinh. Vợ anh vừa đi dạy thêm vừa bán hàng cơm trưa, nên công việc khá bận rộn. Anh đã cùng vợ làm nhiều việc để có thu nhập nuôi con, nuôi mình, bởi anh phải chi rất nhiều tiền thuốc để phục hồi sức khỏe sau thời gian dài bị tàn phá bởi ma túy.
Chia sẻ về quá khứ, anh C. kể, năm 1997 được bố mẹ cho đi học lái xe, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không xin được việc làm, anh chỉ ở nhà giúp mẹ nấu rượu, chăn lợn. Mẹ anh chạy chợ kiếm sống, còn bố anh thì bận làm ăn nên ít quan tâm. “Buồn vì học xong không có công ăn việc làm, tôi sinh ra đua đòi bạn bè, chơi bời lêu lổng. Tôi thấy bạn bè bảo nghiện là không cai được nên tò mò thử xem sao. Thế rồi dính luôn từ đó”, anh C. tâm sự, và cho biết: “Năm 2002, mẹ tôi phát hiện nên bắt tôi xuống Nam Định nơi bác ruột ở, để tôi cai tại đây. Sau 6 tháng, tôi tưởng đã cai thành công, nhưng khi về nhà tôi lại tiếp tục dùng vì bạn bè rủ rê. Tôi đã bất lực khóc với mẹ vì muốn cố cai mà không được”.
Rồi anh đi cai nghiện bắt buộc 2 năm. Sau khi hết hạn thì bố mẹ anh cho về quê trông ông bà nội già yếu, đồng thời để cách ly với bạn nghiện. Được 2 năm thì ông bà anh mất. Anh lại trở về với môi trường dễ dàng tái nghiện. Khi ấy, bà Thúy đã kịp thời động viên, giúp đỡ và vận động anh ra sinh hoạt CLB B93 (câu lạc bộ dành cho những người mắc nghiện) của phường để giúp anh có được bản lĩnh vươn lên. Sau đó, bà Thúy giúp anh vay vốn ngân hàng, mở cửa hàng làm nghề sửa, rửa xe máy. Đặc biệt, bà còn đi vận động các gia đình ở khu dân cư, cùng hỗ trợ bằng cách mang xe đến rửa, sửa chữa ở cửa hàng của anh để anh có thu nhập ổn định.
Nghề 'cảm hóa' người nghiện: Chạm đến trái tim1

Bà Vũ Thị Thanh Thúy thăm hỏi anh Nguyễn Đức C. tại nơi anh được bà giúp đỡ mở cửa hàng để mưu sinh

Kể về bà Thúy, anh C. xúc động nói: “Tôi đã được cô Thúy chia sẻ động viên rất nhiều, được tái hòa nhập cộng đồng, được đi dã ngoại cùng các cô bác rất vui, hòa đồng. Từ đó, tôi đã bừng tỉnh. Cô Thúy còn tạo điều kiện tư vấn, giúp đỡ, tạo việc làm cho tôi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ mở cửa hàng

