Thủ tướng đang chủ trì họp chống Covid-19, bàn phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT

Vũ Hân
Vũ Hân
02/08/2020 16:31 GMT+7

"Một vấn đề dư luận xã hội, phụ huynh đang rất mong chờ chỉ đạo của chúng ta, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia ", Thủ tướng nhấn mạnh, và đề nghị bàn thảo về việc có bỏ kỳ thi, lùi kỳ thi hay không.

Có bỏ hay lùi kỳ thi quốc gia hay không?

Chiều 2.8,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19. Cuộc họp này cũng bàn thảo một vấn đề rất quan trọng là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự họp đông đủ, thể hiện sự “đồng thanh nhất trí” về quyết tâm chống dịch Covid-19 trong giai đoạn 2 sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng ngày 24.7.
Theo Thủ tướng, hiện nay, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn ở TP.HCM, Hà Nội…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng, nhưng phải thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn.
Đánh giá cao TP.HCM và Hà Nội đã kiên quyết xét nghiệm trên diện rộng, truy vết bằng công nghệ thông tin, đã kiểm soát cơ bản tình hình, Thủ tướng đặt vấn đề giãn cách xã hội sẽ được đặt ra đến đâu, như thế nào, chứ không phải tất cả các khu vực đều giãn cách xã hội.
Thủ tướng cũng đặt đề bài cho các địa phương phải lưu ý những phương thức nào chúng ta đã làm cần tiếp tục làm tốt hơn, như vận động nhân dân rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, truy vết, xét nghiệm mở rộng…
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. “Một số ý kiến cho rằng cần dừng hẳn thi thì có đúng không, trong lúc chúng ta chỉ có mấy tỉnh giãn cách xã hội? Chúng ta có tổ chức kỳ thi thành mấy lần hay không?”, Thủ tướng đặt câu  hỏi và đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương thảo luận kỹ về vấn đề này, cân nhắc đa chiều. 
Một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng không để đổ gãy kinh tế, cho rằng để đảm bảo điều này phải có nghệ thuật lãnh đạo để nhân dân ủng hộ, "chỉ có nhân dân ủng hộ thì mới thành công".

Bộ GD-ĐT đề xuất thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt trong diễn biến dịch Covid-19

Hệ số lây nhiễm tại Đà Nẵng là 6 - 10, cao gấp 5 lần ổ dịch Bạch Mai

Theo báo cáo của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp, sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24.7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng.
Báo cáo mở đầu phiên họp, ông Long nhấn mạnh, vào thời điểm này, dịch ở Việt Nam đã lây lan với tốc độ rất nhanh. Từ ngày 2.7 đến nay ghi nhận 144 ca mắc và 5 người tử vong, riêng trong ngày 31.7 đạt mức kỷ lục với 82 trường hợp.
"Đợt dịch lần này tốc độ lây nhiễm rất cao so với tháng 4. Tại Đà Nẵng dịch đã xuất hiện từ tháng 7 và qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm... khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau và nhiều trường hợp mắc bệnh khác nhau đang ở ngoài cộng đồng, vì vậy việc truy vết F0 không có tính khả thi cho nên lây nhiễm trong cộng đồng khá cao", ông Long nêu.

Hệ số lây nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng cao gấp 5 lần ổ dịch Bạch Mai

Đáng chú ý, ông Long cho biết, "có 6 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng chúng tôi đã cố gắng điều tra nhưng chưa tìm hiểu được mối liên quan đến ổ dịch ở các bệnh viện ở Đà Nẵng. Dự đoán có 1 số ổ dịch trong cộng đồng đã tồn tại và có thể tiếp tục lây nhiễm".
Ông Long cũng nêu việc dịch xảy ra trong cao điểm mùa du lịch, có nhiều hành khách từ các địa phương đến Đà Nẵng. Thống kê từ 1 - 29.7, khoảng 1,4 triệu người đã từ Đà Nẵng trở về các địa phương, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực có dịch của Đà Nẵng và khoảng 46.000 người đến khám ở 3 bệnh viện được xác định là ổ dịch.
Do đó, nguy cơ trường hợp mắc ở các địa phương như Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội là rất cao.
"Nếu như ổ dịch Bạch Mai có hệ số lây nhiễm khoảng 1,8 - 2,2, nhưng lần dịch này hệ số lây nhiễm có thể từ 6 - 10", ông Long cho biết và dự báo dịch sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan.
Thêm vào đó, dịch đã tấn công vào 3 khoa yếu nhất, với nhiều bệnh nhân nặng, nên theo ông Long, mặc dù đội ngũ chuyên môn với các giáo sư đầu ngành đã tích cực cứu chữa nhưng vẫn không cứu được một số bệnh nhân và có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.