Xem phim tránh nóng - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

01/12/2019 04:09 GMT+7

Cái nóng ở New Delhi khiến cho suốt những kỳ nghỉ hè ở đấy, cánh nghiên cứu sinh chúng tôi phải nghĩ ra cái mẹo tìm đến các trung tâm văn hóa để hưởng chút mát lạnh của điều hòa nhiệt độ.

Thời tiết ở Hà Nội đã gọi là cực đoan. Thời tiết ở New Delhi còn cực đoan hơn. Mùa đông có khi nhiệt độ xuống đến dăm bảy độ C, người Ấn quấn những cái khăn choàng như tấm chăn đi ra đường. Mùa hè thì khét tiếng quá đi rồi, nhiệt độ tăng vọt lên bốn lăm bốn bảy độ, nóng đến ngu người, nóng đến lờ đờ, nóng đến chậm chạp lười biếng. Người lao động chân tay hễ tìm được chỗ nào có bóng mát là lẩn vào, tựa vào gốc cây bờ tường mà ngủ chập chờn mê man. Người xứ nóng thường chậm và lười, trái ngược với người xứ lạnh. Đó là một tiên đề không phải chứng minh.
Ký túc xá ở Saket, phía nam Delhi, tiếng là ký túc xá cho nghiên cứu sinh nước ngoài, đã khá hơn ký túc xá cho người địa phương, nhưng không có điều hòa nhiệt độ. Phòng chung cho hai người, chỉ có mỗi cái quạt trần, chỉ quạt ra gió nóng khi mà nhiệt độ trong phòng cũng phải bốn mươi độ. Mười hai giờ đêm, tôi dội một xô nước xuống nền nhà. Nước tràn khắp căn phòng mười lăm mét vuông, nước lênh láng dưới gầm hai cái giường cá nhân. Chỉ ba mươi phút sau nền nhà đã khô cong. Lại dội một xô nước nữa. Ba mươi phút sau lại một xô nữa. Cứ thế. Khoảng hai giờ sáng thì căn phòng mới dịu hơn một tí. Lúc ấy mới dám nghĩ đến chuyện đi ngủ.
Đến mức ấy, ban ngày không thể ngồi đọc sách hay làm ăn gì được. Tôi cho sách vở vào ba lô, tìm đến các trung tâm văn hóa vốn mở cửa suốt từ mười giờ sáng đến mười giờ đêm. Ở những nơi ấy có điều hòa nhiệt độ. Người ta có ngân sách cho việc chống nóng. Trụ sở Hội đồng Anh. Nhà văn hóa Mỹ. Nhà văn hóa Nga, Trung tâm văn hóa Pháp, Ý, Hàn Quốc, vân vân. Ngồi suốt ngày như ăn vạ ở đó. Thư viện sẵn đấy, bao nhiêu sách có thể mượn đọc, không đọc thì giở sách vở của mình ra ghi chép nghiên cứu. Buổi chiều có thể xem một bộ phim. Buổi tối có thể xem phim hoặc múa cổ điển Ấn Độ Kathak, Bharatnatyam, hoặc đoàn múa dân gian các nước sang biểu diễn. Có khi may mắn, tôi còn được xem luôn cả một chương trình của nhà hát Ballet Belarus đang lưu diễn, các loại thiên nga nhón gót tung bay trên sân khấu, thiên nga già lẫn thiên nga non, thiên nga trắng lẫn thiên nga đen. Rồi còn may mắn nữa khi được xem nghệ sĩ kịch câm Marcel Marceau ở nhà văn hóa Pháp, năm ấy ông đã sáu mươi bảy tuổi rồi nhưng vẫn còn duyên dáng lắm. Nói ra ngoài lề, hôm ấy trên đường về, thằng Jiang người Trung Quốc cứ cằn nhằn tôi đã ép nó đi cùng. Nó không hiểu tại sao người ta đã lên sân khấu mà lại cứ ngậm miệng câm tịt rồi làm vài ba cái động tác lăng nhăng. Nó chỉ được an ủi bằng một buổi tối được ngồi trong khán phòng có máy lạnh để tránh nóng.
