Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: Cho muôn đời sau

Đình Tuyển
Đình Tuyển
22/11/2022 06:30 GMT+7

Tầm nhìn chiến lược của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã và đang gìn giữ cho miền Tây một 'vùng đất thiêng', một 'kho báu' về đa dạng sinh học được ví như 'lá phổi xanh' của ĐBSCL.

“Lá phổi xanh” đó là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng rộng hơn 2.800 ha, nay thuộc xã Phương Bình, H.Phụng Hiệp (Hậu Giang), cách TP.Cần Thơ khoảng 40 km về phía nam.

Theo soạn giả Nhâm Hùng (TP.Cần Thơ), đây là một vùng đất trũng giáp nước biển Đông (theo sông Hậu) và biển Tây (theo sông Cái Lớn). Xa xưa, nơi này toàn là đồng sậy hoang vu, người Pháp gọi là đồng Phương Ninh. Trong đồng Phương Ninh có những lung nước ngập sâu quanh năm. Người dân khẩn hoang xưa kia lý giải rằng chỉ có ông trời mới tạo ra cái lung rộng lớn như vậy nên gọi là Lung Trời Sanh hay Lung Ngọc Hoàng.

Ngày nay, giữa khung cảnh hoang sơ của Lung Ngọc Hoàng, thật khó hình dung nơi này từng là một nông trường lúa mùa, rồi một lâm trường tràm. Sau cùng, một quyết định lịch sử đưa vùng đất “trời sanh” này về với tự nhiên.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm lâm trường Phương Ninh năm 1999 để đốc thúc thành lập Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng
Nguồn: tư liệu Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng

Ngã rẽ lịch sử

Chuyện bắt đầu từ năm 1976, thực hiện chủ trương chung sắp xếp lại các đơn vị trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang cũ (nay là Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng - PV) đã thành lập Nông trường quốc doanh Phương Ninh (H.Phụng Hiệp). Mục đích là khai hoang phục hóa để trồng lúa mùa, giải quyết chuyện thiếu lương thực ở địa phương. “Thế nhưng hiệu quả sản xuất lại rất kém. Làm ăn tập thể, “cha chung không ai khóc” lại thiếu hạch toán, năng suất chỉ bằng một nửa so với người dân canh tác ngoài nông trường”, ông Lê Văn, một cựu công nhân Lâm trường Phương Ninh, nhớ lại.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi ghe để vào Lung Ngọc Hoàng, tức Lâm trường Phương Ninh, năm 1999

Chụp từ clip tư liệu

Kém hiệu quả, nên cuối năm 1983, Nông trường Phương Ninh được chuyển sang thành lâm trường trồng tràm. Gần 10 năm kể từ ngày chuyển sang lâm trường, những cây tràm đầu tiên bắt đầu được thu hoạch, lâm trường bắt đầu có vốn liếng. “Phấn khởi nhất là một dãy nhà lầu đầu tiên lâm trường xây lên từ tiền bán tràm. Đó là nhà lầu đầu tiên ở xứ này”, ông Văn kể.

Thế rồi, đang trong giai đoạn “ăn nên làm ra”, Lâm trường Phương Ninh bất ngờ đứng trước ngã rẽ lịch sử.

Ông Văn kể tiếp: “Năm 1998, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này làm cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng - PV) đi thị sát từ Cà Mau về Cần Thơ bằng trực thăng bay ngang lâm trường đã rất bất ngờ khi rừng tràm đã phủ kín Lung Ngọc Hoàng, vốn là vùng căn cứ cách mạng xưa. Về tới Cần Thơ, ông liền trực tiếp xuống thăm và nói cần phải làm khu bảo tồn. Năm 1999, ông Kiệt về lâm trường đốc thúc thêm một lần nữa. Hơn 2 năm sau đó, lâm trường chính thức có quyết định thành lập khu bảo tồn”.

Nhớ lại tâm trạng lúc ấy, ông Văn nói: “Khi đó, anh em ai cũng tiếc vì mất nguồn thu... Nhưng thú thật bây giờ nhìn lại, mình phải bái phục tầm nhìn của ông Võ Văn Kiệt. Không có chủ trương của ông thì xứ này không thể có được Lung Ngọc Hoàng”.

Giữ “kho báu xanh”

“Số phận” Lâm trường Phương Ninh chính thức được quyết định vào tháng 1.2002 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Lung Ngọc Hoàng, nhằm góp phần duy trì cân bằng sinh thái, gia tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của ĐBSCL...

