Xem nhanh 20h: 30 người Indonesia ở TP.HCM bị ép giả cảnh sát | Hà Nội khổ chuyện đậu xe

Xem nhanh 20h: 30 người Indonesia ở TP.HCM bị ép giả cảnh sát | Hà Nội khổ chuyện đậu xe

24/03/2023 19:58 GMT+7

“Xem nhanh 20h” ngày 24.3 có nhiều tin tức đáng chú ý về: 30 công dân Indonesia bị lừa sang Việt Nam giả danh cảnh sát, tình trạng tái diễn đậu xe trái phép ở Hà Nội, vụ cán bộ ngân hàng lái xe tông chết người...

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 24.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

30 người Indonesia ở TP.HCM bị ép giả làm cảnh sát để lừa đảo

Chiều 24.3, Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 người quốc tịch Malaysia gồm: Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee về hành vi "tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép". Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

30 người Indonesia ở TP.HCM bị ép giả làm cảnh sát để lừa đảo

Tại buổi họp báo chiều 24.3 ở trụ sở Công an TP.HCM, lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết, lúc 17 giờ 45 ngày 12.3, Công an TP.HCM nhận được thông báo của Sở Ngoại vụ TP.HCM về việc 30 công dân Indonesia đến Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM trình báo bị một số nghi phạm đưa sang Việt Nam, "giam lỏng" tại một tòa nhà và cưỡng ép thực hiện việc giả danh cơ quan chức năng Indonesia (công tố viên viên, cảnh sát…), nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng ANĐT Công an TP.HCM phối hợp các đơn vị có liên quan xác minh, điều tra vụ việc.

Căn cứ vào nội dung trình báo của 30 công dân Indonesia, công an đã xác định số người này bị "giam lỏng" tại tòa nhà số 455 Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh). Tuy nhiên, khi lực lượng công an tiến hành kiểm tra tại địa chỉ trên, số nghi phạm quốc tịch Malaysia đã bỏ trốn.

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua truy xét, công an xác định các nghi phạm quốc tịch Malaysia đang thuê phòng tại khách sạn Tân Sơn Nhất ở Q.Phú Nhuận và đã mua vé máy bay để bỏ trốn khỏi Việt Nam vào chiều 13.3.

Lực lượng công an đã đưa 6 nghi phạm gồm: Leaw Boon Kiat, Tee Cheng Sheng, Leaw Boon Leong, Thong Joon Kin, Poon Sook Yin, Gan Ban Lee về trụ sở công an làm rõ.

Xem nhanh 20h ngày 24.3: 30 người Indonesia ở TP.HCM bị ép giả cảnh sát | Hà Nội khổ chuyện đậu xe

Qua đấu tranh, các nghi can khai, Leaw Boon Kiat thông qua một công ty du lịch tại Indonesia để quảng cáo, giới thiệu việc làm "dịch vụ khách sạn, nhà hàng" nhằm dụ dỗ 30 công dân Indonesia trên đến Việt Nam.

Sau đó, 30 người này được chia thành 6 nhóm, nhóm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11.2022, nhóm gần nhất đến Việt Nam vào ngày 10.3.

Ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, 30 công dân Indonesia trên đã bị các nghi phạm thu giữ hộ chiếu, điện thoại, đưa về tòa nhà ở địa chỉ 455 Bình Quới và không cho ra ngoài. Sau đó bị cưỡng ép thực hiện theo "kịch bản" giả danh công tố viên, cảnh sát, nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

30 công dân Indonesia bị ép giả danh công an gọi điện yêu cầu chuyển tiền - Ảnh 2.

Công an TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về vụ án

NGUYỄN ANH

Cơ quan Công an đã tạm giữ 2 ô tô, 54 điện thoại, 9 máy tính xách tay, 21 thẻ ngân hàng các loại, 38 thẻ sim các loại, 2 thiết bị phát sóng mạng di động… là phương tiện, công cụ thực hiện hoạt động lừa đảo.

Trong quá trình điều tra, lực lượng công an xác định Leaw Boon Kiat đã nhờ vợ là N.T.L (31 tuổi, quốc tịch Việt Nam, hộ khẩu thường trú ở Q.Bình Thạnh) thuê tòa nhà số 455 Bình Quới với giá 109 triệu đồng/tháng và nhà số 1244 QL 1A (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) với giá 150 triệu đồng/tháng để làm nơi thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan ANĐT xác định, 3 bị can là Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee đã có hành vi thuê nhà, chứa chấp, cưỡng ép 30 công dân Indonesia để huấn luyện và thực hiện hoạt động lừa đảo, mặc dù biết nhiều người trong đó đã quá hạn lưu trú theo diện miễn thị thực nhằm mục đích hưởng lợi.

