Tự động phát
Kyiv cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn ở các khu vực khác tại tỉnh Kharkiv thuộc đông bắc Ukraine.
Tại tỉnh miền đông Luhansk, Ukraine thông báo đã phá hủy các cây cầu để ngăn bước tiến của lực lượng Nga về phía các thành phố Severodonetsk và Lysychansk trong khu vực.
Lực lượng tấn công Nga đang tiếp tục pháo kích và không kích để duy trì sức ép lớn lên Severodonetsk và Lysychansk.
Nga được cho là đã kiểm soát 90% tỉnh Luhansk và đang cố gắng hoàn thành mục tiêu chiếm hoàn toàn khu vực này.
Tại vùng Donetsk, quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào Sloviansk. Nga đang tìm cách bao vây các đơn vị của Ukraine xung quanh thị trấn Lyman và kiểm soát khu định cư Drobysheve gần đó. Nếu kế hoạch của Nga thành công, lực lượng phòng thủ Ukraine ở Lyman có thể bị tấn công từ ba hướng.
Tình hình chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại các vùng thuộc miền đông Ukraine |
ẢNH: REUTERS |
Trong khi đó, trang The Kyiv Independent ngày 18.5 đưa tin Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng một số đơn vị thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 70 của Nga đã công khai từ chối tham chiến ở Ukraine. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga.
Một quan chức quân sự NATO giấu tên nói với CNN rằng liên minh quân sự này dự đoán cả Nga và Ukraine đều sẽ không có bước tiến đáng kể trong những tuần tới.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) nói đã ghi nhận hơn 6,3 triệu người Ukraine rời đất nước kể từ ngày 24.2, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc báo cáo tổng cộng 7.964 thương vong dân thường ở Ukraine, trong đó 3.778 người chết và 4.186 người bị thương. Cơ quan này cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trong một thông tin có liên quan, Bộ Quốc phòng Đức cho hay nước này sẽ gửi cho CH Czech 15 xe tăng Leopard 2 nhằm hỗ trợ nước này chuyển giao vũ khí hạng nặng giúp Ukraine kháng cự Nga.
Theo Reuters, CH Czech còn sở hữu nhiều chiếc xe tăng thời Liên Xô cũ mà các binh sĩ Ukraine quen sử dụng.
Hồi tháng trước, CH Czech được xem là nước thành viên NATO đầu tiên gửi xe tăng T-72 và xe chiến đấu bộ binh BVP-1 cho Ukraine.
Nga hôm 18.5 thông báo trục xuất 85 nhân viên ngoại giao, trong đó 34 người từ Pháp, 27 người từ Tây Ban Nha và 24 người từ Italy, để đáp trả động thái tương tự trước đó từ các nước này.Ba quốc gia trên nằm trong số các nước châu Âu đã trục xuất hơn 300 nhân viên ngoại giao Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24.2.
Liên quan đến việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm 18.5 thúc giục các nước thành viên NATO vận động "càng nhanh càng tốt" để đơn xin gia nhập của nước này sớm được phê chuẩn. Bà Marin nói: "Tôi nghĩ an ninh là vấn đề quan trọng. Quy trình phê chuẩn càng nhanh sẽ đảm bảo an ninh tốt nhất cho Phần Lan và Thụy Điển trong giai đoạn này".
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập vào NATO |
ẢNH: REUTERS |
Các đại sứ NATO hôm 18.5 gặp nhau với mục đích mở cuộc thảo luận ngay vào ngày Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập. Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên nói với The Washington Post rằng đại diện Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn nỗ lực đàm phán với lý do nước này vẫn cần làm việc về một số vấn đề.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận nước này đã chặn tiến trình đàm phán về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, song nhấn mạnh Ankara không chặn triển vọng gia nhập liên minh của hai nước Bắc Âu.
NATO hiện chưa bình luận về thông tin. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển cũng chưa lên tiếng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan phải ngừng hỗ trợ các nhóm bị nước này coi là khủng bố nếu muốn gia nhập NATO.
Trùng hợp với thời điểm 2 nước Bắc Âu xúc tiến gia nhập NATO, Phần Lan có thể trở thành quốc gia châu Âu tiếp theo bị Nga cắt khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Phía Phần Lan cho biết sẽ khởi kiện công ty Gazprom của Nga.
Bình luận (0)