'Tuyến cuối' cùng dân chống dịch

22/08/2021 06:34 GMT+7

Chính quyền cơ sở phường, xã là đầu mối quan trọng, cho đến tổ dân phố có thể xem là 'tuyến cuối' cùng nhiều lực lượng chức năng khác đã sát cánh cùng nhau phòng chống, giúp người dân vượt qua bao khó khăn vì dịch bệnh.

Chăm lo cho F0

Ngày 21.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Phương Thảo, Bí thư Đảng ủy P.5 (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết với mong muốn góp một phần công sức vào công tác phòng chống dịch Covid-19, giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, cũng như nâng cao sức khỏe cho người dân địa phương, P.5 đã lập nhóm “bác sĩ gia đình” tư vấn qua nhóm chat Zalo, thăm khám sức khỏe F0 miễn phí trên địa bàn.
Mô hình này đã đi vào hoạt động được hơn nửa tháng, có sự tham gia của 3 bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 và Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng (Q.3), điều dưỡng, nhân viên trạm y tế phường và các tình nguyện viên, cùng tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân mắc Covid-19, liên tục 24/24. “Mặc dù các bác sĩ phải túc trực ở bệnh viện, với áp lực công việc rất lớn, nhưng vẫn đồng ý tham gia cùng nhóm. Tôi thật sự rất cảm kích. Hiện giờ nhóm đang phối hợp rất nhịp nhàng”, bà Thảo bày tỏ.
Ông Trần Đình Quân (60 tuổi, giữa), tổ trưởng KP.7, P.Hiệp Bình Chánh đến tiếp tế nhu yếu phẩm các khu trọ ẢNH: TRẦN TIẾN

Ông Trần Đình Quân (60 tuổi, giữa), tổ trưởng KP.7, P.Hiệp Bình Chánh đến tiếp tế nhu yếu phẩm các khu trọ

ẢNH: TRẦN TIẾN

Tính đến ngày 21.8, mô hình “bác sĩ gia đình” tư vấn, thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 50 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà; chữa khỏi cho 7 bệnh nhân Covid-19.
Theo bà Thảo, bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền đòi hỏi quy trình thăm khám, thuốc men phù hợp với từng người. Do đó, các F0 khi tham gia vào mô hình này sẽ được phổ biến, hướng dẫn, nhắc nhở không tự ý uống thuốc mà cần phải theo chỉ định của các bác sĩ.

Covid-19 sáng 22.8: Cả nước 336.707 ca nhiễm, 140.087 ca khỏi | Người TP.HCM đi chợ ra sao sau 23.8?

“Không bỏ bất cứ ai”

Khi thấy bà Võ Thị Bạch Huệ, 62 tuổi, Trưởng khu phố 1, P.6 (Q.4), một người phụ nữ hơn 50 tuổi ló đầu ra cửa nói: “Cô ơi, nhà ông Châu Văn Thứ này nghèo lắm. Xưa đẩy xe đi bán trái cây, giờ đâu được bán, thương lắm…”. “Ổng vừa nhận tiền hỗ trợ và quà tặng rồi. Đợt này phường sẽ giao quà cho những người chưa được lãnh lần nào. Mình san sẻ nhau, không thể một người lãnh hoài, người không có. Chị yên tâm, ai cũng có”, bà Huệ nói xong thì người phụ nữ này vui vẻ: “À, vậy yên tâm rồi”.
Bà Huệ cho hay người phụ nữ bà vừa nói chuyện là Trần Thị Lai, là hộ khá hơn ở khu phố. “Chắc đợt này cô Lai thấy cổ được nhận mà hộ khó khăn hơn xung quanh không có nhận đợt này nên khiếu nại thay”, bà Huệ vừa nói vừa cười.
Bà Huệ bắt đầu làm công việc tại phường từ khi nghỉ hưu, và đến nay có 3 năm kinh nghiệm là Trưởng khu phố 1. Bà Huệ chia sẻ muốn biết được tình hình từng hộ nghèo, cận nghèo, hay tương đối khá giả trong khu phố thì ít nhất phải “chơi” mạng xã hội, xài Zalo. “Khu phố 1 có 15 tổ dân phố, 560 hộ dân và hơn 3.000 nhân khẩu. Tất nhiên mình sẽ không nắm cụ thể từng hộ, nhưng phải kết nối được thường xuyên với 15 tổ trưởng tổ dân phố, rồi các hộ nghèo, cận nghèo của từng tổ mình phải hiểu rõ để chăm lo cho họ”, bà Huệ kể.
Dù lớn tuổi nhưng bà Huệ vẫn tham gia mạng xã hội Facebook, theo dõi các fanpage như “Tôi là quận 4”… để xem người dân tại khu phố mình phụ trách có bức xúc gì, thì sẽ tiếp cận thông tin tại địa phương, chia sẻ kịp thời, để “không bỏ bất cứ ai, không để cung ứng dư thừa”.
Khi được hỏi về các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn cần được hỗ trợ trong giai đoạn dịch khó khăn, bà Huệ kể răm rắp địa chỉ từng nhà, và dẫn PV Thanh Niên tới một số hộ. Bà nói: “Đây là những hộ nghèo trường kỳ. Nên khi có chính sách hỗ trợ của chính quyền thì mình phải nắm và làm danh sách để họ được nhận tiền nhanh nhất”. Vừa gặp bà Huệ, những hộ nghèo đều hỏi “có tiền đợt 2 rồi hả cô?”. “Chưa có đâu, gửi danh sách rồi. Có tiền là gọi mọi người đi nhận liền”, bà Huệ trả lời, rồi mọi người vui vẻ hỏi thăm nhau về tình hình dịch bệnh, dặn dò, động viên nhau đồng lòng chống dịch. “Không được đi đâu hen. Già rồi, đi rồi mang bệnh về nhà, khó chữa”, bà Huệ dặn thêm.
Đến sáng 21.8, bà Huệ thông báo những hộ khó khăn ở khu phố đã nhận thêm 1 triệu đồng do chính quyền hỗ trợ.

