Thủ tướng Phạm Minh Chính khen 2 nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM đi chợ giúp dân

Đình Phú
Đình Phú
27/08/2021 18:54 GMT+7

Trong chuyến công tác tại TP.HCM vào ngày 26.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát ở nhiều nơi, từ khu dân cư đến bệnh viện dã chiến , cơ sở kinh tế, kênh phân phối hàng hóa, cơ sở bảo trợ xã hội…

Sau 1 ngày giữ cương vị Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ vào TP.HCM kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đây là chuyến vào TP.HCM làm việc trực tiếp lần thứ 4 (vào các ngày: 13.5; 26.6; 11.7 và 26.8), sau khi ông nhậm chức Thủ tướng. Bởi trong đợt dịch thứ 4, từ 27.4 đến nay, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp với hơn 180.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 7.000 ca tử vong, giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng qua.

“Giúp bà con vậy là rất ý nghĩa”

Trong các nơi Thủ tướng đến, có siêu thị Co.opXtra (thuộc Saigon Co.op) trên đường Phạm Văn Đồng, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM - kênh phân phối hàng hóa bình ổn thị trường, chủ lực cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội. Tại đây, trong quá trình đi thị sát các gian hàng, Thủ tướng đã bất ngờ dừng lại, hỏi thăm 2 tình nguyện viên trẻ tuổi mặc áo Đoàn đang đi chợ giúp dân, là em Nguyễn Thị Tuyết Như và Trần Thị Tuyết Nhi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi: “Chào các cháu, công việc đi chợ vậy có vất vả không…”. Tuyết Như trả lời: “Dạ có, nhưng mà vui. Giúp được bà con mình…”.

Thủ tướng khen ngợi 2 nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM đi chợ giúp dân: "Giúp bà con vậy là rất ý nghĩa"

ĐÌNH PHÚ

“Cháu nói thêm cách thức đi chợ hằng ngày ra sao?”, Thủ tướng gợi mở. “Cháu tham gia nhóm tình nguyện của phường. Nhóm phân ra 4 công đoạn: nhận đơn, chốt đơn, đi chợ và giao hàng tới tận nhà. Cháu tham gia phần đi chợ. Bà con tương tác với phường và nhóm tình nguyện qua Zalo. Bà con có nhu cầu thì nhắn vô nhóm, chuyển khoản tiền. Chốt đơn xong, cháu đi vào siêu thị mua, rồi có bạn khác nhận hàng, chở đi giao trong ngày luôn. Bình quân cháu đi chợ mỗi ngày 4 đến 5 đơn hàng, có ngày cả chục đơn hàng. Bà con gửi mua hàng, ở đây đều có đủ. Tại siêu thị còn có các anh chị soạn đơn hàng online để giao tới tận nhà bà con nữa…”.
Nghe Tuyết Như trình bày, Thủ tướng Phạm Minh Chính khen: “Rất tốt! Cám ơn các cháu. Các cháu cố gắng thêm nữa nhé!”. “Lúc này, giúp bà con vậy là rất ý nghĩa”, Thủ tướng chia sẻ thêm. Rồi Thủ tướng quay sang bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (đi chung đoàn công tác) và ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, lưu ý: “TP.HCM phải đảm bảo lương thực, thực phẩm để dân yên tâm ở nhà phòng chống dịch”.

“Em đứng hình luôn”

Tối 26.8, sau 1 ngày đi chợ giúp dân trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, trở về điểm cách ly, em Nguyễn Thị Tuyết Như (19 tuổi, nữ sinh lớp 11, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Định, P.Hiệp Bình Chánh) vẫn còn “đứng hình” khi kể lại khoảnh khắc gặp gỡ, chuyện trò quá đỗi bất ngờ với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào trưa cùng ngày tại siêu thị Co.opXtra.
“Em đang đẩy xe đẩy đi chọn đồ ăn, đến quầy sữa, bất ngờ thấy Thủ tướng đi theo hướng đối diện, dừng lại hỏi chuyện. Quá trời bất ngờ. Em đứng hình luôn”, Tuyết Như bộc bạch.

Mệt lả sau nhiều ngày đi chợ giúp dân, có lúc Nguyễn Thị Tuyết Như ngủ thiếp ngay ở hành lang siêu thị Co.opXtra

T.N

“Cả nhà em không ai có giấy tờ tùy thân”

