'Trăm dâu đổ đầu giáo viên chủ nhiệm'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/10/2022 06:05 GMT+7

Ở nhiều nhà trường hiện nay, giáo viên chủ nhiệm thậm chí phải chủ nhiệm tới 2 lớp hoặc không được giảm số giờ dạy, trong khi đòi hỏi từ công tác này rất cao.

Nhiều ý kiến đề nghị vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cần được coi trọng từ đào tạo đến sử dụng.

Nhiều lúc căng thẳng đến mức trầm cảm

Một giáo viên (GV) THPT tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết ở trường cô mỗi GV phải chủ nhiệm tới 2 lớp. Ở cấp học mà lứa tuổi học sinh (HS) có rất nhiều vấn đề cả trong học tập và nền nếp thì nếu làm đúng chức năng của GVCN cho cả 2 lớp là không thể, bởi theo quy định hiện hành đòi hỏi rất cao. GVCN phải tìm hiểu và nắm vững HS trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng HS và của cả lớp, cộng với việc vẫn giảng dạy theo chuyên môn và vô số công việc khác nữa, nên việc sát với từng HS chỉ là mong muốn.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm cần được coi trọng

ĐÀO NGỌC THẠCH

GV này cho biết mỗi lớp có tới 2 nhóm Zalo hoặc Facebook để trao đổi, một nhóm là GVCN với phụ huynh (PH) mà không có HS; một nhóm là GVCN với HS mà không có PH. Như vậy, chủ nhiệm 2 lớp nghĩa là phải vào 4 nhóm như vậy để trả lời các câu hỏi, hòa giải mâu thuẫn trong các nhóm đó. “Cả ngày mệt nhoài ở trường, buổi tối về phải soạn bài, chấm bài rồi lại phải trả lời “bom” tin nhắn, thắc mắc, thậm chí chất vấn, khiếu kiện của PH và HS cả 2 lớp, nhiều lúc căng thẳng đến mức trầm cảm, chỉ muốn tắt điện thoại để dành chút thời gian ít ỏi cho gia đình mà không thể”, GV này tâm sự.

Cả ngày mệt nhoài ở trường, buổi tối về phải soạn bài, chấm bài rồi lại phải trả lời “bom” tin nhắn, thắc mắc, thậm chí chất vấn, khiếu kiện của PH và HS cả 2 lớp, nhiều lúc căng thẳng đến mức trầm cảm.

Một giáo viên THPT tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội)

Một lãnh đạo Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cũng từng nêu thực tế: do GVCN quá nhiều việc nên theo quy định của ngành GD-ĐT thì làm công tác chủ nhiệm sẽ được giảm mỗi tuần 4 tiết dạy học. Tuy nhiên, khi giao chỉ tiêu biên chế cho các nhà trường thì chỉ được tính đủ số GV theo kịch khung giờ dạy mà không được xét đến công tác chủ nhiệm. Nhất là trong bối cảnh thiếu GV như hiện nay thì có GVCN vẫn phải dạy thậm chí vượt số tiết/tuần theo quy định và vẫn phải chủ nhiệm lớp. Bởi vậy, nhà trường cũng phải rất thông cảm, động viên các GVCN, tránh gây áp lực lên họ.

Công tác chủ nhiệm phải được coi là nghệ thuật giáo dục ở tầm cao

Cần được trợ giúp, lắng nghe

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), chia sẻ: GVCN phải luôn được truyền cảm hứng từ những thành công, kể cả những lần vấp ngã và tự đứng lên của chính mình, của đồng nghiệp, sự cảm thông và lắng nghe của lãnh đạo, sự đồng hành của PH. Công tác chủ nhiệm phải được coi là nghệ thuật giáo dục ở tầm cao. Làm thế nào để các thầy cô giáo tự xử lý các vấn đề của mình, của lớp mình, HS mình, biết cách hóa giải các “vấn đề” ngay trong mầm mống, để không xảy ra chuyện lớn. Khi tự mình xử lý tốt, thầy cô có động lực phấn đấu, cảm thấy mình có giá trị và hạnh phúc hơn. Muốn vậy, nhà trường, hiệu trưởng cần lắng nghe, chia sẻ và trợ giúp, truyền cảm hứng, tạo động lực cho thầy cô.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý - giáo dục VN, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nơi được biết đến là trường sẵn sàng tuyển cả những HS “cá biệt” vào học, khẳng định: “Nếu không có đội ngũ GVCN thì tôi không bao giờ đạt được yêu cầu giáo dục HS”. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết do là trường ngoài công lập nên có thể thuận tiện hơn một chút về việc chủ động trả lương cho GVCN (khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng). Số tiền không nhiều nhưng để GVCN hiểu nhà trường coi trọng và yêu cầu cao với công tác chủ nhiệm. Dù vậy, nhà trường không “phó mặc” cho GVCN mà mỗi tuần đều có họp giao ban, trao đổi những việc khó. GVCN cũng được sự hỗ trợ của phòng tư vấn tâm lý tại trường…

Phải được đào tạo để làm chủ nhiệm lớp

Dưới góc độ của Phó chủ tịch Hội tâm lý - giáo dục, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng GVCN ở nhiều trường phổ thông hiện nay đều thiếu kỹ năng, nhất là kỹ năng phát hiện, ngăn chặn trước hoặc xử lý kịp thời để giảm hậu quả. Các nhà trường hiện nay không chú trọng bồi dưỡng GVCN để “truyền lửa”, giúp họ có đủ năng lực sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết tốt các tình huống giáo dục thì chúng ta có lỗi với những người phải đảm nhiệm công tác chủ nhiệm, có lỗi với các thế hệ học trò.

Từ thực tế đó, ông Tùng Lâm đề nghị Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm, các sở GD-ĐT cần sớm xác định và trả lại đúng vị trí, vai trò của GVCN: nhà quản lý, lãnh đạo, nhà giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông. GVCN phải là một chức danh quản lý trong nhà trường phổ thông, được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng lao động sư phạm mà họ bỏ ra. Không để tình trạng đùn đẩy làm công tác chủ nhiệm như ở một số trường hiện nay.

Bộ GD-ĐT và các trường sư phạm cần tập hợp những GVCN giỏi (không phải bằng thi GVCN giỏi) có hiệu quả giáo dục tốt được HS, GV, PH tín nhiệm, từ đó tập hợp kinh nghiệm giáo dục hay cho sinh viên các trường sư phạm học tập, giao lưu hằng năm.

Rất nhiều trọng trách được quy định với GVCN

Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của GV phổ thông, ngoài các nhiệm vụ đối với GV, GV làm chủ nhiệm lớp còn có những nhiệm vụ: tìm hiểu và nắm vững HS trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng HS và của cả lớp; phối hợp với gia đình HS và GV bộ môn, các đoàn thể trong hoạt động giảng dạy và giáo dục HS của lớp mình chủ nhiệm; nhận xét, đánh giá xếp loại HS cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật HS, đề nghị danh sách HS được lên lớp, danh sách HS phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ HS; tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện HS do nhà trường tổ chức; báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.