Chẳng phải chỉ có mình khôn. Có hôm tôi đến trung tâm văn hóa Ý, đã thấy thằng Sergio ngồi đồng ở đấy. Hôm khác đến nhà văn hóa Mỹ thì gặp vợ chồng Brian. Thế là thông tin cho nhau chỗ này chỗ kia có phim gì kịch gì. Thế là hẹn nhau lập thành một hội, càn quét hết các trung tâm văn hóa. Hôm nay nơi này ngày mai nơi kia. Chạy như nghệ sĩ chạy sô qua các trung tâm văn hóa. Đến nhà văn hóa Liên Xô xem phim Cái gương của Andrei Tarkovsky mà Ingmar Bergman coi là người đã tạo ra ngôn ngữ mới cho điện ảnh thế giới, bậc thầy thật nhưng mấy đứa đi cùng tôi cứ ngơ ngác cả ra trước cái kiểu phim không cốt truyện. Hôm sau, hai ngày liền đến nhà văn hóa Ý xem phim của Bernardo Bertolucci: 1900, tên tiếng Ý là Novecento, Thế kỷ hai mươi. Gérard Depardieu người Pháp và Robert de Niro người Mỹ đóng hai chàng thanh niên vai chính, cảnh hai tay này cùng vào trong nhà thổ, hàng họ bày hết ra vì bị đạo diễn bắt cởi sạch quần áo, nghệ sĩ lớn thì cũng phải cởi.
Rồi chúng tôi chạy sô đến trung tâm văn hóa Hungary ở đầu phố Janpath. Xem phim Mephisto, phim được giải Oscar năm 1981 của đạo diễn István Szabó. Xem cái day dứt dằn vặt của một nghệ sĩ đóng vai quỷ Mephisto chấp nhận hợp tác với chính quyền phát xít để được nhận vai lớn và để có danh tiếng. Ông ta đóng vai quỷ, nhưng trong đời thật ông chính là nhân vật Faust, kẻ bán linh hồn cho quỷ.
Cứ thế suốt mùa hè. Chiến dịch đi tránh nóng hóa thành một chương trình xem phim xem kịch xem múa. Triền miên.
***
Chính ở nơi xem phim Mephisto, tôi gặp Violetta.
Cô gái người Hung tóc vàng ngồi coi thư viện. Chưa đến giờ xem phim, tôi vẫn ngồi trong thư viện đọc cuốn sách về đất nước con người Hungary. Say sưa thế nào mà cuối cùng cô tóc vàng phải đến nhắc. Hình như anh đang chờ xem phim Mephisto, phim bắt đầu rồi đấy.
Vậy là quen. Sau buổi chiếu, chúng tôi chuyện trò về bộ phim vừa xem. Violetta bảo cô đã xem phim này ba lần rồi. Tôi thán phục. Đấy không phải là loại phim giải trí, đấy là phim rất nhiều ẩn dụ và triết lý. Vio kể vanh vách nhân thân sự nghiệp của đạo diễn, của mấy diễn viên chính Klaus Maria Brandauer, Krystyna Janda, Ildikó Bánsági. Tuần sau đó, tôi lại đến để ngồi đọc sách suốt ngày và xem phim Đại tá Redl, của cùng đạo diễn Szabó. Bây giờ thì việc suốt ngày ngồi trong thư viện còn là để thỉnh thoảng ra ngoài hành lang chuyện trò một lúc với Vio.
Thì ra Vio không phải là cô thư viện như tôi nhầm. Chị của cô mới là chuyên viên văn hóa của trung tâm này. Chị cô lấy chồng người Ấn. Cô từ Hungary sang thăm chị, lại sang đúng mùa hè chảy mỡ có chết con người ta không. Không. Bên xứ tôi lạnh lẽo, chỉ có mấy tháng mùa hè ấm áp cho người ta du ngoạn hưởng thụ thiên nhiên. Bên này là xứ nhiệt đới, nóng thì nóng thật nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị.