Tôi thật sự không hình dung hết bao nỗi gian truân mà Tuyết Như đã trải qua trong nhiều năm tháng, khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình em nữ sinh này. Tuyết Như có 1 anh trai chạy GrabBike, 1 anh trai đi phụ sửa xe máy và 1 em trai 8 tuổi. Ba của em đã mất. Mẹ làm phụ bếp quán ăn. Bà ngoại hơn 60 tuổi bị bệnh tim. Cả gia đình đang ở trọ trong căn nhà nhỏ ở P.Hiệp Bình Chánh, tiền thuê 3,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước. Ngôi nhà chỉ tầm hơn 30 m2, phía dưới là bếp, phía trên có gác lửng.
“Trước đây, có miếng đất sát vách tường nhà bên, người ta làm nhà trọ. Mẹ em thuê ở cho cả nhà. Mưa là nước từ máng xối bên trên trút vô nhà, ngập, ướt hết. Ở cũng quen rồi. Đi thuê chỗ tốt hơn thì tiền nhiều, mình không có. Dịch đến, chủ trọ giảm 500.000 đồng/tháng, còn phải trả 3 triệu. Anh trai cũng không chạy Grab được vì dịch. Mẹ mất việc mấy tháng nay rồi. Hôm trước, chủ trọ có đưa giấy của phường để khai thông tin nhận tiền hỗ trợ, nhưng rồi không nhận được vì cả nhà em không ai có giấy tờ tùy thân gì cả, không có giấy chứng minh nhân dân. Em 19 tuổi rồi, cũng không có”, Tuyết Như kể.

Vượt qua khó khăn, Nguyễn Thị Tuyết Như trải qua thời gian tình nguyện nhập liệu thông tin người chích vắc xin, xét nghiệm Covid-19

T.N

“Em đi làm phụ quán ăn sáng từ năm học lớp 6”

Lúc nhỏ, Tuyết Như trải qua những tháng ngày “ngoài đường”: “Trước đây, mẹ, bà ngoại ở ngoài đường. Có chú Thành công an, chú chứng cho 1 tờ giấy để đi thuê ở trọ đến giờ. Giờ em vẫn nhớ chú ấy, lâu lâu có gặp chú”.
Tuyết Như bảo, đúng ra thì năm nay em đã là sinh viên năm 2: “Em đi học, đến lớp 9 thì nghỉ. Điều kiện em khó khăn. Nghỉ một thời gian, em xin đi học lại. Giờ em đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Định. Em học để mong có bằng tốt nghiệp THPT”.
“Cuộc sống khổ vậy, em có thấy buồn không?”, tôi hỏi. Tuyết Như bảo: “Không ạ. Cố gắng khá lên mà chưa khá lên được. Em đi làm phụ quán ăn sáng từ năm học lớp 6. Lúc đó hè, em làm 3 tháng, em nhận được 3 triệu đồng. Vừa rồi, em cũng từng đi làm bảo vệ ở siêu thị Co.opXtra, tiền công 16.000 đồng/giờ. Em làm 8 - 9 tiếng mỗi ngày. Em không có giấy tờ gì hết. Họ biết, họ thương, lãnh vô cho làm. Có thời gian em đi làm nhân viên phục vụ quán ăn nữa”.

Nguyễn Thị Tuyết Như (thứ 2 từ trái qua) cùng bạn học

T.N

“Phường cho quà...”

Kể về việc tham gia tình nguyện đi chợ giúp dân, Tuyết Như chia sẻ: “Lúc trước, em tham gia sinh hoạt Đoàn, có đi tình nguyện rồi. Đợt dịch này, có 1 chị ở phường lên Facebook hỏi ai đi tình nguyện phòng chống dịch thì đăng ký. Đang lúc nghỉ hè, em đăng ký, được đưa vô nhóm Zalo. Lúc đầu em hỗ trợ nhập liệu thông tin lấy mẫu xét nghiệm, chích vắc xin. Giờ thì vô nhóm đi chợ. Tình nguyện thì không có tiền. Phường cho quà có gạo, nước mắm, dầu ăn, rau củ quả… Em mang về cho cả nhà dùng”.
Tôi nhắc lại tình huống vào trưa 26.8: “Khi gặp Thủ tướng, lúc ông hỏi cho xem đơn hàng đi chợ, thấy em mượn điện thoại của bạn bên cạnh để đưa Thủ tướng xem”. “Điện thoại em bị hư rồi. Lúc đó em không có. Đơn hàng thì nằm trong Zalo. Em lấy điện thoại của bạn Tuyết Nhi để đưa bác ấy xem”.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (mẹ của Nguyễn Thị Tuyết Như) chăm sóc mẹ đang đau bệnh ở nhà trọ, ngày 27.8

T.N

“Xe bánh mì ai đã lấy mất rồi”

“Em không kể gì với ai hết. Anh tìm hỏi em, em mới nói”, Tuyết Như trải lòng.
“Ngoại em lúc trước khỏe, còn có tiền để dành. Ngoại bán xe bánh mì. Đi chùa, thấy có người ăn xin, ngoại lấy tiền cho, cho nhiều lần lắm, hết tiền để dành luôn. Khi dịch, xe bánh mì neo gần ngoài cây xăng ở đầu đường số 24, P.Hiệp Bình Chánh, giờ không thấy nữa. Ai đã lấy mất rồi. Mà nếu xe bánh mì không mất, cũng không cho ngoại đi bán nữa. Ngoại bị đau nhiều, đi hơi lâu, đứng lên chậm. Em mới mua cho ngoại 1 ống thuốc uống, hết mười mấy ngàn”, Tuyết Như kể.
Tuyết Như bày tỏ: “Em mong hết dịch, mẹ em đi làm, em của em đi làm, em cũng kiếm việc làm thêm. Tiền để dành thì hết rồi, không có để trả tiền nhà trọ, tiền điện, nước, sinh hoạt. Mẹ em cũng mong hết dịch đi làm phụ bếp”.

