Thừa thiếu giáo viên có nguyên nhân từ tình trạng thiếu dân chủ

13/08/2022 06:00 GMT+7

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học cũ, triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ là vì tiếng nói từ cơ sở chưa thực sự có tính quyết định.

Hôm qua (12.8), Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học cũ, triển khai phương hướng năm học mới, tại Hà Nội và 63 đầu cầu trong cả nước. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ này về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, bên cạnh các ưu điểm thì năm học vừa qua ngành GD-ĐT gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề liên quan tới điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục như: thiếu biên chế, thiếu trường lớp học. Sau báo cáo của Bộ, một số sở GD-ĐT cũng chia sẻ cụ thể hơn những khó khăn ở địa phương mình, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên (GV).

Năm học mới 2022 - 2023, nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng

NHẬT THỊNH

Nhiều giáo viên nghỉ việc vì không đủ sống

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, chuẩn bị năm học mới, Bình Dương có tăng 11 trường, trong đó có 10 trường mầm non tư thục và 1 trường THCS. Dự kiến năm học tới sẽ tăng 29.000 học sinh (HS), tập trung ở các địa bàn có nhiều KCN. Nhiều địa bàn của tỉnh Bình Dương có số HS/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, đặc biệt nhiều trường phải dạy học 1 buổi/ngày ngay cả với lớp 1. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với các trường mầm non, theo bà Hằng, Bình Dương sẽ ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non công lập thì mới đảm bảo thực hiện đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.

Đáng lưu ý, theo bà Hằng thời gian gần đây GV ở Bình Dương nghỉ việc nhiều, các cấp học mầm non, tiểu học của tỉnh này hiện thiếu nhiều GV so với quy định. Thống kê từ tháng 1.2021 - 4.2022, toàn ngành có 527 GV nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là do lương của GV chưa trang trải được cuộc sống. Bà Hằng nhấn mạnh tình trạng thiếu GV là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ công chức, viên chức hiện có 20.044 người, nếu so với số HS của năm học tới thì số GV thiếu là trên 3.000. Ngành GD-ĐT tỉnh này đã tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện tuyển dụng theo phân cấp quản lý, tiếp tục ký hợp đồng với viên chức, nhân viên còn thiếu sau khi tuyển dụng; tiếp tục thực hiện phân công GV dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng để khắc phục tình trạng thiếu GV.

“Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có những môn mới đưa vào giảng dạy như môn nghệ thuật, GV còn hạn chế, rất mong Chính phủ, Bộ Nội vụ có chính sách đặc thù để thu hút, đào tạo GV cho môn học này đáp ứng nhu cầu về GV cho chương trình”, bà Hằng kiến nghị.

Nhiều địa phương mong có chính sách “đặc thù”

Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cũng đề xuất Bộ GD-ĐT, Chính phủ ban hành chính sách để đảm bảo số lượng, chất lượng GV đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. “Đến thời điểm này, Nghệ An đang thiếu khoảng 8.000 GV. Năm qua, chúng tôi được bổ sung hơn 2.000 GV, như vậy đến năm học tới vẫn còn thiếu trên dưới 6.000 GV. Đây là điều rất khó khăn khi đảm bảo hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cũng cho biết: “Cà Mau thiếu phòng học, thiếu kinh phí để kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là đầu tư để dạy học 2 buổi/ngày, trường đạt chuẩn quốc gia… khó vô cùng. Trước sự biến đổi khí hậu, mặt biển dâng, Cà Mau phải xây dựng trường “cao cẳng” để ứng phó với biến đổi khí hậu, nên định mức đầu tư lớn. Cho nên cần T.Ư có nghiên cứu, có hỗ trợ, không chỉ với Cà Mau mà còn với đồng bằng sông Cửu Long”.

Còn ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng đề xuất Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan có quy định đặc thù cho Hà Nội về tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, tính diện tích sàn/HS thay vì tính diện tích đất/HS, với lý do nhiều địa bàn chịu áp lực rất lớn về nhu cầu học của HS, đặc biệt khu vực nội thành. Mong muốn của Hà Nội là được phép nâng cao tầng trong khối xây dựng, được sử dụng các tầng hầm, dựa trên các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho HS, bố trí HS học ở các tầng thấp, cán bộ GV làm việc trên các tầng cao.

