Điểm xung đột: Ukraine dùng tên lửa Mỹ bắn tàu Nga; Houthi diệt UAV Reaper của Mỹ

Điểm xung đột: Ukraine dùng tên lửa Mỹ bắn tàu Nga; Houthi diệt UAV Reaper của Mỹ

22/05/2024 21:14 GMT+7

Đài VOA đưa tin một nhóm nghị sĩ quốc hội Mỹ đã gửi thư kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga và mở rộng đào tạo quân nhân Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16. Nhóm nghị sĩ này bao gồm thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Các nghị sĩ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Turner, cho rằng Ukraine có thể được phép bắn vào các mục tiêu chiến lược ở Nga “trong một số trường hợp nhất định”. Họ tin rằng người Ukraine không thể tự bảo vệ mình một cách hiệu quả với các ràng buộc hiện tại, vì vậy các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải thay đổi.

Ông Turner nói: "Các quan chức Ukraine đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, nói rằng tình hình hiện nay tồi tệ hơn bao giờ hết. Mỹ nên cho phép Ukraine, trong một số trường hợp nhất định, sử dụng vũ khí có thể tấn công các mục tiêu ở Nga, đào tạo thêm phi công Ukraine trên máy bay F- 16 và tăng cường hệ thống phòng không Ukraine".

Tính đến ngày 21.5, đã có 13 thành viên quốc hội Mỹ nhất trí với đề nghị này.

Các nhà lập pháp cũng chỉ ra rằng, Kiev đang yêu cầu bổ sung ít nhất 7 hệ thống Patriot để bảo vệ các đô thị lớn và Mỹ nên nhất trí với đề nghị này nhằm giúp Ukraine tiếp tục bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc tấn công của Nga.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cũng kêu gọi các đồng minh NATO trực tiếp tham gia bảo vệ vùng trời Ukraine bằng cách bắn hạ tên lửa của Nga.

Phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21.5 cho rằng tình hình bất lợi của quân đội Ukraine ở tiền tuyến khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra "tuyên bố kích động" về sự can dự của phương Tây.

Quan chức Điện Kremlin cũng khẳng định những đợt viện trợ quân sự mới của phương Tây cũng không thể giúp Ukraine thay đổi cục diện tiền tuyến. Ông nói: "Bất chấp những lời hứa hẹn giúp đỡ, nhịp độ chuyển giao vũ khí vẫn không đạt kỳ vọng. Họ ngày càng hiểu rằng viện trợ khí tài sẽ không giúp xoay chuyển tình thế".

Tại mặt trận ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine, các kênh theo dõi quân sự thân Nga đưa tin lực lượng Moscow đã chiếm cao điểm then chốt và kéo cờ Nga ở Kleshchiivka, hoàn thành việc kiểm soát khu định cư này.

Theo các kênh này, sau khi quân đội Nga chiếm được Kleshchiivka và các điểm cao ở ngoại ô phía nam khu định cư, lực lượng Ukraine đã cố gắng phản công nhưng thất bại, buộc phải rút lui sang bên kia kênh đào Seversky - Donets.

Việc để mất Kleshchiivka có thể gây thêm khó khăn cho lực lượng Ukraine tại Chasov Yar bởi Nga có thể nhanh chóng san bằng chiến tuyến ở sườn nam thành phố.

Còn ở mặt trận miền bắc thuộc vùng Kharkiv, các kênh theo dõi quân sự đưa tin tính đến sáng nay, lực lượng Moscow đã chiếm hoàn toàn khu vực thành phố Volchansk bên bờ bắc sông Volchya, sau khi quân đội Ukraine bị đẩy về phía nam. Trong bài phát biểu thường kỳ tối 21.5, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết mặt trận miền đông vẫn vô cùng khó khăn, và là nơi xảy ra giao tranh dữ dội nhất. Tuy nhiên, tại khu vực Kharkiv, ông cho biết lực lượng Ukraine đang chặn đứng được lực lượng Nga.

Trong khi vẫn chưa giành lại ưu thế trên các mặt trận trên bộ, thì Ukraine tiếp tục khai thác thế mạnh của mình tại biển Đen để tấn công các tàu quân sự của Nga. Lực lượng Kyiv mới đây tuyên bố đã sử dụng tên lửa Mỹ để phá hủy chiến hạm cuối cùng có năng lực phóng tên lửa Kalibr tại vùng biển này.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu hôm 21.5 thông báo đã đạt được thỏa thuận sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để sử dụng cho việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và giúp Kyiv tái thiết đất nước.

EU gồm 27 quốc gia đang nắm giữ khoảng 210 tỉ euro tài sản của ngân hàng trung ương Nga, phần lớn bị đóng băng ở Bỉ, để trừng phạt Nga về cuộc chiến ở Ukraine. Ước tính số tiền lãi từ khối tài sản này là 3 tỉ euro mỗi năm.

Trụ sở chính của EU cho biết 90% số tiền này sẽ được đưa vào một quỹ đặc biệt được gọi là Cơ sở Hòa bình Châu Âu mà nhiều nước EU đã sử dụng để bù lại cho số vũ khí và đạn dược mà họ gửi đến Ukraine. 10% còn lại sẽ được đưa vào ngân sách EU. Số tiền này sẽ tài trợ cho các chương trình hỗ trợ củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hoặc giúp tái thiết đất nước. Các quan chức cho biết đợt đầu tiên của khoản tiền này có thể sẽ được cung cấp vào tháng 7.

