Xét xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Phiên tòa nhiều kỷ lục

13/11/2018 05:09 GMT+7

Phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc qua mạng internet xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành được xem phiên tòa nhiều kỷ lục với số người tham gia tố tụng lên tới 200, nhiều bị cáo từng là tướng công an...

[VIDEO] Lời khai đầu tiên của Phan Văn Vĩnh trong phiên xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ
Với số người tham gia tố tụng lên tới 200, những khoản tài sản cực lớn và nhiều bị cáo từng là cấp tướng, giữ vị trí cao của Bộ Công an... phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc qua mạng internet xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành được xem là phiên tòa lịch sử tại địa phương.
Từ 8 giờ sáng hôm qua (12.11), TAND tỉnh Phú Thọ đã bắt đầu phiên xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc qua mạng internet xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành. Phiên xét xử công khai và thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương, tuy nhiên không phải ai cũng được vào tham dự.
Từ trái sang: Bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương Thái Sơn - Lê Quân
[VIDEO] An ninh thắt chắt tại phiên xử Phan Văn Vĩnh và đường dây đánh bạc ngàn tỉ
Các bị cáo tại phiên tòa ảnh: Lê Quân - Thái Sơn
Các bị cáo tại phiên tòa Ảnh: Lê Quân - Thái Sơn

An ninh nghiêm ngặt
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng trăm cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh phiên tòa. Lực lượng bảo vệ được chia thành ba vòng, mọi người tới tham dự đều được kiểm tra, mở các túi xách tư trang vật dụng và đưa qua máy quét. Phần lớn các bị cáo trong vụ án được tại ngoại và tự đến tòa theo giấy triệu tập.
Một số bị cáo bị tạm giam, có Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC); Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online, bị cáo buộc cầm đầu đường dây đánh bạc; Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an... được dẫn giải vào tòa bằng lối đi riêng. Đã có 45 cơ quan báo chí tham gia tường thuật về phiên tòa và được bố trí vào những khu vực riêng để tác nghiệp.
Người đến tham dự phiên tòa được kiểm tra an ninh bằng máy soi chiếu hiện đại

