Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Nhà cách mạng Trần Cao Vân cứu vua

10/06/2022 06:40 GMT+7

Tại triều đình, vua Duy Tân vẫn chưa hay biết gì về sự bại lộ của kế hoạch khởi nghĩa. 11 giờ đêm 3.5.1916, ông cải trang làm một thường dân, đi chân đất, đầu chít khăn đen, mặc áo ngắn màu đỏ sẫm, quần trắng, mang theo ấn tín cùng thanh kiếm báu của vua Gia Long truyền lại, cùng hai hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu lén ra khỏi hoàng thành.

Theo kế hoạch đã định, đêm đó, hai nhà cách mạng Trần Cao Vân và Thái Phiên sẽ chờ nhà vua trên một chiếc thuyền đậu ở bến Thương Bạc. Khi chưa đến nơi hẹn, vua Duy Tân đã chạm mặt với Trần Quang Trứ, còn gọi là Phán Trứ, làm việc tại tòa Công sứ Thừa Thiên. Tuy ông đã cải trang, song viên chức này nhận ngay ra nhà vua. Vốn đã nghe tin đồn về cuộc khởi nghĩa, lại thấy nhà vua cải trang ra khỏi hoàng thành trong đêm hôm khuya khoắt, Phán Trứ vội xuống đò qua sông, chạy đến tòa Khâm sứ để cấp báo (Bao La cư sĩ [Thái Văn Kiểm] - Việt Nam trên đường giải phóng - Văn hóa nguyệt san số 54/1960).

Chí sĩ Trần Cao Vân

Các viên chức Pháp tuy có nghe tin về cuộc khởi nghĩa, song tin về sự trực tiếp tham gia của vua Duy Tân khiến họ khá bất ngờ. Nghe Trứ báo đã gặp nhà vua ở gần sông Hương, Khâm sứ Charles tỏ ý không tin, vì chiều hôm đó, vua Duy Tân còn dặn quan giáo đạo người Pháp là Eberhardt sáng hôm sau vào cung cùng bác sĩ Gaide. Viên Đổng lý văn phòng tòa khâm sứ là Le Fol vội chạy sang hoàng cung thì mới biết là nhà vua không còn ở đó nữa.

Hay tin trên, thượng thư lục bộ và các hoàng thân quốc thích ngỡ ngàng nhìn nhau, không ai ngờ nhà vua đã ra khỏi kinh thành vào giữa đêm. Khâm sứ Charles vội tung quân đi các nơi tìm kiếm nhà vua, đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như cấm trại lính An Nam, bắt giữ những ai đi đường có vẻ khả nghi.

Khi đó, nhà vua cùng hai nhân sĩ cách mạng đang ở trong một chiếc thuyền xuôi dòng sông Hương, nghe chộn rộn, biết là cơ mưu có thể đã bại lộ, vội xuôi thuyền về Hà Trung, dự định đến Quảng Nam, Quảng Ngãi để tổ chức kháng chiến hoặc đưa vua Duy Tân ra ngoài nước. Trong cuộc hành trình, họ dừng thuyền tạm nghỉ tại một ngôi chùa bên núi Ngũ Phong.

Thượng thư Hồ Đắc Trung, người soạn thảo bản án đổ hết tội cho Trần Cao Vân, theo yêu cầu của cụ Trần

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Sáng ngày 6.5, nhà vua cùng bầy tôi dậy sớm, định tiếp tục cuộc hành trình thì lực lượng truy đuổi do Le Fol chỉ huy đã ập đến. Biết là có biến, vua Duy Tân vẫn giữ thái độ bình thản. Le Fol đến gần ông, cất nón chào và nói với ông bằng tiếng Pháp:

- Thế nào, hoàng thượng ngự giá đến đây là hết rồi chứ?

Nhà vua nhún vai, trả lời, cũng bằng tiếng Pháp:

- Các ông chả hiểu được đâu.

