Tình hình Covid-19 hôm nay 4.3: TP.HCM phát thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà

04/03/2022 19:46 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các đơn vị cấp phát thuốc Molnupiravir cho F0 cách ly tại nhà, từ 18 tuổi trở lên, có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ, ưu tiên người thuộc nhóm nguy cơ.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 125.568 ca mắc Covid-19 trong nước; Hà Nội 21.395 ca. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 3.3 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 125.587 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 125.568 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.788 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 21.395 ca, Nghệ An 6.657 ca, Bắc Ninh 6.011 ca, Sơn La 4.182 ca, Quảng Ninh 3.919 ca, Nam Định 3.870 ca, Hưng Yên 3.702 ca, Lạng Sơn 3.335 ca, Phú Thọ 3.288 ca, Bình Dương 3.201 ca, TP.HCM 3.070 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng giảm 2.475 ca, Lào Cai giảm 430 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 254 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội tăng 2.734 ca, Lai Châu tăng 2.637 ca, Bình Dương tăng 919 ca. Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 38.911 ca được công bố khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 97 ca tử vong. Trong đó, Hà Nội 18 ca, Nam Định 14 ca trong 2 ngày, Quảng Nam 9 ca, Nghệ An và Thái Nguyên mỗi nơi ghi nhận 6 ca, Đà Nẵng 5 ca, Hà GiangQuảng Bình mỗi nơi ghi nhận 3 ca…

F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM

độc lập

Người mắc Covid-19 ở TP.HCM có toa bác sĩ đến trạm y tế lãnh thuốc Molnupiravir hoặc đi mua. Để tăng cơ hội cho người bệnh tiếp cận nhanh chóng thuốc Molnupiravir, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về chủ trương cung ứng thuốc Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 cách ly tại nhà. Sở Y tế cũng đề nghị UBND TP.HCM xem xét chủ trương cho phép các nhà thuốc trên địa bàn thành phố kinh doanh thuốc Molnupiravir. Theo đó, khi xác định người bệnh mắc Covid-19, bác sĩ điều trị sẽ kê đơn thuốc Molnupiravir cho người bệnh có chỉ định dùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người bệnh sử dụng toa thuốc này đến trạm y tế, trạm y tế lưu động để được cấp phát thuốc hoặc đến nhà thuốc để mua thuốc.

Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các đơn vị cấp phát thuốc Molnupiravir cho người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh dương tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đủ điều kiện cách ly tại nhà, độ tuổi từ 18 tuổi trở lên và đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng, người bệnh có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 lớn hơn hoặc bằng 97% khi thở khí trời, nhịp thở dưới 20 lần/phút). Ưu tiên phát thuốc cho người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, có bệnh lý nền...) có hay không có triệu chứng.

Hướng dẫn mới nhất về chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại nhà

TP.HCM thanh tra việc đầu cơ, tăng giá thuốc điều trị Covid-19. Sở Y tế TP.HCM yêu cầu phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các phòng khám, nhà thuốc và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 đúng quy định. Tăng cường kiểm tra giám sát việc kinh doanh các thuốc điều trị Covid-19 tại các nhà thuốc. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh các loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu, thuốc có nghi ngờ về chất lượng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý... Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc.

Cơ quan này yêu cầu Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu, mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý.

Sai phạm liên quan Công ty Việt Á của lãnh đạo Học viện Quân y "đến mức kỷ luật". Tại kỳ họp thứ 12 từ ngày 2 đến 4.3, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025. Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Các cá nhân gồm: trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; trung tướng Đỗ Quyết, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Chủ nhiệm đề tài; đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc học viện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Mỹ đánh giá chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam là "kỳ tích đáng kinh ngạc". Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đưa ra đánh giá này trong bài phát biểu tại lễ bàn giao 34 tủ lạnh âm sâu lưu trữ vắc xin phòng Covid-19 cho Viện Pasteur TP.HCM vào hôm nay (4.3). Đại sứ Knapper cho biết đây là 34 chiếc trong tổng số 111 tủ lạnh âm sâu của hãng Binder (tổng giá trị 1 triệu USD) được Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho Việt Nam. Mỗi tủ lạnh âm sâu có thể đạt độ lạnh từ - 80 độ C đến - 20 độ C, với sức chứa 175.500 liều vắc xin phòng Covid-19 cần được bảo quản trong nhiệt độ cực thấp.

Đại sứ Marc Knapper đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam, với kết quả hơn 90% dân số từ 12 tuổi trở lên đã được chích ngừa trong vòng 6 tháng qua. Ông gọi đây là “kỳ tích đáng kinh ngạc, giúp tất cả chúng ta đang sống và làm việc ở đây an toàn hơn”. Kể từ tháng 7.2021, Mỹ đã tài trợ hơn 26 triệu vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Tính đến nay, Mỹ là nhà tài trợ vắc xin lớn nhất cho Việt Nam. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể hỗ trợ và nhằm đảm bảo Việt Nam có đủ liều vắc xin cho người dân”, đại sứ Knapper nhấn mạnh khi được hỏi về việc Bộ Y tế Việt Nam mới đây cho phép tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.

Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc Covid-19?

