TS Karikó Katalin (giữa) với những người bạn Việt Nam, là bạn học từ thời đại học ở Hungary |
TS Karikó cung cấp |
Là một trong 3 nhà khoa học được vinh danh tại Nhà hát Lớn tối 20.1 bởi nỗ lực phát minh ra công nghệ mRNA hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và nhiều vấn nạn trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người, TS Karikó Katalin còn đặc biệt ở chỗ, bà từng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với những người bạn Việt Nam.
Truyền thông thế giới đã tốn bao giấy mực về sự nghiệp khoa học đầy chông gai kể từ khi bà rời quê hương Hungary - mà theo bà thổ lộ, nếu cần chọn một, bà vẫn chọn Hung, vì nước Hung đã theo bà trong 67 năm cuộc đời - qua Mỹ lập nghiệp. Nhưng tuổi trẻ của bà với ký ức về các bạn Việt, thì còn ít được biết tới.
Thời kỳ hạnh phúc và vô tư
“Mọi điều tốt đẹp với tôi đều diễn ra ở Szeged”, TS Karikó Katalin hồi tưởng với báo giới về những năm tháng đại học và sau đó, khi bà bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu trên cương vị một nữ tiến sĩ trẻ, là tiền đề cho những phát kiến sau này của bà về công nghệ mRNA, nền tảng các vắc xin “thế hệ mới” kháng Covid-19 hiện tại.
Là học sinh giỏi, chăm chỉ và được học hỏi từ các thầy cô rất tuyệt vời - đặc biệt là trong môn hóa - sinh từ thời tiểu học ở thị trấn nhỏ Kisújszállás, năm lớp 8, cô nữ sinh Kati (tên thân mật của bà Karikó Katalin) được giải 3 trong kỳ thi sinh vật toàn quốc, một thành tích mà tới giờ, nhà khoa học vẫn còn rất tự hào khi nhắc lại.
Năm 1973, Kati theo học Khoa Sinh học tại Đại học Tổng hợp Szeged mang tên József Attila, thi sĩ nổi tiếng Hungary, cũng là cư dân Szeged. Sau khi tốt nghiệp, cô nhận Học bổng của Viện Hàn lâm khoa học Hungary và nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu sinh học Szeged, một cơ sở khoa học nổi tiếng của Hungary thời ấy.
Trong thời gian rất dài, học bổng ấy là “thành công” duy nhất của bà Karikó trong việc tìm kiếm kinh phí cho nghiên cứu của mình. Được làm việc với các đồng nghiệp và bậc thầy như Duda Ernő, Kondorosi Éva hay Tomasz Jenő, bà có cơ hội làm việc tại phòng thí nghiệm RNA, đặt nền tảng cho kiến thức mRNA của bà sau này.
Năm 1982, Karikó bảo vệ luận án tiến sĩ sinh học về đề tài tổng hợp và ứng dụng các phân tử RNA ngắn kháng vi rút. Về sau, TS Karikó nhớ lại những năm tháng đến trường ở Szeged - thành phố xinh đẹp, giàu lịch sử và văn hóa bên bờ sông Tisza ở miền Nam nước Hung - như giai đoạn “hạnh phúc và vô tư” của cuộc đời bà.
“Thời ấy, tôi muốn sống ở Hungary và hạnh phúc ở đó. Nhiều người muốn ra nước ngoài, nhưng tôi thì không”, bà chia sẻ với báo chí, và nói thêm rằng bầu không khí thời đi học với những ca khúc, ban nhạc tuyệt vời, khiến bà bây giờ mỗi lần nghe lại vẫn như được trở về thời thanh niên sôi nổi ấy, và là động lực để bà có thêm sức mạnh.
Tất cả thời kỳ này kéo dài cho đến năm 1985, khi Karikó lập gia đình, sinh con gái đầu cũng tại Szeged, nơi hơn 35 năm sau bà được bầu làm công dân danh dự. Vào đúng sinh nhật lần thứ 30, theo thói quen,
TS Karikó vẫn đi làm, và nhận được thư báo phải thôi việc vì “giảm biên chế”. Một quãng đời mới bắt đầu với bà, ở Mỹ.
Những người bạn Việt Nam
“Cô ấy là Hương, hãy liên hệ với cô ấy để có thêm thông tin về chúng tôi” - TS Karikó nói với chúng tôi từ tháng 12.2020, khi chúng tôi ngỏ ý muốn bà chia sẻ về những năm tháng đẹp trước khi quyết định lập nghiệp ở một vùng đất xa lạ gần như với hai bàn tay trắng, “bỏ tất cả những gì đang có, vé máy bay cũng chỉ một chiều”.
“Hương” ở đây, là chị Lê Lan Hương, một trong hai người bạn Việt Nam cùng lớp với bà Karikó, hiện sinh sống tại Nha Trang. Nhớ lại quãng thời gian ở Đại học Szeged, chị Hương chia sẻ: Lớp chị học so với các lớp khác có sinh viên Việt thì “chắc là tập thể đoàn kết và thân tình nhất”.
Chị Hương đặc biệt ấn tượng về những chuyến thăm gia đình các bạn cùng lớp vào năm thứ 4, trên tinh thần “vừa chơi vừa học”, mà như chị nhớ lại, “rất ấm cúng, giống như một gia đình lớn”. Đây cũng là điều mà TS Karikó còn nhớ như in: Trong dịp đó, chị Hương và cả lớp đã qua thăm nhà và gặp cha mẹ bà ở thị trấn Kisújszállás.
