"Làm nông dân cũng tốt mà thầy, cuộc sống nhẹ nhàng hơn", học trò cũ chốt một câu chắc nịch sau khi nghe tôi kể lòng vòng về nghề nghiệp, thu nhập, những trở ngại sắp đến trong công việc và ý định ngày nào đó nghỉ dạy, về làm vườn.
Phần ấm áp nhất còn lại có lẽ là mỗi khi đứng trên bục giảng
Sau 9 năm dạy học, sau cái hăm hở buổi đầu khi vừa tìm được chỗ làm dù ra trường hơn 2 năm trước đó, giờ đây với tôi, công việc không còn quá quan trọng nữa. Nghỉ việc về nhà làm vườn cũng vậy, có khi khỏe hơn, bớt rầu rĩ và chậm già chút đỉnh.
Phần ấm áp nhất còn lại có lẽ là mỗi khi đứng trên bục giảng, đối diện với học trò (ảnh minh họa) |
đào ngọc thạch |
5 năm trước, khi có cơ hội, tôi vẫn kiên định chọn con đường dạy học, tiếp tục học lên cao học chuyên ngành phương pháp giảng dạy, thay vì rẽ sang công việc quản lý trong trường. Đến thời điểm này, khi không còn cái nhiệt thành như xưa, tôi vẫn thấy quyết định của mình là đúng. Ngay từ đầu, chẳng có người nào muốn giàu sang, có chức vụ, địa vị xã hội mà lại đi chọn nghề thầy giáo.
Nhưng những sóng gió liên tiếp trong công việc, cuộc sống, áp lực cơm áo gạo tiền, ánh nhìn của xã hội... khiến nhiệt huyết trong tôi nguội lạnh dần. Phần ấm áp nhất còn lại có lẽ là mỗi khi đứng trên bục giảng. Đối diện với học trò quê, đa số là con nhà nghèo, nhìn cái lớp ngơ ngác, luộm thuộm, đáng thương, tôi không cho phép mình xuề xòa với kiến thức, xuề xòa với những lời nói, hành động, cử chỉ của mình. Chỉ mong tụi nhỏ sẽ nhanh lớn, nhanh trưởng thành, vững bước trên đường đời.
Dạo gần đây, truyền thông liên tục đưa tin về việc giáo viên ở nhiều nơi xin nghỉ dạy. Đọc câu chuyện cuộc đời của thầy cô, tôi thấy bản thân mình còn may mắn, sung sướng hơn nhiều. Những khó khăn mình đã qua không thấm vào đâu so với các thầy cô đã dành gần trọn cuộc đời mình để gắn bó với bục giảng, mà cuối cùng cũng không thể trụ lại.
Câu hỏi đặt ra là: Vấn đề nằm ở đâu? Vì sao một nghề được cả xã hội công nhận là nghề cao quý nhất; vì sao người làm nghề được cả xã hội tôn vinh, dành toàn những từ ngữ tốt đẹp khi nhắc đến, cuối cùng lại khó sống được với nghề của mình?
Một câu trả lời hoàn chỉnh có lẽ rất phức tạp. Vấn đề lớn, liên quan nhiều yếu tố, chắc không có ai trả lời ngay được. Từ góc nhìn của tôi, có 2 điều quan trọng nhất, cần kể đến.
Giáo viên thuộc nhóm lao động bán chất xám rẻ nhất trong xã hội?
Trước tiên, có lẽ trung bình thu nhập thực tế của giáo viên nằm trong nhóm thấp nhất của những ngành nghề phải qua đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhấn mạnh lại là thu nhập thực tế, vì nhiều người sẽ lấy bảng hệ số lương theo quy định ra rồi khẳng định giáo viên thuộc nhóm được trả lương cao nhất trong đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên, thu nhập thực tế là một câu chuyện rất khác.