Chuyển sang một thông tin khác thì quá trình cải tổ thanh lọc Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục diễn ra. Hôm qua, một cựu chỉ huy Nga mới đây đã bị bắt vì cáo buộc liên quan đến việc gian lận vật liệu xây dựng các công trình quân sự ở Ukraine. Điều đáng nói là vị sĩ quan này từng chỉ huy các đơn vị chiến đấu tại Ukraine, được binh sĩ kính trọng, và ông vào năm ngoái từng đưa những lời chỉ trích các cấp lãnh đạo quốc phòng. Vì vậy, việc bắt giữ và điều tra ông đang làm dậy lên nhiều đồn đoán.

Ông Artem Studennikov, giám đốc Cục châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga, hôm nay cho biết Moscow sẽ phải "xem xét nghiêm túc" mọi phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng triển khai binh sĩ đến Ukraine, dù đề xuất này không nhận được sự ủng hộ từ phần lớn nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Ông Studennikov nói rằng sự can dự của Pháp vào chiến sự Ukraine sẽ biến nước này thành bên tham chiến, tăng đáng kể nguy cơ xung đột trực diện giữa hai cường quốc hạt nhân. Ông nói: "Các đơn vị quân đội Pháp sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga. Liệu người Pháp có sẵn sàng bỏ mạng vì lợi ích của chính quyền Ukraine và những quốc gia đang chỉ đạo họ? Chính quyền Pháp sẽ giải thích thế nào với gia đình các nạn nhân? Có vẻ những quan chức ở Paris sẽ phải nghĩ về điều này, mong là sự sáng suốt và bản năng sinh tồn sẽ giành lợi thế trong bộ máy lãnh đạo của họ".

Và trong một động thái mà Moscow mô tả là để “làm nguội những cái đầu nóng” đang tìm cách gây thêm căng thẳng, quân đội Nga hôm 21.5 đã bắt đầu cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật.

Bộ Quốc phòng Nga đã đề xuất sửa đổi ranh giới lãnh hải của Nga ở Biển Baltic, theo một dự thảo nghị định của chính phủ, và động thái này đã khiến láng giềng của Nga là Phần Lan, cũng là thành viên mới của NATO, ra lời chỉ trích.

Theo dự thảo nghị định ngày 21.5, Moscow đề xuất điều chỉnh đường biên giới xung quanh các đảo của Nga ở phía Đông Vịnh Phần Lan và xung quanh Kaliningrad.

“Việc đi qua biên giới quốc gia của Liên bang Nga trên biển sẽ thay đổi”, bản tóm tắt dự thảo nghị định cho biết. Nếu được thông qua, nghị định sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2025.

Bộ Quốc phòng giải thích rằng phép đo biên giới trước đó của Liên Xô từ năm 1985 đã sử dụng hải đồ giữa thế kỷ 20 và do đó không hoàn toàn tương ứng với tọa độ bản đồ hiện đại hơn. Dự thảo nghị định vẫn chưa nêu rõ chính xác biên giới sẽ được điều chỉnh như thế nào và đã tham vấn với các quốc gia khác xung quanh biển Baltic hay chưa.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết: “Chính quyền Phần Lan đang điều tra thông tin trên các phương tiện truyền thông Nga về định nghĩa các vùng biển ở Vịnh Phần Lan”.

Ông Stubb nói: "Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Nga chưa liên lạc với Phần Lan về vấn đề này. Phần Lan luôn hành động: bình tĩnh và dựa trên thực tế."

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho rằng Nga nên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và cho rằng Nga đang gieo rắc sự nhầm lẫn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania nói động thái trên của Nga là một bước leo thang chống lại NATO và Liên minh châu Âu.

Chuyển sang tình hình xung đột ở Trung Đông thì thưa quý vị, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã bắn rơi thêm một máy bay không người lái của Mỹ trị giá 30 triệu USD trên bầu trời nước này. Theo các ước tính khác nhau thì tính từ tháng 10.2023 đến nay Houthi đã bắn rơi từ 3 đến 5 chiếc UAV loại này.

Các nhà lãnh đạo Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland hôm nay 22.5 đồng loạt tuyên bố nước của họ sẽ công nhận Nhà nước Palestine.

Các Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố hai nước này sẽ công nhận một nhà nước Palestine độc lập vào ngày 28.5.

Cũng trong hôm nay, Thủ tướng Ireland Simon Harris tuyên bố nước này sẽ công nhận một nhà nước Palestine, và ông mong rằng các quốc gia khác sẽ cùng Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy thực hiện một bước tương tự trong những tuần tới.

Trước những động thái như trên của Na Uy và Ireland, Israel đã triệu hồi các đại sứ của mình từ hai nước đó để "tham vấn khẩn cấp".

Ngoại trưởng Israel Katz nhấn mạnh: "Hôm nay, tôi gửi một thông điệp tới Ireland và Na Uy: Israel sẽ không im lặng bỏ qua vấn đề này”. Trước khi có thông báo từ 3 nước châu Âu, Bộ Ngoại giao Israel cũng đã tung ra một video tuyên bố rằng việc công nhận một nhà nước Palestine sẽ "dẫn đến thêm khủng bố, bất ổn trong khu vực và gây nguy hiểm cho mọi triển vọng hòa bình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.