Kể về quá trình vận động anh C., bà Thúy cho hay: “C. là con chị Nguyễn Thị H., là hội viên hội phụ nữ chi hội tôi phụ trách lúc đó. Tôi đã tiếp cận chia sẻ với chị, nắm bắt thông tin, vận động thuyết phục chị và mời cháu ra sinh hoạt CLB B93. Những năm đầu tôi phải thuyết phục chị cùng hợp tác, cung cấp thông tin hai chiều để cùng giúp đỡ cháu. Sau đó, tôi chia sẻ hỏi han và tìm hiểu nguyên nhân cháu mắc nghiện. Tôi tình cảm khuyên nhủ cháu. Bởi vậy cháu thêm quyết tâm tránh xa ma túy và cố gắng làm lại cuộc đời”.
Để có được kết quả như bây giờ, bà Thúy đã phải kiên trì trải qua không ít khó khăn. Đó là khi anh C. tái nghiện nên đã đánh mất niềm tin của gia đình. Khi bà Thúy muốn anh có vốn làm ăn, thì mẹ anh nhất định không đứng ra vay ngân hàng. Bà lại phải thuyết phục mẹ anh hãy cứu lấy con mình, bởi nếu không có việc làm, anh có thể lại chán nản quay về con đường cũ. Đến khi mở được cửa hàng nhưng không có chỗ hoạt động, bà lại phải đứng ra bảo lãnh, xin lãnh đạo phường cho anh được phép sử dụng vỉa hè để mưu sinh.
Kể về kỷ niệm cảm hóa anh C., bà Thúy không thể nào quên một lần dẫn anh và những thành viên CLB B93 đi lễ chùa và giao lưu hát dân ca ở Đền Đô (Bắc Ninh). “Khi đó, tôi mang theo một túi tiền chi phí của cả đoàn, có khoảng 30 triệu đồng. Trong lúc bận xử lý công việc, tôi đã đưa cho C. cầm giúp. Những người đi cùng mắng tôi bảo sao liều thế. Thế nhưng sau khi tôi xong việc, cháu C. đã giao lại túi đó cho tôi không suy suyển đồng nào. Đấy, mọi người cứ lo, chứ nơi nguy hiểm lại là nơi an toàn nhất”, bà Thúy cười vui vẻ.
Bà Thúy tâm sự, nhiều người cứ nghe thấy người nghiện là xa lánh và thiếu niềm tin, nên càng bị kỳ thị họ lại càng lún sâu vào tệ nạn. “Nếu như mình giúp đỡ, gần gũi chia sẻ, giải quyết khó khăn thì mới giúp họ nhận ra được sai lầm và quyết tâm từ bỏ ma túy”, bà Thúy nói. Vì thế, bà Thúy không ngại “lê la” đến các nhà có người nghiện để chia sẻ mọi buồn vui, thậm chí bà bỏ cả việc nhà, ngồi hát karaoke cả buổi chiều với vợ một người nghiện để hòa đồng, động viên họ vượt qua khó khăn. Vợ anh Hoàng Đức T. (đường Dương Quảng Hàm, P.Quan Hoa; anh T. là người được bà Thúy giúp cai nghiện thành công) cho biết, bà Thúy không nề hà, gần gũi như người thân. Từ ngày chồng chị được bà Thúy cảm hóa, đã tránh xa ma túy, hòa nhập cộng đồng và chăm chỉ làm “ông bố gương mẫu” của 2 đứa con.
Nghề 'cảm hóa' người nghiện: Chạm đến trái tim2

Bà Thúy hát karaoke ở nhà một người nghiện đã được bà giúp cai nghiện thành công

Ảnh: Vũ Thơ

Chạm được vào trái tim người nghiện

Kể về hành trình đến với người nghiện, bà Thúy cho biết, năm 2007, bà bắt đầu làm Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện P.Quan Hoa. “Khi ấy, các cháu mắc nghiện đều có hoàn cảnh éo le: cháu thì chị gái nợ nần bỏ đi để chủ nợ đến nhà trấn áp, cháu thì bố mẹ ly hôn, cháu thì hoàn cảnh khó khăn quá mà chán nản… Trước tình hình đó, tôi thấy mình phải làm gì đó, dù cứu được một người cũng cứu. Thế là tôi vào cuộc”.
Tuy nhiên, lúc đầu bà không biết làm thế nào để vận động và thuyết phục được các cháu ra sinh hoạt CLB B93, để tiếp cận các gia đình và đối tượng mắc nghiện... “Sau đó, tôi nghĩ mình làm công tác phụ nữ, lại gần gũi với hội viên là mẹ các cháu mắc nghiện, nên thuận lợi cho việc chia sẻ và tiếp cận thông tin hai chiều. Từ đó, tôi tìm cách vận động những người trong gia đình, trong đó quan trọng là người vợ, người mẹ. Vì chính họ là người chia sẻ thông tin và cũng là điểm tựa để những người nghiện vượt qua chính mình”, bà Thúy nói.
Để được họ tin tưởng cung cấp thông tin, bà Thúy kể: “Tôi luôn gương mẫu và sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ các chị em gia đình khó khăn ở địa bàn. Gần gũi chia sẻ, sống tình cảm dễ gần, giúp mọi người một cách nhiệt tình ngay trong địa bàn mình ở. Từ những tình cảm, sự nhiệt tình tưởng như đơn thuần đó, tôi được mọi người tin yêu chia sẻ và đã chạm được vào trái tim người nghiện”.
Nói về việc gắn bó với “nghề” 12 năm qua, bà Thúy bộc bạch: “Trách nhiệm và sự sẻ chia cảm thông với mọi người, tự nhiên cứ cuốn tôi vào gần các cháu. Tuy công việc không hề đơn giản, nhưng niềm vui của chúng tôi là cứu được một con người ra khỏi tệ nạn xã hội”. (còn tiếp)
Với nhiều đóng góp cho xã hội, bà Thúy đã nhận được hơn 30 bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành thuộc TP.Hà Nội và nhiều lần được UBND TP.Hà Nội tuyên dương Người tốt việc tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.