TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 15: Người dân cần lưu ý gì?

31/05/2021 06:22 GMT+7

TP.HCM yêu cầu người dân TP bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với chính quyền TP, nghiêm túc chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19.

Tại cuộc họp với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trưa 30.5, lãnh đạo TP.HCM thống nhất áp dụng giãn cách xã hội toàn địa bàn từ 0 giờ ngày 31.5 theo Chỉ thị 15. Riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng Chỉ thị 16.
Đây là động thái quyết liệt của chính quyền TP.HCM sau khi 12 ngày qua trên địa bàn có đến 4 chuỗi lây nhiễm Covid-19.

Dân Gò Vấp bối rối sau khi quận bị phong tỏa, giãn cách xã hội vì Covid-19

Không tập trung quá 5 người nơi công cộng

TP.HCM yêu cầu người dân TP bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với chính quyền TP, nghiêm túc chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi làm việc, hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết; người trên 60 tuổi ở nhà toàn thời gian; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết; không tụ tập trên 5 người ở bên ngoài các công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại nơi công cộng.
Lấy mẫu xét nghiệm tại P.3, Q.Gò Vấp ngày 30.5 nhằm tiếp tục sàng lọc Covid-19 diện rộng ẢNH: ĐỘC LẬP

Lấy mẫu xét nghiệm tại P.3, Q.Gò Vấp ngày 30.5 nhằm tiếp tục sàng lọc Covid-19 diện rộng

ẢNH: ĐỘC LẬP

Người dân TP khi có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Covid-19 phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, sàng lọc theo quy định; khai báo y tế trung thực, tuyệt đối không được che giấu tình trạng bệnh của mình.

Mì tôm, thịt heo trong siêu thị “cháy” hàng trước giờ phong tỏa Gò Vấp chống Covid-19

Tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các loại hình: spa; cơ sở làm đẹp (cắt - uốn tóc nam nữ, nail...); massage; xông hơi; phòng khám thẩm mỹ và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường; quán bar; karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập internet; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện (vẫn cung cấp tài liệu qua internet); các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga...); các trung tâm thể dục thể thao; các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn TP; riêng các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao ngoài trời không tập trung trên 5 người.

Dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang về

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m trong khi chờ lấy hàng.
Các cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin và bếp ăn tập thể được hoạt động nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn cụ thể của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.

Có thông tin phản ánh về dịch Covid-19, hãy gửi về Cổng 1022

Tại cuộc họp trưa 30.5, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu người dân bình tĩnh, không hoang mang, không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch Covid-19 để tránh hoang mang dư luận. Người dân có thông tin phản ánh về dịch Covid-19, nhất là những vi phạm về quy định phòng chống dịch, hãy gửi thông tin về Cổng 1022 của TP.HCM.
Riêng đối với nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động để phục vụ cho khách đang lưu trú tại khách sạn. Phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người là từ 2 m trở lên, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Các cửa hàng tiện ích được hoạt động, nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tạm dừng thêm nhiều hoạt động

Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú theo mô hình Homestay, AirBnb: dừng tiếp nhận khách đến đăng ký lưu trú.
Tạm dừng thêm các loại hình hoạt động sau: trung tâm thương mại; siêu thị điện máy; trò chơi điện tử có thưởng và casino (trong khách sạn) trên địa bàn; các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Tạm dừng việc làm thủ tục cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn TP.HCM.

TP.HCM có xét nghiệm toàn dân?

Từ chiều 30.5, thông tin TP.HCM xét nghiệm cho toàn bộ người dân được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải và lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Trong bối cảnh TP.HCM xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, nhất là từ chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp), lấy mẫu toàn bộ người dân P.15 (Q.Gò Vấp) thì người dân lại càng quan tâm về việc lấy mẫu tầm soát.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành y tế xét nghiệm trên diện rộng toàn TP.HCM, trong đó tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao.
Vậy hiểu thế nào cho đúng việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng? Trao đổi với Thanh Niên tối 30.5, một lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định “việc TP.HCM xét nghiệm diện rộng không phải xét nghiệm từng người dân”.
Trong văn bản phát đi tối 30.5 về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, TP.HCM giao Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, trong đó ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm ngay các thành viên điểm bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi bầu cử và tất cả công nhân, người lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM phối hợp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường đại học Y Dược TP.HCM huy động sinh viên năm cuối tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo công suất 50.000 mẫu/ngày.
Sỹ Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.