Ngay lúc đó, Trần Quang Trứ có mặt trong toán quân Pháp, đến ra mắt nhà vua. Ông nghe nói nhiều về con người này nên lạnh lùng nói với y:

- Ta nhớ mặt mi, đồ phản quốc!

Rồi ông ngoảnh mặt đi một cách khinh bỉ. Viên Chánh mật thám Sogny trông thấy bên trong áo nhà vua có một vật gì nổi cộm, nghi ngờ ông có giắt theo súng nên cung kính hỏi ông về điều này. Vua Duy Tân cười nhạt, móc túi áo trong đưa cho y xem, hóa ra đó là hai chiếc ấn vàng. Le Fol vội sai người chạy đi tìm một chiếc kiệu và một cây lọng để rước nhà vua đến chiếc ô tô đang đỗ trên một con đường cái dưới chân đồi. Ông từ chối lên kiệu, lủi thủi đi bộ xuống đồi (Bao La cư sĩ - tlđd, trang 1077).

Chí sĩ Thái Phiên

10 giờ sáng, xe đưa vua Duy Tân đến tòa Khâm sứ Huế. Khâm sứ Charles đã chờ sẵn. Ông ta cất lời chào nhà vua và lên tiếng trước:

- Bệ hạ bằng lòng với cuộc du ngoạn chứ?

Vua Duy Tân trả lời sẵng, cũng bằng tiếng Pháp:

- Không, bởi vì nó đã thất bại.

Từ đó, ông không nói thêm một lời nào cả.

Sau khi gặp Khâm sứ Charles, vua Duy Tân bị giam lỏng tại đồn Mang Cá của Pháp để chờ triều đình Huế - theo chỉ thị của thực dân Pháp - công bố bản án kết tội ông. Người được giao trực tiếp nhiệm vụ này là Thượng thư Học bộ Hồ Đắc Trung. Về phần Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, cả bốn người đều bị bắt giam vào ngục Thừa Thiên. Khi được tin ông Hồ Đắc Trung, một người quen biết và có thiện cảm với mình, được giao soạn thảo bản án kết tội vua Duy Tân, cụ Trần Cao Vân dùng loại giấy quyến (để vấn thuốc hút) viết gửi cho ông Trung một lá thư nhận hết trách nhiệm về mình và khẩn thiết xin cứu lấy nhà vua. Cuối thư cụ ghi hai câu đối:

Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt.

Trời còn đó, Đất còn đó, Xã tắc sơn hà còn đó, Mong cho thánh thượng sinh toàn.

(Bao La cư sĩ - tlđd, trang 1078).

Sáng ngày 17.5.1916, cụ Trần Cao Vân cùng ba ông: Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị đưa ra pháp trường làng An Hòa chịu án trảm quyết.

Cuộc sống và cái chết anh hùng của họ là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau noi theo. Dù sao, Thượng thư Hồ Đắc Trung cũng còn chút nghĩa trung quân khi đổ hết tội cho Trần Cao Vân, cũng là thể theo ý nguyện của cụ Trần.

Ngày 3.11.1916, cuộc lưu đày biệt xứ của vua Duy Tân cùng vua cha là cựu hoàng Thành Thái và toàn gia quyến khởi sự từ Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), sau 17 ngày thì đến hòn đảo Réunion. Cuộc đời của vị vua yêu nước sang một chương mới. (còn tiếp)

Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20

Khởi nghĩa bất thành của vua Duy Tân

Cuộc nổi dậy của 'hoàng đế' Phan Xích Long

Phút sa cơ của hùm thiêng Yên Thế

Vụ Hà thành đầu độc

“Loạn đầu bào” ở Quảng Nam

Đông Kinh Nghĩa Thục

Các nhà cách mạng Việt Nam và hạm đội Sa Hoàng

Cuộc chiến Nga - Nhật

Cụ Phan Châu Trinh hội kiến với Đề Thám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.