Trợ giá xe buýt phải gắn liền với sự gia tăng sản lượng hành khách. Thế nhưng mức trợ giá càng tăng, lượng hành khách chọn phương tiện này càng giảm. Điều này cho thấy giá cả không phải là yếu tố quyết định việc người dân chọn xe buýt hay không. Nếu tiếp cận ở khía cạnh đó, câu hỏi “có nên trợ giá nữa hay không” sẽ trở nên đơn giản. Trong hàng trăm bình luận của bạn đọc gửi đến Báo Thanh Niên liên quan đến bài Xe buýt ngày càng thất thế đăng ngày 9.7, hầu hết cho biết họ không chọn xe buýt vì sự bất tiện. Ví dụ có nhu cầu đi một đoạn đường ngắn nhưng phải mua vé hai lần; từ nhà tới trạm xe buýt và từ trạm xe buýt tới cơ quan, trường học... phải đi bộ khá xa; thời gian chờ đợi, di chuyển quá lâu; nhiều tài xế chạy ẩu, đến mức xe buýt được phong là “hung thần trên đường phố”; thái độ phục vụ chưa văn minh lịch sự; nhiều tuyến để cho hàng rong, móc túi hoành hành...
Với thực trạng này, giá có rẻ đến đâu thì chọn xe buýt cũng chỉ là “bần cùng bất đắc dĩ”. Nghĩa là trợ giá thì chỉ tốn tiền ngân sách chứ không thể khuyến khích người dân lựa chọn phương tiện này. Hay nói đơn giản là nên ngừng trợ giá vì không hiệu quả, ngoài việc tốn tiền thuế của dân. Đáng nói, trong khi xe buýt bất tiện như vậy thì xe máy lại quá tiện lợi. Nếu dùng xe buýt phải vất vả đi bộ ra trạm thì xe máy có thể luồn lách vào tận hàng cùng ngõ hẻm, đỗ xịch trước cửa nhà, quán ăn hay bất cứ nơi nào. Giá xe máy thì bao la lựa chọn, vài triệu đồng cũng sở hữu được cái xe “vẫn chạy tốt”. Thế nên xét trên mọi khía cạnh, xe buýt không thể “đấu” với xe máy. Trợ giá ngàn tỉ hay tăng thêm chục ngàn tỉ thì kết quả vẫn chỉ là không có khách mà thôi.
Thế nhưng một “siêu đô thị” như TP.HCM, Hà Nội không thể không phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà trọng điểm là xe buýt nếu muốn giảm ùn tắc, kẹt xe, ô nhiễm môi trường... Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán này? Câu trả lời là thay vì trợ giá, hãy giải quyết những bất tiện đã trở thành nỗi ám ảnh của những người đã, đang và đã có lần đi xe buýt như vừa nói trên. Muốn phát triển xe buýt, TP.HCM phải phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho xe buýt song song với việc hạn chế phương tiện cá nhân. Khi xe buýt tiện lợi, xe máy bị cấm thì người dân tất yếu sẽ lựa chọn phương tiện công cộng. Cũng xin lưu ý là nếu không có xe buýt kết nối thì mạng lưới metro mà TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ cũng không phát huy được hiệu quả.
Còn chừng nào chưa giải quyết được các vấn đề trên, thì trợ giá sẽ như muối bỏ bể. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, rất nhiều dự án cần ưu tiên, không nên tiếp tục bỏ hàng ngàn tỉ đồng vào những chương trình mà biết chắc không có hiệu quả như trợ giá xe buýt.
Bình luận (0)