Bên trong Lung Ngọc Hoàng là vùng sinh thái nước ngập quanh năm, được bảo tồn nghiêm ngặt

LÝ ANH LAM

Nhớ lại trước thời điểm đó, ông Lư Văn Điền (thường gọi Tám Thanh), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (tỉnh cũ, gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang ngày nay - PV), cho biết thực ra, ý tưởng bảo tồn, gìn giữ vùng Lung Ngọc Hoàng đã được ông Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ấp ủ từ lâu. Bởi trong chiến tranh, đây cũng là nơi ông Sáu Dân từng hoạt động, chiến đấu. “Thời đó, Lung Ngọc Hoàng là bất khả xâm phạm. Bộ binh địch không dám bén mảng vì sợ du kích, sợ mìn, sợ rắn độc, ngày ngày chỉ có trực thăng quần thảo, bắn phá”, ông Tám Thanh kể.

Nhớ lại thập niên 90 của thế kỷ 20, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ có nhiều dịp làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Tám Thanh tâm sự: “Có lần ông Sáu Dân về nói với tôi: “Anh Thanh đem cái bản đồ ra tôi coi. Khu Lung Ngọc Hoàng này giờ sao…”. Chúng tôi báo cáo trước đó làm nông trường không hiệu quả, sau làm lâm trường cũng gian nan. Ngoài vùng ven, một số nơi người dân trồng khóm cũng thất bại. Bấy giờ, ông Sáu Dân đã đặt vấn đề cần ngồi lại nghiên cứu xác định Lung Ngọc Hoàng là cái gì để có phương án tốt nhất. Sau đó, ông Sáu Dân còn tham khảo ý kiến của rất nhiều chuyên gia”.

Năm 1999, đích thân ông Tám Thanh tháp tùng ông Sáu Dân trong chuyến trở lại Lâm trường Phương Ninh lần thứ hai trong 2 năm. Cùng đi còn có một đoàn chuyên gia, doanh nghiệp du lịch từ TP.HCM.

Mãi ghi dấu chân người

Ngồi làm việc trong căn phòng thuộc dãy nhà tường đầu tiên của Lâm trường Phương Ninh năm xưa, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội nói: “Cùng với Tràm Chim (Đồng Tháp), Trà Sư (An Giang), Láng Sen (Long An), Lung Ngọc Hoàng chính là nơi có hệ sinh thái đất ngập nước phong phú đặc trưng nhất ở miền Tây”.

Ông Hội phấn khởi liệt kê: “Ở đây có khoảng 230 loại cây, chủ lực là tràm nước và nhiều loại đặc trưng như cóc kèn, quao nước, gừa, đủng đỉnh, trâm bầu… Cùng với đó là 330 loài động vật, bao gồm 5 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như dơi chó, chồn mực, cáo mèo, rái cá, rái móng; một số như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang nằm trong Sách đỏ thế giới. Chín loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam như bạc má, giang sen, già đẫy, cà cuốc, cò lạo xám, le khoang cổ…”.

Giờ đây sau 20 năm, với giá trị đặc trưng của lung rừng và những dấu ấn lịch sử, Lung Ngọc Hoàng không chỉ là “vùng đất thiêng” mà còn là một “kho báu xanh” của ĐBSCL. Ở đó, dấu chân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đặt nền móng cho khu bảo tồn, sẽ mãi ghi dấu.

Gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khánh thành “Nhà lưu niệm ông Sáu Dân”

Trong chuyến công tác tại Hậu Giang vào tháng 7.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến khảo sát thực địa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng đã giới thiệu và trình bày với Thủ tướng về dự án Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, một trong những dự án trọng điểm đang được tỉnh mời gọi đầu tư.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng: “Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung; không những có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng; là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Do đó, cần giữ gìn, bảo vệ rừng nguyên sinh, môi trường rừng nghiêm ngặt, khoa học, hiệu quả”.

Thủ tướng cũng đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan hỗ trợ UBND tỉnh Hậu Giang xây dựng đề án du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Mục tiêu là vừa bảo tồn bền vững thiên nhiên, môi trường sinh thái kết hợp khai thác du lịch hợp lý, khoa học, hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Võ Văn Kiệt - Người tiên phong

Lãnh đạo đất nước cải cách và hội nhập

‘Khai sinh’ nhà máy lọc dầu Dung Quất

'Hoa sen nở' mở cánh cửa ra thế giới

Tiên phong trong ‘phá vây’

Nhân tâm thu về một mối

Phá thế cô lập lo miếng ăn cho dân

Khai mở vựa lúa

Đất nhờ người có tên

Lập đại học quốc gia

Đánh thức tiềm lực văn nghệ sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.