Rồi chị của Vio xuất hiện. Một thiếu phụ khoảng băm lăm băm bảy tuổi, cũng tóc vàng. Chỉ có giống nhau mái tóc vàng, còn thì cứ như không phải hai chị em. Tôi đoán, chắc một người giống nội một người giống ngoại. Vio tầm mét sáu, gương mặt đầy đặn, trong khi chị Johanna mặt xương xương cao lớn, cỡ gần mét tám. Cao như thế cho nên khiếm khuyết của chị càng dễ nhận ra. Chân trái của chị bị tật. Chị phải vừa đi vừa bám vào lan can hoặc bàn ghế, hoặc khi không có chỗ bám nữa thì mỗi bước đi là một lần dúi xuống bên trái. Nói về một người phụ nữ, người ta không nỡ dùng chữ ấy, còn nói cho chính xác thì chỉ một chữ: thọt.
Chị Johanna bị thọt. Sau này Vio kể rằng chị ấy bị sốt một trận thập tử nhất sinh năm lên chín, đến khi dậy được thì thành ra như vậy. Nhưng như một sự kỳ diệu, chị lấy được chồng. Những cô sáng nước xinh đẹp thì chọn cuộc sống độc thân hoặc không ai lấy, còn chị Jo tàn tật lấy được chồng, mà lấy chồng khá sớm. Hăm ba tuổi, vừa vào làm việc cho một công ty hóa chất thì chị gặp anh Suresh. Người thanh niên từ Ấn Độ sang kết nối hợp tác giữa hai công ty gặp Jo thì cảm ngay, cả hai người đều yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Suresh đưa ngay Jo về Ấn Độ, đối với Vio thì như vậy cũng giống như đại bàng cắp mất công chúa. Hằng năm cô phải theo sang New Delhi không chỉ là đi thăm chị mà như là đi đòi lại công chúa. Nhưng chị cô hoàn toàn sung sướng với cái xứ nhiệt đới xa lạ mà trước đó chị nghe nói là toàn bị đánh bom khủng bố trên xe buýt tàu hỏa, sang thì mới thấy nó còn bình yên hơn cả bên Âu. Vio nhìn thấy sự an lành ấy toát ra từ thần thái chị mình. Cặp vợ chồng trẻ quấn vào nhau đến mức chỉ ba năm đầu hôn nhân đã đẻ toèn toẹt ra hai đứa con. Con lai. Con lai Ấn - Âu thì biết chúng nó đẹp như thế nào rồi đấy.
Tôi sẽ không sa vào công thức cải lương, sẽ không kể những đắm say dập dìu ở New Delhi. Cũng không kể những nhớ nhung khắc khoải khi Vio đã quay về Hung, giữa chúng tôi là vạn dặm đường xa cách trở Âu - Á. Tránh công thức. Tránh lạm dụng cảm xúc nhằm tạo dựng sự éo le cho câu chuyện. Xin lướt qua để kể tiếp về chuyến tôi bay sang Hung mùa hè năm sau. Chọn mùa hè, tôi chủ ý đi trốn cái nóng được một tháng. Hồ Balaton mênh mông trong vắt chạy dài gần hai trăm cây số. Thủ đô Budapest người ta gọi là Tiểu Paris, vào loại sầm uất ở Đông Âu thời ấy. Thành phố chia làm hai bên, con sông Danube ở giữa, gợi nhớ bản Danube xanh của Strauss. Vio dẫn tôi lang thang khắp hai nửa Buda và Pest. Vào cả những trung tâm văn hóa nước ngoài xem nó khác những trung tâm ở New Delhi như thế nào. Vào cả những thư viện lùng xem cuốn sách của tôi dịch ra tiếng Hung xếp ở thư mục nào trên giá sách nào. Hết cả một tháng trời mà cũng chẳng tìm thấy. Kiến thức là mênh mông. Biển sách là mênh mông. Càng bơi càng chẳng thấy bờ.
