Xem nhanh: Chiến dịch ngày 449, Ukraine nói đặt bẫy ở Bakhmut; Nga vẫn bắn tên lửa vào Kyiv

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 449, Ukraine nói đặt bẫy ở Bakhmut; Nga vẫn bắn tên lửa vào Kyiv

19/05/2023 23:25 GMT+7

Diễn biến chiến sự xung quanh thành phố Bakhmut ở phía đông Ukraine vẫn đang vô cùng ác liệt.

Ukraine tuyên bố tiếp tục đẩy lùi một số cuộc tấn công của Nga và đang kiểm soát khu vực tây nam của thành phố này.

Giới chức Ukraine nói chiến thuật của họ là kéo lực lượng Nga về Bakhmut, qua đó làm suy yếu tuyến phòng thủ ở những nơi khác trước cuộc phản công lớn. Tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi, người lãnh trọng trách bảo vệ Bakhmut, trong tuần này nói với binh sĩ Ukraine rằng “quân Wagner tiến vào Bakhmut chẳng khác nào chuột chui vào bẫy”.

Rạng sáng 19.5, còi báo động không kích tiếp tục rền vang ở nhiều nơi trên đất nước Ukraine. Nhiều tiếng nổ lớn được ghi nhận ở một số khu vực, bao gồm cả thủ đô Kyiv. Còi báo động vang lên từ khoảng 2h sáng và kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Ở thủ đô Kyiv, bầu trời đêm rực sáng khi lực lượng phòng không tìm diệt máy bay không người lái.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 3 trong số 6 tên lửa hành trình, cùng 16 trong số 22 máy bay không người lái tấn công.

Đây là cuộc tập kích thứ 10 của Nga kể từ đầu tháng và là vụ tấn công thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ. Hôm 18.5, Nga đã phóng ít nhất 30 tên lửa hành trình cùng với các máy bay không người lái nhắm vào Kyiv.

Ông Serhiy Popko, lãnh đạo chính quyền quân sự của thủ đô Kyiv gọi đây là loạt vụ không kích “chưa từng có về sức mạnh, cường độ và hình thức” của Nga, nhằm “gây quá tải cho hệ thống phòng không của chúng ta và gây sức ép tâm lý với người dân”.

Các quan chức Ukraine những tháng qua đẩy mạnh vận động phương Tây viện trợ hoặc bán tiêm kích F-16. Họ cho rằng đây là loại tiêm kích cần thiết để đối phó các đợt tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga.

CNN ngày 18.5 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết nếu các đồng minh ở châu Âu muốn tái xuất khẩu tiêm kích F-16 trong biên chế sang Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng chấp thuận. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính quyền Biden cho biết chưa nhận được yêu cầu chính thức nào của đồng minh liên quan đến tái xuất khẩu F-16 sang Ukraine.

AP đưa tin Lầu Năm Góc ngày 18.5 đã thừa nhận các kế toán đã định giá quá cao giá trị vũ khí mà họ gửi đến Ukraine, với mức chênh lệch ít nhất là 3 tỉ USD. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh, mức định giá sai này bắt nguồn từ việc các kế toán sử dụng giá trị thay mới, vốn cao hơn giá trị thực tế của vũ khí, để tính toán.

Điều này đã đội giá của mỗi đợt viện trợ, vì trong nhiều gói hỗ trợ quân sự, Lầu Năm Góc đã chọn sử dụng các thiết bị hiện có, cũ hơn từ kho dự trữ nhằm kịp thời chuyển cho Ukraine.

Bà Singh nói thêm rằng sai lầm đã không hạn chế các gói hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine hoặc cản trở khả năng gửi viện trợ cho chiến trường. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cho biết giá trị vũ khí được định giá sai có thể tăng vượt quá 3 tỉ USD sau khi Lầu Năm Góc xem xét tình hình kỹ lưỡng hơn.

Nhưng việc định giá sai có thể là tin vui với Kyiv, bởi nó đồng nghĩa chính phủ Mỹ được sử dụng khoản tiền chênh lệch để hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine mà không cần đợi quốc hội phê duyệt nữa.

Kính mời quý vị đón xem bản tin tổng hợp tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 19.5.2023 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.