Hiện Cơ quan ANĐT Công an TP.HCM đang củng cố chứng cứ, phối hợp Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á mở rộng điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ô tô đỗ tràn xuống đường: ‘Biết vi phạm nhưng đành chịu’

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên sáng 24.3, hàng chục xe ô tô đỗ dưới lòng đường Nghiêm Xuân Yêm, đoạn đi qua khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, khiến tuyến đường nhiều lúc bị ùn ứ do lượng phương tiện di chuyển qua khu vực này quá đông.

Ô tô đỗ tràn xuống đường: ‘Biết vi phạm nhưng đành chịu’

Khoảng 7 giờ 10 sáng cùng ngày, khi lực lượng CSGT có mặt, nhiều xe ô tô nhanh chóng rời đi, còn lại một vài xe khác vẫn nằm im dưới lòng đường. Dù cảnh sát đã thông báo, gọi loa nhưng nhiều chủ xe cả tiếng đồng hồ sau vẫn chưa xuất hiện.

Tại đây, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt 8 chủ xe với lỗi đỗ xe ở nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ. Là người bị xử phạt, anh Tiến Hưng (33 tuổi, cư dân tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ) cho biết, bản thân ý thức được việc đỗ xe dưới lòng đường là vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, do tòa chung cư anh ở không có hầm gửi xe nên buộc phải để xe dưới lòng đường, cạnh nơi ở để đi lại cho tiện.

"Xung quanh đây bán kính khoảng 2 km không còn bãi xe nào trống, tôi và nhiều cư dân buộc phải đỗ xe dưới lòng đường. Hôm nay bị xử phạt thế này, chúng tôi chấp nhận nộp phạt nhưng bản thân tôi cũng mong muốn chính quyền, chủ đầu tư sẽ có những biện pháp để cư dân tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ đỡ khổ", anh Tiến Hưng nói.

'Bức tranh châm biếm' về cảnh ô tô đỗ tràn lòng đường ở Hà Nội - Ảnh 3.

CSGT lập biên bản xử lý vi phạm đỗ xe trái quy định

ĐÌNH HUY

Không chỉ anh Hưng, một số tài xế còn bị CSGT, thanh tra giao thông xử phạt nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn nhưng họ vẫn để xe dưới lòng đường vì "không biết làm thế nào".

Được biết, hồi tháng 12.2022, Công an TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội đề nghị nghiên cứu cho phép đơn vị có chức năng trông giữ phương tiện sắp xếp điểm trông xe ô tô dưới lòng đường Nghiêm Xuân Yêm, nhằm xử lý dứt điểm thực trạng ô tô đỗ trái phép. Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng kể từ khi kiến nghị, chính quyền sở tại vẫn chưa nhận được sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn từ Sở GTVT Hà Nội.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa được máy chụp chiếu, trang thiết bị y tế hết 'đứng hình

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết Nghị quyết 30 đã cho phép việc thực hiện xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn được thanh toán bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, lợi ích cho nhà nước. Còn Nghị định 07 hướng dẫn cụ thể hơn trong xây dựng giá gói thầu. Nhờ Nghị định 07, BV Chợ Rẫy cũng đã sửa được máy.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa được máy chụp chiếu, trang thiết bị y tế hết 'đứng hình'

CT-Scanner tại Khoa Cấp cứu vốn đã hư từ ngày 19.1. Hiện tại BV đã có 2 máy CT-Scanner hoạt động và đầu tháng 4 tới, BV sẽ sửa được 4 máy còn lại. BV cũng đã sửa được 3/5 máy xạ trị, 2 máy MRI (cộng hưởng từ). BV đã mua được các vật tư y tế như stent, khớp nhân tạo…

Để các BV yên tâm đấu thầu, mua sắm, TS-BS Nguyễn Tri Thức kiến nghị cần quy định rõ giá TTBYT. Kiến nghị Quốc hội sửa luật Đấu thầu nên có chương dành riêng đấu thầu cho ngành y tế. Trong thời gian chờ sửa luật Đấu thầu, có thể Quốc hội ra nghị quyết tạm thời cho phép các BV giải quyết những vấn đề cấp bách để dễ dàng mua sắm và tránh được tiêu cực.

Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.