Ứng phó Covid-19: Nở rộ mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa của người trẻ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/03/2020 08:08 GMT+7

Mùa dịch Covid-19 là thời điểm để những mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa thể hiện những lợi thế, giúp cộng đồng có thể chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Khởi nguồn tại Singapore, giữa năm 2019, Doctor Anywhere, mô hình khởi nghiệp  chăm sóc sức khỏe có sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia khoa học công nghệ và người trẻ quản trị doanh nghiệp, có mặt ở Việt Nam.

Gọi bác sĩ ở bất cứ đâu

Theo đó, trên một ứng dụng đã tải về điện thoại, người sử dụng có thể thực hiện cuộc gọi có hình ảnh (video call) với bác sĩ ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào để thực hiện tư vấn ban đầu. Nếu có thể chẩn đoán và kê đơn thuốc ngay, thuốc sau đó sẽ được giao tận nhà cho người bệnh ở Hà Nội, TP.HCM, muộn nhất trong vòng 3 giờ đồng hồ.
Nếu nhận thấy người bệnh phải thực hiện các xét nghiệm, chụp X-quang, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm tại các bệnh viện (BV) liên kết với hệ thống. Toàn bộ kết quả sau đó được đưa vào hệ thống, làm thành hồ sơ bệnh án điện tử của mỗi người, từ đó sẽ được theo dõi, quản lý về sức khỏe lâu dài.
Mô hình trên có sự kết nối với hơn 100 bác sĩ ở các BV công tại Hà Nội, TP.HCM, các thông tin về người bệnh sẽ được bảo mật.
“Ở các TP lớn, nhiều BV công bị quá tải, người ta phải tới BV từ sáng sớm, xếp hàng lấy số và chờ đợi rất lâu để tới lượt khám, nhưng thời gian được nhận tư vấn từ bác sĩ có thể không đủ do còn quá nhiều người bệnh đang chờ, bác sĩ cần phân bổ thời gian hợp lý cho mỗi bệnh nhân. Đặc biệt, mùa dịch Covid-19 này, nguy cơ lây nhiễm chéo khi tới nơi đông người là rất cao. Do đó những cuộc gọi video call, tư vấn trực tuyến, thời gian nói chuyện với bác sĩ lâu hơn, có đơn thuốc giao tận nhà sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và an toàn hơn trong bối cảnh này”, anh Nguyễn Thành Phan, 31 tuổi, CEO về lĩnh vực y tế công nghệ chia sẻ.
Theo anh Phan, thế mạnh của sản phẩm khởi nghiệp trên là công nghệ. Không chỉ cho người bệnh những tiện ích về tư vấn ban đầu, chăm sóc thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe để phòng bệnh, việc quản lý bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp... cũng dễ dàng hơn, khi các chỉ số sức khỏe được nhân viên y tế tới nhà đo hằng tháng, cập nhật trên mỗi hồ sơ điện tử, từ đó các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống, phác đồ điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn T hành Danh chia sẻ về tiềm năng khởi nghiệp lĩnh vực y tế công nghệ

Thúy Hằng

Khởi nghiệp lĩnh vực y tế công nghệ nở rộ

Doctor Anywhere chỉ là một trong nhiều mô hình khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ y tế, có thể chăm sóc sức khỏe từ xa đang phát triển tại Việt Nam. Doctor Bear do đội ngũ bác sĩ, giới công nghệ ở Việt Nam phát triển sắp hoạt động cũng có thể là đối thủ cạnh tranh của mô hình trên.
Bên cạnh đó, người ta có thể tải về các ứng dụng trên điện thoại thông minh như eDoctor, Bookcarer, Dr.Oh, YouMed...; sau đó dễ dàng đặt lịch khám online, tư vấn sức khỏe online, hoặc có nhân viên y tế tới tận nhà lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả cũng trên điện thoại...
Trong mùa dịch Covid-19, những ứng dụng trên cũng cung cấp nhiều thông tin liên quan số ca nhiễm ở Việt Nam và thế giới, đồng thời đưa ra lời khuyên chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh. Không thể phủ nhận bối cảnh Covid-19 khiến người ta quan tâm tới sức khỏe của mình và người thân hơn, đây cũng là cơ hội vàng để khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế.
Tại sự kiện giao lưu với các bác sĩ diễn ra tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM hôm 28.2, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Danh, chuyên gia tư vấn quản lý dự án và Digital startup ngành y tế, cho hay mô hình y tế từ xa ở Việt Nam đang có điều kiện để phát triển, làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, dân số đông ngày càng quan tâm tới nhu cầu chăm sóc sức khỏe...
Chúng ta có thể thấy sự phát triển của những công cụ chăm sóc sức khỏe công nghệ (Digital health tools) như đồng hồ thông minh theo dõi nhịp tim, bước đi, huyết áp; theo dõi bệnh nhân bằng các ứng dụng trên điện thoại; chăm sóc bệnh nhân từ xa. Theo bác sĩ Danh, tại nước ngoài, y tế từ xa (telemedicine) đã phát triển rất mạnh mẽ, người bệnh không cần tới BV, chỉ cần gọi điện thoại hình ảnh với bác sĩ, nhờ những công cụ kết nối phía người bệnh và thiết bị có thể đọc dữ liệu nơi bác sĩ, bác sĩ có thể chẩn đoán, kê đơn thuốc...
Tại Việt Nam, các ứng dụng hiện tại chỉ cho phép gọi, nhắn tin qua lại, trò chuyện với bác sĩ. Tuy nhiên, xu hướng sắp tới sẽ là sức khỏe kết nối, công nghệ sẽ đưa các nền tảng người bệnh, nhân viên y tế, BV, cơ sở chăm sóc sức khỏe... thành hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng.
Ý kiến
Những mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa có thể thay đổi thói quen không tốt của nhiều người, đó là thường bỏ qua thăm khám ban đầu với bác sĩ, chỉ ra tiệm thuốc, kể tình trạng và mua thuốc về uống. Dược sĩ không thể thay thế vai trò của bác sĩ. Những kết nối từ xa cho phép người bệnh, bác sĩ được trao đổi nhiều hơn, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người bệnh.
Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Thu Hương 
(tại Doctor Anywhere, Hà Nội)
Công nghệ ngày càng phát triển, những mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa qua các ứng dụng giúp người dân dễ dàng quan tâm tới sức khỏe của mình hơn, nâng cao sức đề kháng, bởi phòng bệnh luôn luôn hơn chữa bệnh, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Đỗ Đình Sơn 
(người khởi nghiệp, trú tại số 7 Phạm Viết Chánh, Q.1, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.