Môi trường văn hóa là gốc
Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 29.6 tại Hà Nội. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng văn hóa là sức mạnh nội sinh, tạo ra sức bật cho sự phát triển Việt Nam hùng mạnh. Ông cũng cho rằng ưu tiên xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh được cho là cái gốc của chiến lược văn hóa lần này.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, các hoạt động văn hóa, du lịch thường không có định lượng rõ ràng, gây khó khăn cho nhà quản lý. Để giải quyết vấn đề đó, Đại hội đồng LHQ đã giao UNESCO xây dựng bộ chỉ số văn hóa phát triển bền vững, là khung chỉ số với các chỉ tiêu đo lường, tăng trưởng đa chiều có sự đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững. “UNESCO luôn coi trọng việc hợp tác từ phía Việt Nam và đánh giá rất cao việc Việt Nam là một trong 12 quốc gia tiên phong thử nghiệm bộ chỉ số đo lường chỉ số văn hóa trong phát triển bền vững”, bà Hường nói.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến 2030, các chỉ số văn hóa cũng được lượng hóa. Chẳng hạn, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có bảo tàng, thư viện cấp tỉnh. Có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Có 95 - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65 - 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Có 8 - 10 giải thưởng Văn học ASEAN. Sản xuất 55 - 60 phim truyện/năm; 35 - 40 phim hoạt hình/năm; 45 - 50 phim tài liệu, phim khoa học/năm. Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết thủ đô đã dành nguồn lực đích đáng cho văn hóa. Thành phố cũng đã hoàn thành thống kê dữ liệu về công nghiệp văn hóa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sáng tạo. “Tập trung đầu tư phát triển các công trình văn hóa có tác động đến phát triển kinh tế, đặc biệt với văn hóa phát triển du lịch”, ông Dũng nói.
Băn khoăn chính sách “treo”
Dự thảo kế hoạch phát triển du lịch do Bộ VH-TT-DL soạn thảo đưa ra 7 vấn đề lớn: đánh giá, hoàn thiện thể chế; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững và phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy đánh giá: “Chương trình hành động của Bộ khá tổng thể, đánh giá được toàn diện các vấn đề du lịch hiện nay”. Ông Thủy cũng đề nghị Bộ tổ chức đánh giá sâu về du lịch trong thời gian sắp tới. Theo nhận định ông Thủy về giai đoạn 2021 - 2025, ảnh hưởng của dịch sẽ kéo tới năm 2023 nên cần căn cứ vào kết quả đó để tính chuyện phát triển bền vững.
Ông Thủy cũng góp ý về việc tuy luật nói đến việc ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch nhưng thực tế lại chưa thực hiện được. “Trong thời gian vừa qua, du lịch phát triển tốt nhưng việc huy động đầu tư vào ngành du lịch chưa có ưu đãi. Luật ghi là có ưu đãi lớn nhất, nhưng chưa thực hiện được nên chưa có sức thu hút đầu tư du lịch. Đề nghị xem lại để doanh nghiệp du lịch đầu tư được hưởng ưu đãi đúng”, ông nói.
Ông Thủy cũng đề nghị có hỗ trợ thêm với du lịch cộng đồng, hỗ trợ thay đổi nhận thức về kinh tế đêm. “Chúng ta chưa có gì cụ thể hỗ trợ du lịch cộng đồng. Tôi vẫn nói thu được 1 đồng từ du lịch cộng đồng còn giá trị lớn hơn 10 đồng từ khu du lịch lớn, vì nó hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Triển khai kinh tế đêm cũng cần có quy hoạch sao cho bền, chứ không phải xây dựng 1 - 2 khu phố rồi hoạt động vài năm lại bỏ đi”, ông cho hay.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, đưa ra 2 nhóm kiến nghị. Với Chính phủ là kiến nghị ưu tiên phát triển hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long, điều chỉnh giá điện và cho phép khách quốc tế ghé các đảo khác ở Kiên Giang rồi quay lại Phú Quốc xuất cảnh (hiện đang miễn thị thực cho người nước ngoài vào Phú Quốc). Với Bộ, ông đề nghị hướng dẫn thành lập Quỹ phát triển du lịch ở địa phương. Đặc biệt, ông Thái kiến nghị: “Mong mỏi được xúc tiến sớm hộ chiếu vắc xin”.
Bình luận (0)