Kon Tum điều chỉnh giá test nhanh Covid-19 không quá 78.000 đồng. Ngày 4.3, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cơ sở y tế tư nhân thu phí test nhanh Covid-19 không quá 78.000 đồng/lần test. Sở Y tế Kon Tum cũng yêu cầu các cơ sở y tế, bao gồm y tế công lập và y tế tư nhân tăng cường hoạt động xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho người dân; đồng thời hướng dẫn trực tiếp quy trình thực hiện test nhanh kháng nguyên để người dân biết và có thể tự thực hiện tại nhà khi có nhu cầu.

Như Thanh Niên đã đưa tin, trong năm 2021, ngành y tế tỉnh Kon Tum mua 16 loại kit test với giá dao động từ 72.000 - 198.000 đồng/kit test. Tuy nhiên trong thời gian từ 1.7 - 9.11.2021, các đơn vị thực hiện xét nghiệm đã thu phí của người sử dụng với số tiền 238.000 đồng/lần test. Tổng số tiền chênh lệch là hơn 5,6 tỉ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn trả chi phí chênh lệch giá dịch vụ test nhanh Covid-19 cho người dân đã xét nghiệm trong khoảng thời gian từ ngày 1.7 đến ngày 9.11.2021.

72/111 xã ở Bình Phước có nguy cơ dịch cấp độ 4. Ngày 4.3, Sở Y tế tỉnh Bình Phước có văn bản hỏa tốc về phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện tỉnh này đang có nguy cơ dịch cấp độ 3. Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có 72/111 xã có nguy cơ dịch cấp độ 4 (chiếm 64,8%); 37/111 số xã có nguy cơ dịch cấp độ 2 và 3 (chiếm 33,3%), chỉ có 2/111 xã có nguy cơ dịch cấp độ 1.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, ở các địa phương có dịch cấp độ 4, trường học quay trở lại dạy học trực tuyến. Các hoạt động nhà hàng, quán ăn, dịch vụ karaoke, vũ trường, bán vé số tạm dừng hoạt động. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, từ ngày 27.2 đến hết ngày 3.3, toàn tỉnh ghi nhận thêm gần 7.000 ca nhiễm Covid-19 mới. Riêng ngày 3.3, ghi nhận 1.958 ca nhiễm. Đến nay có 227 bệnh nhân Covid-19 tử vong, 11.759 F0 đang điều trị.

Quảng Ninh cấp túi thuốc không kê đơn cho F0 điều trị tại nhà. Ngày 4.3, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này vừa ra văn bản về việc cấp túi thuốc không kê đơn cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Theo đó, túi thuốc được cấp phát gồm một số loại thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn theo quy định của Bộ Y tế để điều trị các triệu chứng thông thường do nhiễm SARS-CoV-2, hỗ trợ người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chủ động trong việc tự theo dõi sức khỏe.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về danh mục thuốc cấp và hướng dẫn sử dụng thuốc cấp cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà (thuốc không kê đơn); chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị, thường trực cấp cứu kịp thời chuyển tuyến cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Số ca nhiễm cộng đồng ở Quảng Bình tăng cao, học sinh linh hoạt đến trường. Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình vừa đưa ra các phương án để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học linh hoạt, trước tình hình số ca nhiễm cộng đồng tại Quảng Bình tăng cao. Cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp độ dịch 1 và 2 sẽ tiếp tục học trực tiếp. Nhà trường chuẩn bị đầy đủ thiết bị, phương tiện sẵn sàng để chuyển sang dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các trường tổ chức dạy bù cho học sinh trở về từ vùng giãn cách, khu cách ly và học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Các huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp độ dịch 3 và 4 tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Cơ sở giáo dục mầm non ưu tiên dạy học trực tiếp cho trẻ 5 tuổi để đảm bảo hoàn thành chương trình. Trường tiểu học ưu tiên dạy học trực tiếp cho lớp 1, 2. Trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên... ưu tiên dạy học trực tiếp cho lớp 6, 9, 12. Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết trong trường hợp 1 lớp học có F0, cả lớp chuyển sang học trực tuyến; nếu khoanh vùng được thì cho F0, F1 nghỉ học, lớp vẫn hoạt động bình thường.

Dịch Covid-19 có xu hướng tăng, TP.HCM có kế hoạch tiêm vắc xin mũi 4 hay không?

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, trường lạm dụng máy điều hòa, số ca nghi nhiễm tăng. Ngày 4.3, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM có buổi họp với Sở GD-ĐT, Sở Y tế, phòng giáo dục và trường học về công tác tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian qua. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 2 tuần (từ ngày 15.2 - 2.3), tổng số ca nghi nhiễm Covid-19 ở học sinh các khối lớp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT là 35.769 trường hợp. Trong đó, nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 17.275 ca. Địa phương có số ca nghi nhiễm cao: Q.1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức. Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng dẫn lại kết quả khảo sát cho thấy số ca nghi nhiễm được phát hiện nhiều nhất ở những trường lạm dụng máy điều hòa. Từ đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo nên tránh việc sử dụng máy lạnh kéo dài vì nếu xét về mặt thông thoáng là không đảm bảo cho sức khỏe học sinh, không đảm bảo nồng độ dưỡng khí trong phòng. Ông Hưng đề nghị Sở GD-ĐT khuyến cáo các trường hạn chế thấp nhất việc sử dụng máy điều hòa trong lớp. "Nếu cần thiết thì sử dụng ngắt quãng, sẽ tốt cho sức khỏe học sinh, tránh nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, các trường cần tận dụng sân chơi, ánh sáng, không khí tự nhiên để tăng cường sức đề kháng cho học sinh", ông Hưng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.