Cả nhà chị Nguyễn Thị Kim Anh ở trọ, chị mất việc làm mấy tháng qua vì Covid-19. Chị không nhận được tiền hỗ trợ vì chị và các con không có giấy tờ tùy thân

T.N

“Em ước có nhà cho mẹ, cho ngoại ở”

Tuyết Như không than vãn gì khi kể lại câu chuyện gia đình mình.
“Em cố gắng học, có tấm bằng cấp 3. Em ước mơ nhiều lắm. Ước có 1 ngôi nhà nhỏ cho mẹ, cho ngoại ở. Em ước có tiền để làm từ thiện như ngoại. Em ước có giấy tờ tùy thân. Em 19 tuổi rồi…”, Tuyết Như bộc bạch.
Tuyết Như đã được tiêm 1 mũi vắc xin, đang ở Trường tiểu học Hiệp Bình Chánh theo diện “cách ly”. “Đi tình nguyện suốt đợt dịch, mấy anh chị bảo có nguy cơ lây nhiễm. Sáng sớm đến tối thì ngày nào cũng tham gia đi chợ giúp dân. Tối về trường học ngủ, vì về nhà sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh cho mẹ và bà ngoại. Cứ 3 ngày, em và các bạn được test nhanh Covid-19 một lần. Nếu có nhiễm thì ngưng công việc, cách ly”, Tuyết Như kể.
Khi tìm hiểu để viết câu chuyện này, tôi thầm mong có nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia với hoàn cảnh đặc biệt của các tình nguyện viên, nhất là hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Tuyết Như để em có điều kiện viết tiếp ước mơ của mình.

Đội hình tình nguyện của Tuyết Như và Tuyết Nhi trong một lúc nghỉ ngơi

TN

“Chắc là có duyên, em thấy rất vui”

Trần Thị Tuyết Nhi, 17 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) cũng là 1 tình nguyện trẻ, cùng với Tuyết Như đi chợ giúp dân, và cùng bất ngờ trò chuyện với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại siêu thị Co.opXtra trưa 26.8. “Em đi chợ như mọi ngày thôi. Đâu có bao giờ nghĩ là gặp Thủ tướng, mà gặp lúc đi chợ thế này thì càng không nghĩ tới. Chắc là có duyên, em thấy rất vui”, Tuyết Nhi nói.
“Em tham gia tình nguyện, được phường hỗ trợ gạo, rau củ quả… Tiền thì không có. Đi làm vậy, em thấy vui. Họ cám ơn nhiều lắm. Em học được nhiều cái hay. Lúc trước em ít nói, không thích tiếp xúc nhiều. Đi làm, em dạn hơn một chút”, Tuyết Nhi chia sẻ.
Tuyết Nhi kể thêm: “Dạo trước, em đi tình nguyện nhập liệu lấy mẫu xét nghiệm, chích vắc xin, có nhiều bữa cùng mọi người làm đến gần sáng mới xong. Ví như trong 1 ngày, nếu có 1.000 người đi chích, là phải nhập hết thông tin của 1.000 người. Ngày nào làm xong ngày đó. Giờ đi chợ hộ, thì sáng tầm hơn 7 giờ là đi, có ngày xong sớm thì 5 giờ chiều về, trễ thì 9 giờ tối về nhà. Em ở với ba mẹ, anh trai. Ba thì lái xe du lịch, dịch cũng nghỉ ở nhà. Mẹ em làm nội trợ. Anh trai bán thực phẩm online”.

Em Trần Thị Tuyết Nhi đi chợ giúp dân tại siêu thị Co.opXtra vào ngày 26.8

ĐÌNH PHÚ

Tôi hỏi Tuyết Nhi đi làm vậy có sợ nhiễm bệnh không, em nói: “Em chưa đủ 18 tuổi nên đợt này chưa chích vắc xin. Em cũng lo một chút, là lỡ dính thì lây cho cả nhà. Em đi tình nguyện vì thấy thích. Cũng may là cả nhà chích vắc xin rồi, mũi 1. Có khi tiếp xúc gần F0, F1, em qua nhà bạn ở. Nhà bạn có phòng riêng, bạn cũng đi tình nguyện. Tụi em tự cách ly”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.