Tranh luận lời giải cho bài toán khó cao tốc Bắc - Nam

Kim Lan
Kim Lan
14/08/2019 05:00 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên đã tranh luận sôi nổi để đi tìm lời giải cho bài toán khó cao tốc Bắc - Nam.

Cao tốc Bắc - Nam là bài toán khó vì nếu hạ thấp tiêu chí bài thầu, doanh nghiệp nội có nhiều cơ hội, nhưng kèm theo đó là nguy cơ chọn phải nhà đầu tư yếu kém. Song nếu giữ các tiêu chí hiện tại thì liên danh các nhà đầu tư Trung Quốc nhiều khả năng thắng thầu. Bạn đọc Báo Thanh Niên đã tranh luận sôi nổi để đi tìm lời giải.

Nhiều bài học “xương máu” với nhà thầu Trung Quốc

Nói chuyện cao tốc Bắc - Nam, nhưng bạn đọc (BĐ) dẫn câu chuyện dòng tiền và nhà thầu Trung Quốc (TQ) trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để lưu ý. Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn giải thích việc dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ, với 12 nguyên nhân chính, chủ yếu là do tổng thầu EPC TQ không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. BĐ Nguyễn Thanh Vũ (TP.HCM) nêu ý kiến: “Khi nào giải quyết xong hậu quả cũng như chính thức vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mới tính đến phương án để cho nhà thầu TQ tham gia thầu cao tốc Bắc - Nam”.
Nhưng không chỉ câu chuyện Cát Linh - Hà Đông! Theo BĐ Nguyễn Văn Vị (Đồng Nai): “Cứ lấy kinh nghiệm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ra mà rút”. “Sợi dây” mà BĐ Nguyễn Văn Vị muốn nhắc, chính là chuyện hạng mục hầm chui đi qua địa bàn xã Tam Mỹ Tây (H.Núi Thành, Quảng Nam) thuộc gói thầu A2, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (TQ) làm nhà thầu thi công, đã... chống dột bằng băng keo dán.
BĐ Võ Thưởng (Quảng Nam) còn cảnh báo chuyện đội vốn: “Các nhà làm dự án nên lấy giá dự tính hiện nay nhân lên gấp 3 để sau này khỏi sốc”.

Quản lý tốt sẽ giải được hết

Tán thành với những lo lắng trên, tuy nhiên nhiều BĐ Báo Thanh Niên chỉ ra rằng lời giải cho bài toán khó không nằm ở nhà thầu nào, mà nằm ở khâu quản lý ra sao.
BĐ Lê Bá Hùng (Khánh Hòa) nhận xét: “Nếu nhà thầu TQ đáp ứng mọi tiêu chuẩn cả cứng lẫn mềm thì tại sao phải sợ? Nếu sợ không quản lý được như dự án Cát Linh - Hà Đông thì đó là lỗi của ta nhé”. Cùng quan điểm, BĐ Lê Hồng Quân (Quảng Bình) cho rằng nhà thầu nào không quan trọng, quan trọng là làm thế nào để kiểm tra được năng lực, kinh nghiệm, công nghệ thi công thực sự. Cũng theo BĐ Lê Hồng Quân: “Quan trọng là sự giao kết trên hợp đồng và kinh nghiệm giám sát của chúng ta. Thật ra, khi họ đã bỏ tiền ra làm thì họ cũng muốn có lời. Chỉ tại ta giám sát không chặt, do năng lực không theo kịp, hoặc do hợp đồng thiếu chặt chẽ. Còn nếu chúng ta có năng lực giám sát mạnh thì giải được hết”.
BĐ Hoàng Lâm (TP.HCM) cũng cho rằng nhà thầu TQ hay nhà thầu nào không phải là điều cần quan tâm chính. Điểm chủ yếu là hiệu quả công việc, chất lượng, tiến độ, thời gian thi công, không đội vốn, đem lại công ăn việc làm cho người lao động, giá thành hợp lý… “Ai làm tốt thì nhận làm, sao cứ phải sợ, hay ta không đủ trình độ quản lý?”, BĐ Hoàng Lâm viết.
Đường cao tốc không có yêu cầu khoa học kỹ thuật gì nhiều, cứ làm cho đúng thiết kế, sử dụng đủ và đúng vật liệu quy định là được. Nếu muốn nhà thầu trong nước tham gia thì có thể chia nhỏ ra thành 15 gói thầu. Cân nhắc với nhà thầu Trung Quốc vì đã có quá nhiều bài học rồi.
Lê Lập Công (Bình Định)
Còn một tiêu chí quan trọng mà tại sao chủ đầu tư là Bộ GTVT lại bỏ qua? Đó là nguồn nhân lực thi công nếu trúng thầu? Công nhân VN hay lao động tự do đến từ Trung Quốc?
Trịnh Văn Đinh (Ninh Bình)
Khó thì khoan hãy làm, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới kêu gọi đầu tư.
Võ Lân (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.