'Tình biển nghĩa sông' của Ba Thợ Tiện - Hoàng Thoại Châu chưa thôi lận đận

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
02/11/2019 11:52 GMT+7

Tại buổi ra mắt tác phẩm mới Tình biển nghĩa sông vừa diễn ra ở quán Đo Đo (TP.HCM), nhà thơ Hoàng Thoại Châu đưa ra thông tin bất ngờ: 'Tôi rất buồn vì phải dời địa điểm từ Hội Nhà văn TP.HCM ra đây'.

Nhà thơ Hoàng Thoại Châu sinh năm 1942, tên thật là Huỳnh Tiên. Ông từng được độc giả rất yêu thích với bút danh Ba Thợ Tiện, bắt đầu từ báo Tuổi Trẻ, đến Lao Động, rồi Lao động Xã hội. Ông làm thơ từ năm 17 – 18 tuổi khi còn đang học tại Quảng Nam, sau này những bài thơ tuổi học trò được ông tuyển chọn dưới tên gọi Áo trắng ngày xưa được nhà in Âu Cơ xuất bản.

Ba Thợ Tiện dưới góc nhìn của bạn họa sĩ

Một thời máu lửa

Trước khi đến với nghề báo và thành danh, Hoàng Thoại Châu là cây bút đam mê văn chương, với rất nhiều tác phẩm: Những trái tim hồng (tập truyện ngắn, in ở Hướng Dương, xuất bản năm 1973). Một tập truyện ngắn khác có tên Khói cỏ ngoài đồng thời ấy cũng được giới thiệu sẽ in ở nhà in Hướng Dương nhưng chưa xuất bản thì một số văn nghệ sĩ Hướng Dương bị bắt trong vụ án “Văn nghệ quán Mù U” xôn xao dư luận, gồm: Hoàng Thoại Châu, Nguyễn Trường Giang, Phan Viên Hoài, Trần Thế Hùng, Thái Lãng, Cao Nguyên, Huỳnh Ngọc Trảng, Hàng Chức Nguyên, Nguyễn Minh Phương, Xuân Sơn. Hoàng Thoại Châu bị kết án và đưa vào khám Chí Hòa, xong bị đày ra Côn Đảo thụ án cho đến ngày 30.4.1975.
Trước lúc bị đày ra Côn Đảo, ông đã góp mặt với các báo, chủ yếu ở mảng văn học, gồm: Chánh Đạo, Quyết Thắng, Dân chủ Chủ nhật, Tiểu thuyết thứ năm, An Lạc
Nhiều tác phẩm của ông sau ngày thống nhất đất nước cũng đã được xuất bản: Thả cửa (1992), Tạp văn (NXB Đồng Nai  - 2006), Sâu thẳm buồn vui (tự truyện, NXB Hội Nhà văn - 2015), Viết từ hồi ấy (tạp văn, NXB Hội Nhà văn - 2017), Tình biển nghĩa sông (NXB Hội Nhà văn - 2019)…
Nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy kể: “Ít ai biết Hoàng Thoại Châu khi ấy lại là một người tu hành. Tháng 11.1966, ông từ quê chạy vào Sài Gòn trốn các cuộc bao vây, bố ráp ở quê nhà và trốn quân dịch. Hoàng Thoại Châu nương nhờ cửa Phật tại tổ đình Ấn Quang. Tập thơ Tình biển nghĩa sông được viết thành hai phần: phần một ngợi ca tình yêu nước, nghĩa đồng bào, chống chiến tranh; phần hai ngợi ca truyền thống vì dân tộc của Phật giáo. Khi mang tập bản thảo đến Nha Kiểm duyệt, tại đây Hoàng Thoại Châu gặp nhà văn Võ Phiến và được “người gác cổng” phán: Nếu Đại đức gửi cho chúng tôi một tác phẩm nhẹ hơn, tôi sẽ ký giấy phép xuất bản ngay. Đã không đồng ý với nhạc Trịnh Công Sơn thì không có lý gì chúng tôi lại cho in thơ của Hoàng Thoại Châu”.

Bìa tập thơ Tình biển nghĩa sông vừa được NXB Hội Nhà văn phát hành

Nhà thơ Hoàng Thoại Châu tại buổi ra mắt sách ở Quán Đo Đo: 'Tôi lại thích không khí thân thương ở quán này'

Tự dưng ngồi nhớ lại tập Áo trắng ngày xưa từng được cấp phép trước đó, Hoàng Thoại Châu mới lấy lại số giấy phép của Áo trắng ngày xưa rồi thêm vào chữ bis phía sau để có thể “vượt rào” cho Tình biển nghĩa sông đến nhà in.
Ông Bùi Quang Huy kể tiếp: “Dù tập thơ khá nhạy cảm mà lại xuất bản "lụi" nhưng đọc trên báo Chánh Đạo thấy có thông báo về “Giải Văn học nghệ thuật lần thứ nhất 1967-1969” của Sài Gòn, Hoàng Thoại Châu vẫn háo hức mang Tình biển nghĩa sông đi thi. Đây là giải quốc gia với giám khảo gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học-nghệ thuật nổi tiếng tại miền Nam lúc bấy giờ như nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân.., không ngờ lại trúng giải nhất luôn mới vui chứ”. 