Với nhiều giáo viên, chọn nghề dạy học vì thấy vui, thấy hài lòng về công việc mình làm, được rèn luyện kiến thức, nâng cao trình độ, được giao tiếp với thế hệ trẻ hơn |
đ.n.t |
Nói nôm na, giáo viên là nhóm lao động bán chất xám rẻ nhất trong xã hội. Cùng là một người, nếu từ đầu chọn một ngành nghề khác, đi làm công việc khác, bỏ ra công sức, thời gian và trí tuệ tương đương, có lẽ sẽ nhận được cơ hội thu nhập cao hơn nhiều lần.
Nói cho cùng, "có thực mới vực được đạo". Trong khi mỗi người xung quanh đều nhận được 2 đồng để làm công việc tương xứng mức đó, không thể bỏ ra 1 đồng để thuê người làm việc mà đáng ra họ phải được trả 3 đồng.
Tuy nhiên, với nhiều người, đồng lương cũng chưa phải là yếu tố quyết định toàn bộ. Khi chọn con đường dạy học, tôi tâm niệm rằng mình "chấp"... mấy đứa bạn. Bạn bè sẽ giàu, có thu nhập cao, có địa vị xã hội gấp nhiều lần so với mình. Nếu chọn con đường khác, mình cũng có cơ hội nhận được những thứ tương tự.
Nhưng đó đâu phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi chọn nghề dạy học vì tôi thấy vui, thấy hài lòng về công việc mình làm. Công việc giúp tôi luôn được rèn luyện kiến thức, nâng cao trình độ, được giao tiếp với thế hệ trẻ hơn, không phải đối mặt với áp lực kinh tế và một số vấn đề khác không thuộc môi trường sư phạm.
Niềm vui dạy học mất đi vì những thứ nằm ngoài chuyên môn
Đương nhiên dạy học cũng là một nghề như mọi nghề trong xã hội, phần lớn giáo viên cũng là viên chức sự nghiệp công lập, được trả lương để bù đắp sức lao động, nhưng nếu chỉ vì thu nhập, tôi đã không chọn nghề dạy học.
Vậy điều gì khiến cho niềm vui mất đi? Phần lớn đó là những thứ nằm ngoài chuyên môn giảng dạy. Những thay đổi liên tục, chóng vánh, những áp lực từ nhiều phía, những bất cập, phiền hà, những thứ im lặng thì day dứt còn lên tiếng vướng vào một mớ bòng bong rắc rối. Chúng chiếm hết thời gian, trí óc mà đúng ra tôi sẽ dành cho chuyên môn, cho học trò. Dần dà, vì thời gian để thật sự tập trung cho dạy học bị teo tóp dần, hứng thú, niềm vui của tôi với nghề cũng sụt giảm theo.
Rồi năm tháng qua, tuổi trẻ xa dần trong khi tương lai hên xui theo từng thời điểm, thu nhập bấp bênh, niềm vui bị cắt xén, tôi còn lại gì với nghề dạy học?
Ít nhất khi đã chấp nhận sống cả đời với mức thu nhập từ trung bình trở xuống thì đổi lại là sự hài lòng, tự hào, hạnh phúc với công việc.
Một buổi hội thảo với chủ đề mang hạnh phúc đến cho học sinh. Để học sinh hạnh phúc thì trước tiên người thầy phải hạnh phúc. |
đ.t.đ |
Đó là còn chưa kể cái nhìn của xã hội đã dần chuyển từ quý trọng, tôn vinh người thầy sang tầm thường hóa người làm nghề dạy học, mà phần lớn dựa trên mức thu nhập "thua đứa học hết lớp 9 đi làm thợ hồ, công nhân may".
Đọc báo, thấy một lãnh đạo muốn học trò hạnh phúc thì trước tiên người thầy phải hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ vậy. Nếu một ngày cảm thấy không hạnh phúc với việc đứng trên bục giảng nữa, tôi sẽ dừng lại để tránh lây lan cái cảm giác kém hạnh phúc sang thế hệ tương lai.
Tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn con đường dạy học, nhưng trong hoàn cảnh như vầy, có lẽ đến một thời điểm nào đó, tôi sẽ rẽ sang con đường khác, hoặc an nhàn hơn, thoải mái hơn, hoặc dữ dội hơn, quyết liệt hơn nhưng đạt được những điều tương xứng.
Vì sao giáo viên nghỉ việc?
Bình luận (0)