Các bên đã kháng cáo những nội dung nào?
Nội dung kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo nêu rõ, tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thảo quyết định rút đơn ly hôn, đáng lẽ tòa phải đình chỉ vụ án để
gia đình bà Thảo được đoàn tụ, tuy nhiên tòa sơ thẩm đã "cưỡng ép" vợ chồng bà ly hôn; về tài sản chung là cổ phần và phần góp vốn, bà Thảo kháng cáo cho rằng khi tòa tuyên buộc bà phải giao cổ phần được chia của mình cho ông Vũ và nhận tiền, là HĐXX đã “tước đoạt” đi tài sản của bà, tước bỏ quyền của một cổ đông có tỷ lệ cổ phần lớn trong Tập đoàn Trung Nguyên
Đối với vàng, ngoại tệ, tiền mặt tương đương hơn 1.764 tỉ đồng, theo bà Thảo, HĐXX lập luận “tiền trong tài khoản là của chung” nhưng không thu thập chứng cứ về thời điểm tạo lập, căn cứ tạo lập, không tổ chức hòa giải về yêu cầu phản tố đòi chia khoản tiền này của ông Vũ, vì vậy việc tòa đứng ra giải quyết yêu cầu chia khoản tiền hơn 1.764 tỉ đồng là bất chấp quy định.
Ngoài ra, theo bà Thảo, việc HĐXX sơ thẩm xác định tỷ lệ phân chia tài sản ông Vũ 60%, bà Thảo 40% là không khách quan, thiên vị một bên và phủ nhận công sức đóng góp của bà Thảo trong việc điều hành Tập đoàn…Đồng thời, bà Thảo có đề nghị đổi tiền cấp dưỡng cho con thành 20% cổ phần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ kháng cáo 1 phần bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét phân chia tài sản theo tỷ lệ 70% (ông Vũ) và bà Thảo 30% đối với phần tài sản là cổ phần, phần góp vốn của cả hai tại Trung Nguyên; tài sản là tiền, vàng… hơn 1.764 tỉ đồng. Qua đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ phải thanh toán chênh lệch hơn 448 tỉ đồng cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ngoài nội dung kháng cáo trên của các bên, thì Viện KSND TP.HCM cũng có kháng nghị 9 vấn đề liên quan đến bản án sơ thẩm, từ đó, Viện KSND TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan đến tranh chấp ly hôn trên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.