Thu hồi tài sản tham nhũng thấp hơn nhiều tài sản bị chiếm đoạt

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/09/2019 07:27 GMT+7

Cả báo cáo của Chính phủ và nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều thừa nhận, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp hơn nhiều tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.

Nan giải thu hồi tài sản tham nhũng

Trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 4.9, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đánh giá, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng từ giai đoạn điều tra; đồng thời, khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Việc thu hồi tài sản khi thi hành án đạt còn ít, trong 37 vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, đến hết tháng 6.2019, mới thi hành xong 9.454 tỉ đồng trong tổng số 68.856 tỉ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 13,73%.
Bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, cũng băn khoăn về tỷ lệ thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án quá thấp và đề nghị cần phải phân tích kỹ vì sao lại diễn ra tình trạng này. Dẫn chứng vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG, bà Hoa cho rằng, cơ quan chức năng đã thực hiện biện pháp nghiệp vụ để người đưa, người nhận cùng khai báo, thừa nhận số tiền hối lộ 3 triệu USD đối với bị can Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông). Tuy nhiên, theo bà Hoa, các bị can khai như vậy nhưng thực sự thu hồi được bao nhiêu thì tới nay chưa rõ vì bị can Nguyễn Bắc Son khai đưa cho con gái nhưng con gái lại nói không nhận. “Rõ ràng, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là vấn đề nan giải”, bà Hoa khẳng định.

Nhận hối lộ bao nhiêu tiền sẽ phải lãnh án tử hình?

Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ rất lớn. Dẫn chứng vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) vừa kê biên tới 37 bất động sản, ông Tiến cho biết, đích đến của PCTN là ngăn ngừa và thu hồi tài sản, kể cả tài sản tẩu tán ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận, việc thu hồi tài sản là rất “cam go chứ không dễ dàng”.

Có tỉnh “cả họ làm quan” khiến dân bức xúc

Một hạn chế khác trong công tác PCTN trong năm qua là công tác tổ chức cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Theo ông Trần Ngọc Liêm, một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá, tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, đại diện nhóm nghiên cứu, trong năm qua, các ngành, địa phương đã tiến hành 1.459 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 15 trường hợp bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc…
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, khẳng định có tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào, thậm chí còn non, chưa đạt yêu cầu nhưng vẫn cố “ấn vào” để làm, dẫn đến những con người đó bị thui chột.
Theo bà Mai Thị Phương Hoa, ngoài việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thiếu điều kiện tiêu chuẩn, có địa phương bổ nhiệm cán bộ đủ tiêu chuẩn nhưng người dân vẫn bức xúc. "Có những tỉnh gần như "cả họ làm quan" nên mặc dù những người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn nhưng nhân dân vẫn bức xúc", bà Hoa nêu và đề nghị đây là vấn đề cần phải được đánh giá kỹ.

Quan chức cấp cao gửi văn bản đóng dấu mật buộc địa phương làm

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng qua một loạt vụ án tham nhũng lớn đã và đang xử lý, điều quan trọng là phải rút ra điều gì trong công tác điều hành, dẫn tới các sai phạm.
Dẫn chứng việc có quan chức cấp cao phát hành một loạt các văn bản đóng dấu mật rồi gửi xuống địa phương yêu cầu thực hiện, ông Sơn cho rằng, trong một thời kỳ dài việc quản lý điều hành xã hội của chúng ta có vấn đề, trong đó nổi lên là vấn đề lạm quyền.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay chống tham nhũng khá tốt, song từ đó đề ra giải pháp để phòng ngừa thì vẫn còn hạn chế, nhất là nghiên cứu để tham mưu về chính sách vĩ mô.
“Liệu có phải do văn bản không đủ hay văn bản sai dẫn đến sai phạm không? Có nhiều ý kiến phản ánh với tôi là nếu kiểm tra các tập đoàn lớn thì sai phạm tương đối, hoặc kiểm tra về quản lý đất đai ở tất cả các tỉnh trong khoảng 15 năm gần đây thì khả năng sai phạm cũng rất lớn”, bà Nga nói và đề nghị cần phải nghiên cứu, tổng kết để đưa ra giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.