Vio ở với mẹ. Bà mẹ góa chồng sớm, cứ ở vậy mà nuôi hai đứa con gái, một đứa tàn tật. Bà cao lớn, như vậy là chị Jo giống mẹ. Bà bảo tôi mày xong chương trình bên Ấn Độ thì sang đây đi, ở ngay trong cái nhà này, con Vio trong ngành hàng không, hằng năm nó lo được cho mày cái vé về Hà Nội thăm nhà, thế là cũng bớt nhớ nhung quê hương xứ sở.
Tôi muốn quá đi chứ. Những năm ấy ở quê nhà vừa mới xong thời bao cấp nhưng đổi mới vẫn dùng dằng chập chững. Xứ Little Paris này là một chốn nương thân đầy cảm hứng. Nhưng. Sự đời bao giờ cũng có cái nhưng. Nhưng trong cơn say vẫn có cái tỉnh. Tỉnh là ở chỗ tôi chỉ mê khám phá những xứ sở khác theo kiểu ham khám phá miền đất lạ. Chỉ muốn làm du khách. Làm khách thì được quý. Khi anh từ bỏ địa vị người khách, anh trở thành dân ngụ cư, anh không được quý như khách nữa, anh đã từ bỏ địa vị được quý mến.
Có khi cũng chẳng nghĩ được kỹ càng đến thế. Chỉ biết là tôi đã quay ngược lại mời bà mẹ sang Hà Nội. Thay cho việc tôi sang Budapest thì bà hãy sang Việt Nam cùng với Vio và tôi. Lương hưu của bà thì nhờ người lĩnh hộ lâu lâu gửi sang cho bà tiêu. Vio thì có thể tìm một công việc gì đó ở Hà Nội. Cô vốn thích những trải nghiệm ở xứ nhiệt đới mà.
Bà mẹ không cần nghĩ ngợi nhiều mà nói ngay. Tao già rồi, chẳng biết còn mất lúc nào, chẳng đi đâu được nữa, ở lại đây nhỡ có chết thì không chết xa nhà. Có hai đứa con gái thì một đứa sang Ấn Độ, bây giờ một đứa lại sang Việt Nam thì có khi chết mà không được nhìn lại mặt con. Tao không sang Ấn Độ cũng không sang Việt Nam, nhưng chuyện của hai đứa thì tùy hai đứa định liệu với nhau.
Sau một tháng tôi quay về Ấn Độ. Kể tiếp những tháng ngày sau đấy nhớ nhung khắc khoải thao thức dằn vặt tức là lại sa vào chuyện tình công thức. Thôi. Tôi chỉ hay nghĩ đến việc anh Suresh lấy được chị Jo thọt chân mà nâng niu như báu vật, như chẳng có ai đẹp hơn chị trên đời. Tôi nhớ đến một cặp chồng Ấn vợ Hung khác gặp trong một bữa tiệc Giáng sinh ở nhà chị Jo: anh Ramesh băm tám tuổi lấy chị vợ Agnes năm mươi hai. Ramesh ra đời ở Sài Gòn năm 1952 khi cha mẹ anh sang đấy làm ăn cho một hãng buôn Ấn Độ, rồi năm 1965 chiến sự bắt đầu ác liệt, họ hồi hương về New Delhi. Anh còn nhớ được mấy câu tiếng Việt, anh gọi tôi bằng giọng Sài Gòn: Bà coong ơi. Anh mê chị Agnes hơn mình mười bốn tuổi không sinh nở gì được nữa, anh cũng cắp ngay chị từ Hungary về Ấn Độ như đại bàng cắp công chúa. Rồi họ đến nhà trẻ mồ côi nhận một đứa con nuôi. Chị Agnes da trắng cứ ôm ấp nựng nịu thằng bé da nâu, kiểu mẹ gà con vịt, khiến tôi không khỏi có lúc ngỡ ngàng.
