Tuyển sinh 2023: Học ĐH hay CĐ dễ có cơ hội việc làm?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
12/03/2023 09:47 GMT+7

Học đại học (ĐH) có phải là cơ hội việc làm cao hơn học cao đẳng (CĐ), trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nên ôn thi như thế nào để hiệu quả nhất... là những câu hỏi mà không ít thí sinh đang băn khoăn.

Tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) hôm qua 11.3, học sinh đặt hàng loạt câu hỏi về ngành học, bậc học và cơ hội việc làm.

Những căn cứ để chọn học ĐH hay CĐ

Trước câu hỏi của một học sinh lớp 12 Trường THPT Đức Trọng về việc có nên học ĐH hay không và học ĐH có dễ xin việc hơn học CĐ, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng học ĐH hay CĐ đều có cơ hội việc làm như nhau vì việc làm phụ thuộc vào chính năng lực của mỗi cá nhân.

Tuyển sinh 2023: Học đại học hay cao đẳng thì dễ có cơ hội việc làm? - Ảnh 1.

Học sinh chăm chú nghe tư vấn

BÁ DUY

Tiến sĩ Nhân lưu ý: "Các em căn cứ vào năng lực bản thân, điều kiện hoàn cảnh gia đình và định hướng nghề nghiệp để quyết định chọn bậc học nào cho phù hợp. Không nhất thiết cứ phải học ĐH. Các em có thể chọn trường CĐ với chi phí thấp, thời gian học ít hơn, nhanh tốt nghiệp đi làm. Nếu muốn bằng ĐH, các em hoàn toàn có thể học liên thông và giá trị của tấm bằng này không khác gì bằng ĐH chính quy".

Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, phân tích thêm: "Trường CĐ chỉ đào tạo 2-3 năm với 70% thời lượng là thực hành. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp, các em có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp ngay mà không mất quá nhiều thời gian để đào tạo lại".

Theo thạc sĩ Dũng, hàng năm các doanh nghiệp đến Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đặt vấn đề tuyển dụng rất nhiều, từ 6.000-8.000 nhân lực, nhưng trường chỉ đáp ứng được khoảng 3.500 sinh viên tốt nghiệp. "Hiện nay nhu cầu tuyển dụng người tốt nghiệp CĐ, trung cấp rất lớn, quan trọng là các em có thái độ học tập tốt để trang bị cho mình tay nghề vững vàng thì cơ hội việc làm luôn rộng mở", thạc sĩ Dũng chia sẻ.

Ngành sư phạm Anh thi đánh giá năng lực chuyên biệt thế nào?

Nguyễn Văn Dũng, học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, thắc mắc về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cụ thể là ngành sư phạm Anh sẽ thi môn tiếng Anh hay môn gì khác?

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin: "Ở ngành sư phạm Anh, các em chỉ cần thi đánh giá năng lực môn tiếng Anh là đủ. Tương tự ngành sư phạm toán sẽ thi môn toán. Trường sử dụng kết quả thi này nhân hệ số 2 và cộng với điểm học bạ 6 học kỳ của 2 môn trong tổ hợp".

Tuyển sinh 2023: Học đại học hay cao đẳng thì dễ có cơ hội việc làm? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc trả lời thắc mắc của học sinh

BÁ DUY

Được biết, bài thi có 2 dạng câu hỏi: trắc nghiệm và câu hỏi trả lời ngắn. Theo thạc sĩ Quốc, thí sinh có thể tham khảo đề thi minh họa trên website của trường. "Khi thi, các em sẽ thi trực tiếp trên máy tính, được tổ chức vào 2 đợt thi là giữa tháng 5 và 7. Các em cũng có thể đăng ký thi cả 2 đợt, đợt nào có điểm cao hơn thì sử dụng để xét tuyển. Ngoài ra, các em cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tuy nhiên, phương thức này chủ yếu dành cho các ngành sư phạm nên yêu cầu thí sinh phải là học sinh giỏi lớp 12 mới đủ điều kiện xét tuyển", thạc sĩ Quốc cho biết thêm.

Cách ôn tập khối lượng kiến thức lớn nhất trong thời gian ngắn nhất

Đinh Gia Hân, học sinh Trường THPT Đức Trọng, đặt câu hỏi: "Em nên làm gì trước ngày thi một tuần và một ngày?"

Cô Cao Thị Thùy Trang, chuyên gia tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: "Chúng ta đã có một thời rất dài, cả một năm trời để học tập, ôn thi nhưng thực chất nhiều em lại dồn việc ôn thi vào thời gian trước một tháng, thậm chí một tuần hoặc 2-3 ngày trước ngày thi. Một quả bóng bơm càng nhiều càng căng thì nguy cơ bị nổ tung do không chịu được áp lực. Cũng như chúng ta, nếu bắt làm việc liên tục với cường độ quá cao trong một thời gian ngắn thì cơ thể và trí óc cũng không thể chịu được".

Để ôn tập được khối lượng kiến thức lớn nhất trong thời gian ngắn nhất, theo cô Thùy Trang, thí sinh nên chia nhỏ ra thành từng giai đoạn. "Chúng ta sẽ quên đi 80% kiến thức trong 24 giờ nếu chỉ học trước đó một ngày thi. Vì vậy nên cứ sau 24 giờ ôn lại kiến thức một lần, sau đó là 48 giờ, rồi sau một tuần và một tháng để biến trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Đồng thời, chúng ta có thể nhờ sự hỗ trợ của bạn bè bằng cách học nhóm, nhờ bạn học giỏi hơn hỗ trợ, đồng thời nhờ thầy cô giúp đỡ", cô Cao Thị Thùy Trang đưa ra lời khuyên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.