Và nỗi buồn đọng lại

Thế nhưng số phận lận đận của tập thơ dường như vẫn chưa đến hồi kết. Sau thời gian dài tập hợp, bổ sung chuyển NXB Hội Nhà văn in ấn xong, tác giả Hoàng Thoại Châu được nhà thơ Lê Minh Quốc đưa qua Hội Nhà văn TP.HCM để xin làm lễ giới thiệu tập thơ tại đây, vì Hoàng Thoại Châu là hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP.HCM.
“Ban đầu mọi người tiếp đón chu đáo lắm, anh Chánh văn phòng Hội còn bất ngờ và ngưỡng mộ khi được gặp anh Ba Thợ Tiện ở ngoài đời và cam kết sẽ ủng hộ nhiệt tình”, nhà thơ Hoàng Thoại Châu cho biết. Tuy nhiên đến gần ngày ra mắt sách thì mọi thứ bị đảo ngược khi không thể tổ chức tại địa điểm như mong muốn.
Nhà thơ Lê Minh Quốc tại buổi ra mắt sách cũng chia sẻ: “Tôi rất buồn về điều này và cứ thắc mắc tại sao lại nỡ đối xử với một nhà thơ có tấm lòng với đất nước như thế”.

Nhà thơ Hoàng Thoại Châu ký tặng người hâm mộ ngay tại quán Đo Đo

 
           

Hội Nhà văn TP.HCM có 'phân biệt đối xử'?

Ngày 1.11, PV Thanh Niên có cuộc gặp với Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trần Văn Tuấn và Phó Chủ tịch Hội Phạm Sỹ Sáu để tìm hiểu những bức xúc của nhà thơ Hoàng Thoại Châu và nỗi buồn của nhà thơ Lê Minh Quốc. Đầu tiên, ông Phạm Sỹ Sáu khẳng định: “Đúng là anh Hoàng Thoại Châu có trong danh sách là hội viên sáng lập tại đây nhưng anh ấy không sinh hoạt từ xưa đến giờ nên rất khó giải quyết. Vì theo quy định, chỉ hội viên chính thức mới được giới thiệu tác phẩm ở Hội Nhà văn, hoặc phải có sự đề xuất của Hội đồng thơ thì mới hợp lệ. Thực ra tôi với anh Hoàng Thoại Châu cũng là bạn cả thôi nên càng phải làm chặt chẽ và đúng quy chế thì mới tránh được lời ra tiếng vào không hay”.
Còn nhà văn Trần Văn Tuấn thì ngạc nhiên: “Tôi rất tiếc là không biết anh Hoàng Thoại Châu đã ra mắt sách tại quán Đo Đo để gửi lẳng hoa chúc mừng anh ấy. Thực sự chúng tôi đâu có khó dễ với anh ấy đâu. Nếu anh ấy thuê mặt bằng ở khu vực bên dưới theo hình thức xã hội hóa thì chẳng có vấn đề gì, giống như nhiều tác giả không phải là hội viên lâu nay từng làm. Đằng này anh ấy lại muốn ra mắt ngay tại văn phòng Hội Nhà văn TP. Nếu anh không là hội viên thì phải được Hội đồng thơ thẩm định tác phẩm rồi ra đề xuất, đằng này Hội đồng thơ chưa có thông tin gì cả mà anh ấy đã bỏ cuộc thì tôi chịu. Xin nói rõ là Hội Nhà văn TP.HCM không có sự ‘phân biệt đối xử” giữa hội viên sáng lập hay hội viên chính thức gì ở đây, điều quan trọng là chúng tôi phải thực hiện theo quy định nên mong anh ấy hiểu cho”.
Sau những trắc trở, nhà thơ Hoàng Thoại Châu muốn buông bỏ hết mọi chuyện: “Tôi nghĩ cuốn sách này đã lận đận từ ngày xưa đến giờ lận đận tiếp thì cũng không sao. Tập thơ số phận của nó càng lận đận, biết đâu càng có cơ hội đạt giải thưởng. Có thể sau lần trở lại lần này, Tình biển nghĩa sông lại nhận tiếp giải thưởng gì nữa chăng?”, nhà thơ bộc bạch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.