“Hương nói rằng các sinh viên Việt Nam khác rất ghen tị với cô ấy, vì qua các dịp “thăm gia đình” đó, cô được đi khắp nước Hung và làm quen gia đình các bạn học, cũng như hoàn cảnh sống của họ. Chúng tôi ngủ lại nhà bạn, và mỗi người giới thiệu về thành phố mình ở cho cả lớp”, TS Karikó hồi tưởng khi đang ở Hà Nội.
Về Việt Nam sau khi tốt nghiệp vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, chị Hương làm việc tại Viện Hải dương học (Nha Trang) cho tới khi về hưu năm 2015. Chị rất vui khi vẫn được bạn cũ quan tâm: Có lần chị nấu món súp cá “quốc hồn quốc túy” của Hungary rồi đưa lên Facebook, “thế mà Kati nhảy vô comment liền, dễ thương”.
“Lúc nào cũng rất quan tâm tới mọi người”
Đó là nhận xét của chị Hương về TS Karikó Katalin, người trong các trao đổi với chúng tôi, ngay từ lần đầu, đã gọi tên và nhắc đến một cách tự nhiên, thân thuộc như thể đó là người bạn chung. Cuộc tái ngộ của họ ở Hà Nội sau hơn 43 năm, cũng đầy lý thú và cảm động, thắm tình bạn hữu, đối với cả hai.
“Yến, Hương và tôi” - trong những giờ phút bận bịu nhất khi vừa đặt chân tới Hà Nội, bà Karikó vẫn dành thời gian gửi ảnh và chia sẻ những ấn tượng đầu của bà về Việt Nam, đặc biệt, về cuộc gặp mặt với hai người bạn cũ. Ngoài chị Hương, chị Yến là người thứ hai, sau khi về Việt Nam vẫn làm đúng nghề sinh học đã học tại Hung.
“Hương có nói rằng các bạn Việt Nam tốt nghiệp chuyên ngành sinh học ở Szeged đều trở thành thương gia hết rồi, chỉ còn Yến và Hương thôi”, bà kể với chút luyến tiếc, và gửi lại cho chúng tôi một loạt ảnh đen trắng về thời sinh viên cùng các bạn Hung và Việt. “Hương còn nhớ thạo tiếng Hung lắm”, TS Karikó vui vẻ chia sẻ.
Còn với chị Hương, gặp lại bạn học cũ sau hơn 43 năm, giờ đã là một “yếu nhân” quá nổi tiếng trên thế giới, “là một dịp quá đặc biệt và may mắn”: “Khi ôm lấy nhau xúc động lắm, chị đã rưng rưng nước mắt rồi”, chị nói trong trao đổi với chúng tôi ngay trước khi qua Nhà hát Lớn dự lễ trao giải VinFuture cho các nhà khoa học quốc tế.
“Hãnh diện và mừng vui” là cảm xúc của chị khi nghe tin TS Karikó thành danh với phát minh về công nghệ mRNA của bà.
Khi TS Karikó chuẩn bị sang Việt Nam, bà đã nhắn hỏi chị Hương có ra Hà Nội được không, chị nói sẽ cố gắng nhưng vẫn có chút ngần ngại vì dịch bệnh Covid-19. “Kati hồi âm là “Jujj de jó!” (Ôi, thích thế!), tự nhiên thấy thật thân thiết, không có khoảng cách giữa người nổi tiếng và người bình thường”, chị Hương cảm động.*
Trong phát biểu ngắn gọn khi được vinh danh trong nhóm 3 nhà khoa học nhận giải chính VinFuture Prize có thể thấy TS Karikó Katalin đã phải cố gắng kìm nỗi xúc động, chỉ trong 1 phút ngắn ngủi, nhưng bà cũng đã nhắc tới những người bạn Việt cùng học, đã cho bà biết “nhiều câu chuyện tuyệt vời về văn hóa Việt Nam”.
Trong vài ngày ngắn ngủi và dồn dập các chương trình cần tham dự, bà Karikó vẫn dành thời gian gặp gỡ, ăn tối cùng bạn cũ, và trong dịp giao lưu, vẫn bày tỏ sự khâm phục trước những người bạn Việt “vô cùng chăm chỉ” và có nỗ lực vượt khó lớn lao. Có lẽ sự gần gũi với những người bạn Việt cũng xuất phát từ phẩm chất cá nhân của bà, người đã trải qua những thập niên dài hết sức gian khổ ở quê hương mới, “không quen biết bất cứ ai”, “bị quẳng xuống nước sâu, phải học bơi cấp tốc để khỏi bị chìm nghỉm”, như bà nhiều lần thuật lại.
“Luôn vật lộn để sinh tồn, tiền thì ít, phải sống tằn tiện lắm”, “làm việc nhiều vô cùng nhưng có vẻ khi đã đạt được gì đấy thì lại luôn xảy ra chuyện để phải làm lại từ đầu”, tấm gương của TS Karikó Katalin không quá xa lạ với nhiều người Việt, có thể tìm thấy “lửa” và sự hứng khởi qua cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học lớn này.
Còn đối với chị Lê Lan Hương, khoảnh khắc tên người bạn cũ của chị được vang lên tại Nhà hát Lớn tối 20.1 cũng là thời khắc thật đặc biệt và đáng nhớ. “Niềm vui này lớn quá! Rất kiên định, đúng là Kati đã như vậy từ xưa đến giờ. Trân trọng lắm”, chị nhắn cho chúng tôi ngay lúc đó, và đây cũng là niềm vui chung của bà con Việt tại Hungary.
Bình luận (0)