Hai cái người đàn ông Ấn này, chắc có lý do rằng họ thuộc về một dân tộc sinh ra nhiều thứ tôn giáo, tôn giáo nào cũng khích lệ lòng từ bi và khoan dung. Phật bảo: tình thương là cái tên thứ hai của niềm tin, diễn nôm ra là lòng tin có trước tình yêu có sau. Họ yêu nhau hình như không chỉ là tình yêu mà có điều gì giống như đức tin như từ thiện.
***
Một thời gian sau bà mẹ từ Budapest sang thăm con thăm cháu. Bà đưa cho tôi bức thư tay của Violetta. Cô kể rằng rốt cuộc cũng tìm được tập truyện của tôi dịch ra tiếng Hung. Nó có trong một thư viện nghiên cứu khoa học xã hội, chỉ như thế cũng đủ cho cô trách những thư viện lớn quản lý sách không tốt, để thất lạc hết cả. Cô đã nhờ dịch vụ của thư viện sao cho một bản photocopy. Không dễ dàng đến thế. Thư viện ngại vi phạm bản quyền, không muốn sao, cuối cùng ông phó giám đốc linh động bằng cách đề nghị cô viết mấy dòng cam đoan chỉ sử dụng bản photocopy cho việc nghiên cứu của cá nhân. Vio đã cầm được bản chụp về và đã đọc. Hân hoan như thể cuối cùng cũng tìm ra được một lục địa mới.
Năm sau Vio sang Delhi vào mùa đông, mùa đông xứ Ấn khô ráo, nắng vàng rực rỡ, hoa nở tưng bừng, mười bốn độ C xứ Ấn thì được người Âu coi là mát mẻ. Chúng tôi đi với nhau được một tháng mùa đông ấy. Năm sau nữa thì tôi về nước.
Rồi bẵng đi vài chục năm. Cuối năm 2014, tôi quay lại New Delhi, có ghé trung tâm văn hóa Hungary thăm chị Johanna, có đến nhà chị ăn một bữa cùng chị và anh Suresh. Hai đứa con đều đã có gia đình, giờ một đứa ở Anh, một đứa ở Thụy Sĩ. Chị vẫn như thế, vẫn tập tễnh đi lại trong trung tâm đi lại trong nhà. Ông kỹ sư hóa chất Suresh giờ đã về hưu, nhưng cách một ngày lại đi dạy một buổi miễn phí ở một trường từ thiện cho trẻ em nghèo.
Rồi tôi hỏi thăm về Violetta. Vẫn thế. Cô vẫn làm trong ngành hàng không. Cô vẫn sống cùng mẹ. Ô, hai mươi tư năm trước nếu bà mẹ chấp nhận sang Hà Nội thì đến bây giờ bà vẫn không phải lo chết xa quê hương. Thôi, nghĩ thì nghĩ vậy chứ không phải là trách móc.
Chị Jo kết nối lại, vài tuần sau tôi nhận được thư điện tử của Violetta. Chuyện nhà chuyện cửa, chuyện phố phường, chuyện công ty. Chuyện ông đạo diễn István Szabó người Hung vẫn tiếp tục làm những bộ phim gây xôn xao trong những liên hoan phim quốc tế. Rồi cái phần tái bút của Violetta dường như mới đầy cảm hứng: phải khẳng định rằng tin tức về Hungary từ khắp thế giới, nhất là tin tức của Mỹ và phương Tây, là thông tin sai, hoàn toàn sai. Ở đây dân chúng đã có một nền dân chủ chưa từng có trong đời mình, một thủ tướng có trí tuệ, có năng lực và có trách nhiệm được người dân tái cử. Trong cuộc đời năm mươi ba tuổi của mình, Vio chưa từng thấy ai làm được như thế cho đất nước, cho nhân dân, để phát triển và để được độc lập, để được trở về với giá trị tinh thần.
Tôi đọc những dòng thư như vậy mà lại thấy rưng rưng. Nghĩ, chẳng qua hồi ấy không lấy được nhau, có lẽ không lấy nhau nên vẫn còn lưu luyến được thế này. Chứ hồi ấy mà lấy nhau thì bây giờ đọc thư toàn chuyện xã hội chính trị chẳng biết có còn rưng rưng được hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.