Trẻ rơi từ chung cư cao tầng: Phụ huynh vô tình “bắc thang” cho con!
02/03/2021 10:24 GMT+7
Vụ việc bé gái 3 tuổi trèo qua lan can ban công chung cư và rơi xuống dưới ở Hà Nội ngày 28.2021 đang khiến dư luận "dậy sóng". Vì sao một đứa trẻ có thể dễ dàng trèo qua ban công và Luật quy định thế nào về tiêu chuẩn xây dựng các hạng mục này để đảm bảo an toàn?
Tự động phát
Sự việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng cao của chung cư Nguyễn Huy Tưởng ở phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội vào chiều tối 28.2.2021 đang khiến dư luận xôn xao. Sau khoảnh khắc kinh hoàng bé gái rơi xuống từ tầng 12A của chung cư, may mắn, bé được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (quê ở xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) đỡ kịp thời trước khi rơi xuống mái tôn.
Sau sự việc, nhiều người đặt ra câu hỏi: trong thiết kế xây dựng, lan can chung cư cần đạt tiêu chuẩn thế nào, đặc biệt đảm bảo an toàn đối với những gia đình có con nhỏ?
Kiến trúc sư nói gì?
Qua sự việc bé gái trèo qua lan can ban công, nhiều người đặt câu hỏi: trong thiết kế xây dựng, có tiêu chuẩn nào được quy định đối với việc xây dựng hạng mục này mới được thi công hay không?
Kiến trúc sư Mai Duy Linh, đồng quản lý dự án thuộc công ty thiết kế T&Q Architects cho biết: “Về tiêu chuẩn an toàn, phần lan can ra ban công phải đạt tiêu chuẩn từ 1,2 - 1,4 mét. Đặc biệt chỉ có song đứng, không có song ngang. Nếu có song ngang nó sẽ trở thành cầu thang, các bé leo qua lan can đó gây nguy hiểm”.
|
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Tùng Anh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, thực trạng chung cư xây dựng các hạng mục lan can, rào chắn không đủ tiêu chuẩn không phải không có.
“Từ trước đến giờ cũng có nhiều vụ việc trẻ em leo qua lan can rồi. Một số chung cư giá rẻ làm phần lề dưới cao để tiết kiệm thép lan can. Còn thường chỉ làm chiều cao một viên gạch kèm theo lớp trát, khoảng 80-100cm. "
Theo anh Tùng Anh, trong quá trình tư vấn xây dựng nội thất cho các căn hộ chung cư, anh đều có những quy chuẩn làm việc riêng.
“Với tôi thì riêng thiết kế chung cư, tôi thường hỏi chủ nhà có trẻ em không? Nếu có thì sẽ yêu cầu luôn là làm lưới an toàn cho cửa sổ và lan can. Còn không thì tôi chỉ đề xuất thôi vì có thể sẽ có trẻ em qua chơi nhà. Không phải lúc nào mình cũng có thể theo sát được, có lúc cũng sẽ chủ quan hoặc không để ý” anh Tùng Anh cho hay.
Luật sư Lê Trung Phát (hãng luật Lê Trung phát) cho biết: “Thông tư 21 năm 2019 của Bộ xây dựng quy định về tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật nhà chung cư. Theo đó, đối với chiều cao của lan can, hành lang nhà chung cư có chiều cao không thấp hơn 1,4 mét tính từ sàn. Nếu phát hiện chung cư xây dựng các lan can không đủ chiều cao thì sẽ không nghiệm thu để đưa vào hoạt động. Đồng thời, có thể xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư tháo dỡ, xây hoặc bố trí lại để đảm bảo kĩ thuật”, luật sư Lê Trung Phát thông tin.
Thói quen đặt bàn ghế ở ban công
Thực tế cho thấy, hầu hết các ban công chung cư cao tầng hiện nay đều được tận dụng để làm không gian thư giãn, gia chủ thường kê các bàn trà hay ghế đọc sách phía ngoài. Trong khi đó lại bỏ qua một biện pháp bảo vệ quan trọng là lắp đặt các màng, lưới bằng cáp bảo vệ, mặc dù chi phí không hề đắt. Theo các kiến trúc sư, chính thói quen đặt bàn ghế hay các đồ gia dụng khác ở ban công đã vô tính “bắc thang” cho trẻ nhỏ trèo qua lan can dù có xây dựng đúng tiêu chuẩn cho phép.
|
Nhiều gia đình sống ở chung cư hay tận dụng không gian ban công để nghỉ ngơi, không gian xanh giống như khu vườn để mọi người có thể thư giãn sau mỗi ngày làm việc. Nhiều gia đình thường để ghế, bàn cà phê và điều này vô tình tạo ra những “bậc thang” để trẻ nhỏ có thể leo trèo, đu bám lên lan can.
Kiến trúc sư Mai Duy Linh cho biết: “Nếu phụ huynh không muốn lắp thì giống như một phần do họ chủ quan. Thứ hai họ nghĩ cáp an toàn gây không gian bị ngộp, gây tù túng, thay vì view rộng thoáng thì chặn bớt một phần nhỏ nhỏ”.
|
Phụ huynh vội vàng lắp thêm lưới bao ban công
Sau vụ việc bé gái 3 tuổi thoát chết trong gang tấc khi rơi từ tầng cao chung cư ở Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng đã phải ngay lập tức “nhìn lại” ban công nhà mình.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Trần Mỹ Liên (34 tuổi) hiện đang sống tại một khu chung cư ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết gia đình chị cũng đang rất lo lắng vì có hai bé nhỏ và đang sống ở trên tầng cao của chung cư.
“Căn chung cư của gia đình tôi có 2 ban công, một cái ở phòng ngủ của tôi và bé gái nhỏ, cái còn lại ở cạnh phòng khách. Ban công ở phòng ngủ thì chồng tôi đã cho bao lưới bảo vệ ngay từ khi mới chuyển đến ở. Dù giăng lưới thì sẽ mất view và không còn thông thoáng nữa nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hai bé, gia đình tôi đều thống nhất là phải lắp đặt” chị Liên chia sẻ.
|
Gia đình Chị Trần Mỹ Liên có hai bé, bé trai lớn năm nay 8 tuổi còn bé gái nhỏ vừa lên 3. Chị cho biết, sau vụ việc bé gái rơi chung cư ở Hà Nội, chồng chị từ chỗ làm đã ngay lập tức gọi điện về cho vợ để bàn bạc lắp thêm màng lưới bảo vệ ở ban công lớn phòng khách.
Trong khi đó, anh Trần Việt Dũng (35 tuổi), hiện đang sống ở một căn hộ chung cư tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết gia đình anh có con trai 5 tuổi, các bé trai thường hiếu động nên anh rất kỹ lưỡng trong việc đảm bảo an toàn ở ban công.
|
“Căn hộ của gia đình tôi có 2 ban công và tôi làm màng lưới thép bao kín lại cả 2 ban công đó. Dù sẽ không còn thông thoáng như lúc chưa lắp lưới nhưng để trẻ nhỏ an toàn tuyệt đối thì phải đảm bảo không có kẽ hở nào đủ lớn để trẻ lọt qua. Ngoài ra, khi bé chạy sang nhà hàng xóm chơi, tôi cũng dặn bé tuyệt đối không leo ra ban công và không đùa nghịch gần lan can” anh Dũng chia sẻ.
Phép màu đã đến với bé gái 3 tuổi ở Hà Nội khi người hùng xuất hiện và cứu sống em nhưng sự việc này chắc chắn sẽ là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh có con nhỏ đang sống ở chung cư hay các tòa nhà cao tầng.
Bình luận (0)