Cách tiêm 'trộn lẫn' 2 loại vắc xin Covid-19 hiệu quả đến đâu?

21/06/2021 16:28 GMT+7

Đài NPR của Mỹ đưa tin một số quốc gia trên thế giới đã quyết định áp dụng chiến lược tiêm cùng lúc 2 loại vắc xin ngừa Covid-19 khác nhau vì thiếu hụt vắc xin và vì nhiều phản ứng phụ không báo trước.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cho phép kết hợp 2 liều vắc xin Pfizer/BioNTechModerna trong những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như khi thiếu vắc xin hoặc người được tiêm không rõ nguồn gốc của mũi tiêm đầu.
Mỹ cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tiêm liều tăng cường bằng vắc xin khác cho người trưởng thành từ đầu tháng 6.2021 và đang đợi kết quả.
Từ ngày 17.6, Canada khuyến nghị các tỉnh bang nên tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho liều thứ hai nếu mũi tiêm đầu là vắc xin AstraZeneca.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau theo dõi quá trình chiết xuất vắc xin Pfizer/ BioNTech khi ông đến thăm một phòng tiêm chủng tại Palais des Congres, Quebec (Canada)

Reuters

Ngày 14.6, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ý (AIFA) khuyến khích người dưới 60 tuổi tiêm mũi đầu AstraZeneca nên tiêm mũi thứ hai bằng vắc xin khác.
Ở Tây Ban Nha, Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cũng công bố chính sách tương tự sau khi xem xét kết quả sơ bộ của báo cáo do Viện Y tế Carlos III thực hiện.
Ngày 18.6, Hàn Quốc cho biết sẽ tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNTech cho khoảng 760.000 người đã tiêm mũi đầu là AstraZeneca.
Tại Bahrain, Bộ Y tế cũng thông báo áp dụng liều tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đưa ra thông báo tương tự.

Vắc xin ngừa Covid-19 do Pfizer/ BioNTech sản xuất.

Reuters

Nhiều nghiên cứu cũng đang được tiến hành để xác định mức độ an toàn, phản ứng miễn dịch được tạo ra và hiêu quả miễn dịch của cách tiêm 2 liều vắc xin khác nhau này.
Theo chuyên san Science, cuộc nghiên cứu lâm sàng ở Tây Ban Nha với hơn 600 người tham gia cho thấy tiêm đồng thời vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.
Kết quả sơ bộ của một nghiên cứu ở Đức phát hiện việc tiêm vắc xin AstraZeneca trước mũi Pfizer/BioNTech giúp tạo nhiều kháng nguyên và bảo vệ cơ thể tốt hơn trước các biến chủng gây quan ngại so với người tiêm đủ 2 liều AstraZeneca.
Tại Anh, Đại học Oxford phát hiện đối tượng được tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech xuất hiện phản ứng phụ mức độ nhẹ hoặc trung bình so với nhóm tiêm đủ liều của một loại vắc xin. Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford cũng đang thử nghiệm kết hợp các vắc xin khác ngoài 2 loại trên, như Moderna và Novavax.

Người dân Thái Lan ngồi đợi đến lượt tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Reuters

Sự xuất hiện các biến chủng mới của virus gây Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu buộc các nước phải cân nhắc tiêm kết hợp các vắc xin khác nhau.
Theo chuyên trang The Conversation, chiến lược tiêm các vắc xin tấn công nhiều biến chủng khác nhau sẽ mang đến phản ứng miễn dịch tập thể bao quát hơn, đồng thời giới hạn nguy cơ xuất hiện những biến chủng nguy hiểm tiềm tàng.
Bên cạnh việc tiêm 2 vắc xin khác nhau, các nước cũng đang cân nhắc tiêm liều tăng cường cho những người đã đủ liều để bảo vệ cơ thể trước biến chủng mới. Theo chiến lược mới, mũi tiêm đầu tiên có thể là AstraZeneca, kế đến là Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, và liều tăng cường có thể là Novavax.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự phối hợp những dòng vắc xin khác nhau có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong tương lai, cách tiếp cận này có thể dẫn đến sự ra đời của các dòng vắc xin “đa năng”, đủ sức bảo vệ con người trước những biến chủng khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.