Theo công bố của chủ tọa, phiên xử có mặt 91 bị cáo, 1 bị cáo xin phép xử vắng mặt, có 30 luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đều mời 3 LS bào chữa cho mình. Theo công bố tại tòa, có 72 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập nhưng hôm qua có tới 62 trường hợp vắng mặt. Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ các tài liệu nên vẫn có thể tiếp tục xét xử.
“Các bị cáo bình đẳng trước tòa”
Được dẫn giải đến tòa hôm qua trong tư thế không bị còng tay, các bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa khá bình tĩnh, trả lời rành rọt các câu hỏi của HĐXX, dù trước đó cả 2 bị cáo này đều phải nhập viện với lý do sức khỏe.
Trong phần thẩm tra căn cước, lý lịch của các bị cáo, khi chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, bị cáo Phan Văn Vĩnh đề nghị HĐXX không công bố bản án đối với mình lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Đề nghị này ngay sau đó được chủ tọa phiên tòa chấp nhận.
LS Huyền Trang, thay mặt nhóm LS bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh, cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo được ngồi, trừ lúc lên bục khai báo, bởi bị cáo đang đau ốm. LS này cũng đề nghị: “Cá nhân ông Vĩnh vi phạm pháp luật, bị đưa ra xét xử, không phải là đại diện cho bộ, ban, ngành, không đại diện cho Đảng và Nhà nước. Do đó đề nghị HĐXX yêu cầu các cơ quan báo chí, các cơ quan tư pháp bảo vệ phiên tòa... không phát ngôn tiêu cực, tránh trường hợp các thành phần thù địch có cơ hội lấy các ý kiến, phát biểu tiêu cực nhằm chống phá Đảng và Nhà nước”. Trước đề nghị này, chủ tọa phiên tòa cho biết các bị cáo đều bình đẳng, cơ quan tố tụng đã chuẩn bị bộ phận y tế, xe cứu thương, bảo đảm sức khỏe cho các bị cáo nếu có vấn đề phát sinh. Đối với báo chí sẽ tác nghiệp theo luật Báo chí và nội quy phiên tòa.
Đề nghị triệu tập đại diện C50 đến tòa
Ngoài bị cáo Phan Văn Vĩnh, LS của một số bị cáo khác cũng đề nghị HĐXX cho phép các bị cáo được ngồi để khai báo bởi lý do sức khỏe. Trong số này có bị cáo Nguyễn Văn Dương, do bị lao kháng thuốc nặng và viêm gan C.
Một diễn biến đáng chú ý tại phiên tòa hôm qua là LS Đỗ Ngọc Quang, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, đề nghị triệu tập đại diện C50. Theo LS, có một số tài liệu chứng cứ không có trong hồ sơ vụ án cần được làm rõ.
Do số lượng người tham gia tố tụng đông, nên trong ngày xét xử đầu tiên, phiên tòa chỉ tập trung vào phần kiểm tra căn cước, lý lịch các bị cáo và công bố cáo trạng.
Theo dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 20 ngày.
Đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club hoạt động từ 18.4.2015, đến tháng 8.2017, thì bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá. Trong quá trình hoạt động, đường dây đánh bạc này phát triển thành một mạng lưới gồm 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 và khoảng gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc. Số tiền thu từ tổ chức đánh bạc trực tuyến chứng minh được là hơn 9.853 tỉ đồng. Cầm đầu đường dây đánh bạc này là Nguyễn Văn Dương với sự hỗ trợ tích cực của đồng phạm Phan Sào Nam. Cả 2 bị cáo này cùng bị truy tố về các tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác định, sở dĩ đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club tồn tại, phát triển là núp bóng công ty bình phong - CNC của Tổng cục Cảnh sát, đã được ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa “bật đèn xanh” qua việc ký các văn bản tạo điều kiện cho công ty này hoạt động cũng như vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.club. Các bị cáo này còn có biểu hiện che giấu, ngăn cản có hiệu quả đối với cơ quan cấp dưới hoặc các cơ quan khác xác minh khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của Dương và đồng phạm. Chưa hết, khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện, yêu cầu báo cáo việc Công ty CNC vận hành 2 game bài Rikvip.com và 23zdo.com đánh bạc trá hình, bị cáo Vĩnh đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo, sau đó còn chỉ đạo cấp dưới báo cáo không đúng sự thật. Cả hai bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng bị truy tố về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Dùng cần cẩu vận chuyển hồ sơ
Trao đổi nhanh với PV Thanh Niên hôm qua, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Ngô Tố Dụng cho biết đây được coi là phiên tòa lịch sử của 3 ngành tố tụng Phú Thọ khi lần đầu tiên xét xử một vụ án có số lượng người tham gia tố tụng gần 200, nhiều bị cáo từng mang cấp tướng ở Bộ Công an, đồng thời thu hồi lượng tiền mặt lên tới gần 2.000 tỉ đồng do phạm tội mà có.
Được biết, tính từ khi khởi tố vụ án vào tháng 7.2017 đến khi kết thúc điều tra vào tháng 7.2018, Cơ quan An ninh điều tra đã hoàn thiện hồ sơ với hàng triệu bút lục. Chỉ tính riêng hồ sơ vụ án, các cơ quan tố tụng đã sử dụng 7 chiếc tủ loại lớn mà mỗi lần tiếp nhận, bàn giao theo quy trình, các cơ quan tố tụng đã phải sử dụng... cần cầu để vận chuyển.
Từ tháng 8.2018, sau khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện KSND tỉnh Phú Thọ, TAND tỉnh Phú Thọ đã phải lên kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho công việc xét xử. Riêng về địa điểm, do số lượng bị cáo đông, cùng với số người tham gia tố tụng lên tới 200 người, không phòng xét xử nào chứa đủ nên TAND tỉnh Phú Thọ đã xin ý kiến TAND tối cao thành lập phòng xét xử đa năng ngay tại sân của TAND tỉnh với diện tích khoảng 1.000 m2, sức chứa gần 2.000 người, thiết kế có khung sắt, mái che kiên cố.
Ông Phan Văn Vĩnh có quyền từ chối công bố bản án hay không?
Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, về mặt pháp lý, bị cáo Phan Văn Vĩnh có quyền đề nghị như vậy. Đây là quyền nhân thân của ông Vĩnh mà bộ luật Hình sự đã quy định. Theo đó, kể cả khi bản án đã hình thành thì ông Vĩnh cũng chỉ mất đi một số quyền công dân, còn quyền nhân thân vẫn còn. Trong khi đó, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự T.Ư, cho hay bị cáo Phan Văn Vĩnh có quyền yêu cầu, đề nghị không công khai bản án, nhưng có được chấp nhận hay không là do chủ tọa phiên tòa quyết định. Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ xem xét công khai lên mạng theo quy định. Trường hợp bị cáo yêu cầu không công khai thì cần làm rõ lý do vì sao không công khai bản án. Nếu đề nghị đó không phù hợp, không có lý do chính đáng theo hướng dẫn của TAND tối cao thì không được chấp nhận. Do vậy, cần phải chờ xem nội dung bản án như thế nào, bởi từ đó chủ tọa mới quyết định có công khai hay không công khai bản án theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.