TP.HCM giãn cách từ ngày 23.8: Có việc cần, người dân gọi điện cho ai?

Vượt qua gian khó

Lực lượng ở cơ sở rất vất vả trong việc chăm lo đời sống của người dân trong những ngày giãn cách xã hội kéo dài. Vừa tham gia chống dịch, đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn…, các lực lượng ở cơ sở còn thường xuyên tự làm shipper đến từng nhà tiếp tế nhu yếu phẩm với mong muốn san sẻ gánh nặng cùng người dân.
Những ngày ghi nhận tại các điểm phong tỏa cũng như công tác xử lý kiểm soát tại chốt phòng chống Covid‐19, PV Thanh Niên nhiều lần gặp ông Phan Thành Phúc, Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), với chiếc áo trên mình ướt đẫm mồ hôi khi tiếp tế lương thực tận nơi cho người dân trên địa bàn phường.
Chiều 20.8, trời sắp đổ mưa, ông Phúc nhận được thông báo cần hỗ trợ lương thực cho hơn 50 hộ, phòng trọ tại đường số 15 thuộc Khu phố 1 (P.Hiệp Bình Chánh). Do “xe lương thực 0 đồng” của phường đã đến tiếp tế cho một điểm khác nên ông Phúc liên hệ một nhà hảo tâm trên địa bàn “xin” 50 phần nhu yếu phẩm tiếp tế kịp thời cho bà con. “Người cho gạo, người cho trứng, người cho nước tương, dầu ăn… Nói chung là họ (nhà hảo tâm ‐ PV) ở đây tốt bụng nên xin gì họ có là họ cho”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết thời gian qua phường liên tục tiếp tế hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân, trung bình mỗi ngày khoảng 800 phần (chưa tính của nhà hảo tâm). Do lực lượng không đủ nên phường huy động thêm nhiều người dân cùng hỗ trợ. “Không có người dân hỗ trợ thì phường làm không xuể. Chúng tôi cũng đang thực hiện theo tinh thần tương thân tương ái, cùng chăm lo, giúp đỡ nhau”, ông Phúc chia sẻ.
Trong thời gian hỗ trợ người dân tại các “vùng đỏ”, có 1 tổ trưởng tổ dân phố, 1 cán bộ địa chính và 1 cán bộ Công an P.Hiệp Bình Chánh bị nhiễm Covid‐19, đều được UBND P.Hiệp Bình Chánh có chính sách hỗ trợ.

Từ 23.8, dân trong “vùng xanh”, “vùng vàng” tại TP.HCM vẫn đi chợ bình thường

Miễn phí tiền nhà trọ

Trên địa bàn P.An Khánh (TP.Thủ Đức), tính đến ngày 21.8 có 431 người nhiễm Covid-19, nhiều trường hợp là sinh viên, công nhân, làm thuê, phụ hồ... cuộc sống rất vất vả, khó khăn chồng chất khi dịch bệnh kéo dài. Trước tình hình này, ông Nguyễn Hà Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.An Khánh, chia sẻ từ lúc dịch bệnh Covid-19 đợt 4 bùng phát, phường đã ra sức kêu gọi miễn, giảm tiền thuê nhà, mặt bằng và phòng trọ trong tháng 5, 6, 7, 8 cho công nhân, người lao động khó khăn. Song song đó, phường đã vận động được hơn 506 triệu đồng tiền mặt, hơn 65 tấn gạo, 5.900 thùng mì, 8.700 trứng vịt, 700 kg cá, 1.200 kg gà, 500 đôi găng tay kháng khuẩn, 10.000 khẩu trang N95, 50 giường xếp, hơn 45 tấn rau củ quả các loại, 8 tấn trái cây, nhu yếu phẩm, để cùng với Quỹ vì người nghèo của phường chăm lo cho lực lượng y tế, công an, quân sự, bảo vệ dân phố, các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ các trường hợp F1 đang cách ly tập trung.

Xử lý nghiêm cán bộ lơ là chống dịch

Thời gian qua, thực tế có phát sinh tình trạng nhiều trường hợp F0, người khó khăn liên hệ đến phường, xã nhờ trợ giúp y tế, nhu yếu phẩm... nhưng không được đáp ứng, giải quyết kịp thời, buộc phải lên mạng xã hội kêu cứu. Liên quan vấn đề cán bộ, công chức cơ sở lơ là công tác phòng chống dịch, UBND Q.8 vừa tạm đình chỉ công tác 1 chủ tịch phường, luân chuyển 1 chủ tịch phường. Để chấn chỉnh triệt để, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm chủ tịch, bí thư xã, phường lơ là chống dịch, vô cảm trước các yêu cầu chính đáng của người dân.
Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, anh Đào Sỹ Nguyên, chủ nhà trọ 18 đường 33, P.An Khánh, đã giảm 100% tiền nhà cho 22 phòng trọ (cho thuê ,5 triệu đồng/phòng/tháng) 3 tháng qua với tổng số tiền 231 triệu đồng. “Giảm tiền trọ vì tôi thấy thương người lao động khó khăn quá, người dân trong khu trọ chủ yếu là công nhân, buôn bán hàng rong, phụ hồ… Họ nghèo lắm, vất vả mà thương, ngửa tay lấy tiền họ nữa thì lương tâm không cho phép. Tôi rất hạnh phúc vì phía gia đình tôi ủng hộ việc này”, anh Nguyên chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.