Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân bồi hồi nhớ lại. Bà Xuân (57 tuổi, thuê nhà tại 26/18B Lê Văn Duyệt, P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đi xuất khẩu lao động tại Nga rồi đi xin việc từ các công việc nhặt rau, phụ bếp, dần dần học hỏi trở thành đầu bếp chính. Chồng bà Xuân, ông Nguyễn Công Chung, 58 tuổi, làm ở bộ phận chế biến các món ăn tại siêu thị Co.opMart. Hai vợ chồng lấy nhau, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nuôi dạy hai cô con gái ngoan ngoãn, trưởng thành.
Theo nghề y từ ước mơ của ông ngoại
Nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt nhiều sương gió, bà Xuân kể hai con gái là niềm tự hào và động lực mạnh mẽ nhất của vợ chồng bà.
Cô con gái lớn là Nguyễn Ngọc Xuân Phương (25 tuổi), đang là bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương, Q.10, TP.HCM. Em út là Nguyễn Ngọc Phương Anh (21 tuổi), sinh viên năm 3 ngành dược.
“Ngày chúng nó còn nhỏ, hai vợ chồng tôi 4 giờ sáng đã đi làm rồi. Hai chị em tự nhắc nhau dậy, thay quần áo, chuẩn bị sách vở.
6 giờ hơn tôi về tới nhà, các con đã đi bộ ra đầu hẻm chờ mẹ chở tới trường. Tới khi các con lớn hơn một chút, chúng học khác trường, khác quận, ngày nào 3 mẹ con cũng như đi du lịch khắp TP trên xe máy. Nhà ở Q.Bình Thạnh, con bé học THCS ở Q.Phú Nhuận, con lớn học THPT ở Q.5, đưa đi hết lượt thì mẹ chạy tới chỗ làm, tới chiều lại một hành trình đón chúng về”, bà Xuân hồi tưởng.
Sự mạnh mẽ, can đảm của đội ngũ y tế những ngày chống dịch Covid-19 càng khiến em và chị động viên nhau, phải cố gắng để cống hiến được nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồngNguyễn Ngọc Phương Anh |
Chồng bà Xuân làm bếp trong siêu thị, công việc không kém vất vả. Hai vợ chồng chật vật để có tiền lo liệu cho cả nhà, nuôi các con ăn học. Để có thêm thu nhập, bà Xuân làm thêm các công việc từ bán mỹ phẩm, nấu cỗ thuê, da tay lúc nào cũng săn lại vì ngâm nhiều trong nước.
Bác sĩ giúp mẹ rửa chén, lau bếp
Ở tuổi 57, khi đã nghỉ hưu, được các chị em và các con động viên, cách đây 5 tháng, bà Xuân bắt đầu khởi nghiệp quán ăn nhỏ của mình với các món như pizza, mì Ý… trong hẻm 26 Lê Văn Duyệt. Vốn là đầu bếp ở khách sạn Asian (đường Đồng Khởi, Q.1) và từng làm trong nhà hàng, bà Xuân làm các món Âu ngon, nhưng giá rất Việt Nam, ai ăn xong cũng giật mình hỏi “có tính nhầm không, sao rẻ thế?”. Bà Xuân thật thà: “Bây giờ mùa dịch nên ai cũng khó khăn. Quán này học sinh, sinh viên ghé ăn rất nhiều, tôi muốn các bạn trẻ có những bữa ăn ngon, vừa túi tiền. Trừ đi chi phí, tiền thuê mặt bằng, nguyên vật liệu các loại, mỗi tháng tôi chỉ cần dư một chút để cho con ăn học là vui lắm rồi”.
Bà Xuân kể mình làm bếp chính, hai con gái ngoài giờ đi học, đi làm ở bệnh viện thì xắn tay áo giúp mẹ lau bếp, rửa chén, thu ngân... Toàn bộ việc làm kế toán của tiệm ăn cũng do hai cô con gái thực hiện, nên không phải thuê thêm người.
Ngày chúng tôi tới tiệm, khách ngồi kín bàn, Phương Anh chạy ghi món, pha chế đồ uống xong quay ra rửa từng chồng chén đĩa. Phương Anh kể chị gái của cô hết giờ làm, trực ở bệnh viện sẽ tới giúp mẹ và em một tay. Các dì của Phương Anh sau giờ làm cũng ghé tiệm, giúp mấy mẹ con.
“Ngoài giờ học, em làm thêm việc bán hàng, thu ngân ở cửa hàng quần áo và làm trợ giảng cho một trung tâm giáo dục. Chị gái em trước đây làm gia sư nên cả hai đều không bỡ ngỡ với việc ở quán ăn. Quán mở được 5 tháng mà mẹ sụt 8 kg vì vất vả, lại hay suy nghĩ, lo toan nên chúng em muốn làm sao giúp được mẹ nhiều nhất có thể”, Phương Anh chia sẻ.
Nữ dược sĩ tương lai nói hai chị em không thừa hưởng gien nấu nướng từ nghề bếp của cha mẹ nhưng luôn có tình thương yêu, sự nhân hậu từ gia đình. Cô bộc bạch: “Sự mạnh mẽ, can đảm của đội ngũ y tế những ngày chống dịch Covid-19 càng khiến em và chị động viên nhau, phải cố gắng để cống hiến được nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồng”.
Bình luận (0)