Cần ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động nắm tình hình

Sau phần phát biểu của bà Hằng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh này báo cáo rõ hơn nguyên nhân khiến 527 GV mầm non, tiểu học nghỉ việc, vì đây là nội dung “lãnh đạo Bộ rất quan tâm”. Ông Sơn cũng đề nghị Chủ tịch tỉnh Bình Dương (có tham dự hội nghị ở đầu cầu Bình Dương) sớm chỉ đạo giải pháp khắc phục tình trạng này và có sự trao đổi lại trong những ngày sắp tới.

Trong phần phát biểu chỉ đạo hội nghị, liên quan tới đề nghị trên của ông Nguyễn Kim Sơn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu ứng dụng công nghệ thông tin tốt thì Bộ được chủ động nắm dữ liệu trong toàn ngành, không cần phải yêu cầu địa phương báo cáo. Ông Đam nói: “Nhiệm kỳ trước chúng ta đã làm được việc là Bộ nắm về số lượng đội ngũ GV, bây giờ phải tiếp tục nắm về cơ sở vật chất. Làm sao cơ sở dữ liệu của Bộ phải có đủ từng địa bàn, từng xã có bao nhiêu lớp, bao nhiêu trường đáp ứng chỗ học của bao nhiêu cháu. Giờ dữ liệu dân cư có rồi, như vậy mới biết chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu và mới định hướng quy hoạch. Nắm được rồi nhưng phải cập nhật và có bộ phận xử lý thông tin”.

Để không có hiện tượng HS phải “tự nguyện” xin được học thêm

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD-ĐT cần phải chủ động đeo bám, đốc thúc các bộ ngành liên quan để có thể triển khai được việc dùng ngân sách mua SGK cho HS mượn, ngay trong năm học này. Đồng thời, Bộ phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, rà soát, đề xuất bổ sung các quy định về khoản đóng góp tự nguyện cho trường học; tiếp tục rà soát các quy định về dạy thêm học thêm, kiểm tra, đánh giá, cho điểm. Phải làm sao để không có hiện tượng bằng cách này, cách khác HS phải “tự nguyện” xin được học thêm, xin được đóng góp theo kiểu cào bằng.

Về vấn đề học phí, ông Đam cho rằng, kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì đòi hỏi chi phí cho giáo dục ngày càng tăng để đảm bảo chất lượng giáo dục như mong muốn. Từ lâu nay cấp tiểu học đã được miễn học phí, học phí cấp THCS như thế nào thì đang bàn. “Nhưng tinh thần là học phí phổ thông (nghĩa là phần đóng góp của người học) sẽ không tăng, mà giảm nhanh, đẩy nhanh lộ trình để nhanh đạt được chính sách miễn học phí. Còn chi phí cho giáo dục thì tính đúng tính đủ để đảm bảo chất lượng như mong muốn, mà vì thế sẽ tăng. Phần tăng này ngân sách nhà nước sẽ bù vào”, ông Đam khẳng định.

Tuy nhiên, trước đó ông Đam cũng đã bày tỏ sự thông cảm với ngành GD-ĐT khi cơ chế quản lý hiện nay đã khiến ngành này không được tự quyết về điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục như biên chế, trường lớp học. “Đương nhiên ngành GD-ĐT bao giờ cũng đề ra yêu cầu là phải có đủ GV, đủ trường lớp,… nhưng giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không làm được”, ông Đam nói.

Theo ông Đam, tới đây Bộ GD-ĐT phải làm được bước đột phá đầu tiên là thực sự quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Phải làm sao để Bộ lo đúng vấn đề chuyên môn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, để điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn và bền vững hơn nữa. Tinh thần cốt lõi của đổi mới quản lý nhà nước trong GD-ĐT là phải đảm bảo dân chủ trong trường học, huy động được không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng tham gia vào xây dựng môi trường nhà trường thật sự văn hóa, dân chủ. Từ lâu nay, thiếu dân chủ là cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV. Phải làm sao cho phải đủ GV, đủ trường lớp, để HS được học 2 buổi/ngày. Làm sao để không còn sĩ số 60 HS/lớp được mà phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.