Tự động phát
Cư dân sống gần nơi các thi thể xuất hiện ở bang Uttar Pradesh lo sợ đó là những nạn nhân của đại dịch Covid-19.
Ấn Độ đang chìm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 với hơn 25 triệu ca nhiễm bệnh và 275.000 người chết. Các chuyên gia cho rằng con số thực còn cao hơn nhiều lần.
Nỗi kinh hoàng ở Uttar Pradesh lần đầu xuất hiện trên báo chí vào ngày 10.5 khi 71 thi thể dạt vào bờ sông ở làng Chausa.
|
Theo nhà chức trách, một số hài cốt có thể là các bộ phận cơ thể đã trôi nổi trên sông Hằng sau khi được hỏa táng, nhưng cũng có nhiều thi thể có thể đã bị vứt xuống sông Hằng. Chính quyền đã phải giăng lưới để vớt xác chết.
Một ngày sau đó, hơn 10 thi thể đã phân hủy nặng được phát hiện trên bờ sông ở làng Gahmar, cách Chausa 10 km, thu hút nhiều chó hoang và quạ. Cảnh sát cũng đã thu thập 62 thi thể trương phồng và đang phân hủy khác ở quận Ballia gần đó.
Tại Kannauj, Kanpur, Unnao và Prayagraj, trên bờ sông xuất hiện nhiều ngôi mộ nông. Ngoài ra, tại Mahadevi, ít nhất 50 thi thể đã được tìm thấy.
|
Theo truyền thống, người theo Ấn Độ giáo sẽ hỏa táng người thân đã chết. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng theo tập tục “Jal Pravah” - thả trôi sông thi thể trẻ em hoặc những người chết vì bệnh truyền nhiễm hoặc bị rắn cắn.
Nhiều người nghèo ở Ấn Độ cũng không đủ khả năng chi trả phí hỏa táng. Vì vậy, họ quấn thi thể người chết trong vải trắng và đẩy xuống sông. Do đó, khi chưa có dịch Covid-19, cảnh tượng thi thể người chết trôi trên sông Hằng cũng không hiếm gặp.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lúc này là có quá nhiều thi thể xuất hiện trong một thời gian ngắn, và ở nhiều địa điểm dọc bờ sông. Người dân cũng lo sợ những thi thể bị chôn dưới cát sẽ bắt đầu trôi xuống sông khi mưa lớn và mực nước dâng cao.
|
Một nhà báo ở Kanpur cho biết các xác chết trôi sông này là bằng chứng cho thấy “sự khác biệt lớn giữa số liệu tử vong vì Covid-19 chính thức và con số thực tế của Ấn Độ”.
Sông Hằng là một trong những con sông lớn nhất thế giới. Người theo Ấn Độ giáo xem đây là địa điểm linh thiêng. Họ tin rằng tắm rửa ở sông Hằng sẽ giúp tẩy rửa các tội lỗi của họ và sử dụng nước sông Hằng cho nhiều nghi lễ tôn giáo.
Tuần trước, chính quyền đã cấm tập tục “Jal Pravah” và hỗ trợ tiền cho các gia đình nghèo không đủ khả năng chi trả phí hỏa táng.
Bình luận (0)