Du học sinh về từ vùng dịch Covid-19 tại Hàn Quốc bức xúc vì bị kỳ thị

Thu Hằng
Thu Hằng
26/02/2020 18:51 GMT+7

Hai ngày qua, thông tin cá nhân của các du học sinh ở Thái Bình trở về từ Daegu ( Hàn Quốc ) đang cách ly phòng chống dịch Covid-19 bị phát tán lên mạng xã hội , khiến các du học sinh bị “ném đá” không thương tiếc.

 

Đang bình thường bỗng bị đồn mắc dịch Covid

Tối 25.2, Báo Thanh Niên nhận được thư của bạn Thành Vinh, du học sinh trở về từ Daegu (Hàn Quốc), đề nghị giúp đỡ những người bạn đang bị cách ly tại Thái Bình nhưng bị phát tán thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm và bị cộng đồng xa lánh.
Chiều nay, 26.2, chúng tôi đã liên lạc được với anh K.H.C, quê ở TP.Thái Bình, và được anh chia sẻ câu chuyện khiến nhiều du học sinh mất ăn, mất ngủ mấy ngày qua.
C. cho biết, anh đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Công nghệ ô tô Trường ĐH Hosan (TP.Daegu). Theo kế hoạch, đầu tháng 3, sinh viên sẽ trở lại đi học sau kỳ nghỉ đông. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhà trường quyết định cho sinh nghỉ học thêm 2 tuần, đến 16.3 nhập học trở lại.
“Đợt này nghỉ dài, bên Hàn Quốc dịch bệnh căng nên mình đã đặt vé về nước tránh dịch vào ngày 23.2. Mình xuống sân bay Nội Bài cũng không thấy ai hỏi gì, nhưng khi về tới nhà, có người ở xã vào đưa tờ giấy thông báo cách ly. Họ có đo nhiệt độ cơ thể của mình là 36,7 độ, còn nhiệt kế mình đo là 36,5 độ, huyết áp bình thường, ổn định. Mình khai báo là có bị nghẹt mũi, tức ngực và sau đó được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh bị cách ly”, anh C. kể.
Chỉ 1 ngày sau, một văn bản nội bộ của ngành Y tế Thái Bình thông tin về những người bị cách ly trở về từ vùng dịch đã bị phát tán thông tin trên mạng xã hội. Theo lời anh C., trong văn bản này có thông tin chưa chính xác về anh. 
“Tôi  đọc thông tin mà giật mình, mình có sốt gì đâu mà trong văn bản nói nói mình bị sốt 37,3 độ. Đương nhiên là bị nghẹt mũi thì không thể thở được như bình thường rồi, nhưng trên mạng xã hội, thông tin của mình bị chia sẻ khắp nơi. Nhiều người dùng những từ ngữ chửi rủa, miệt thị mình không thương tiếc, lại còn tung tin mình đi đám cưới, rồi bị công an áp giải đi cách ly…”.
Điều anh C. buồn nhất là những thông tin sai sự thật đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những người thân trong gia đình. Anh C. chia sẻ: “Tôi bị cách ly ở bệnh viện thì không nói làm gì, gia đình tôi ở nhà thì khốn khổ, bị mọi người xa lánh, mỉa mai, miệt thị. Nhà mình kinh doanh vật liệu xây dựng cũng phải đóng cửa vì không ai muốn quan hệ làm ăn, buôn bán".

Bệnh nhân cuối cùng xuất viện, Việt Nam không còn ai nhiễm Covid-19

Cũng giống như anh C., nhiều du học sinh ở Thái Bình như P.C.C, P.T.T, N.Đ, L.T.N.A về tránh dịch Covid-19 trong đợt này đều chung tình cảnh tương tự.
Lưu học sinh P.C.C (Trường đại học Keimyung, thành phố Daegu), bức xúc: “Nhiều lời đàm tếu ác ý nhằm vào gia đình mình, nào là mình bị dịch ở Hàn Quốc bỏ trốn về Việt Nam, bố mẹ biết nhưng giấu không đưa đi cách ly. Bên Hàn Quốc trường nghỉ học, chỗ làm thêm đóng cửa nên mình mới tính về Việt Nam. Biết ở quê nhà bị kỳ thị thế này thì mình đã ở lại bên đấy cho xong”.
Ngoài bức xúc bị phát tán thông tin, theo phản ánh của các du học sinh, trong những ngày cách ly tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình, họ phải tự chi trả tiền ăn hoặc gia đình tự mang cơm vào viện và đóng tiền đặt cọc 1 triệu đồng cho bệnh viện. Hàng ngày, họ tự cặp nhiệt độ theo dõi sức khỏe.
Qua Báo Thanh Niên, nguyện vọng của các du học sinh trở về từ vùng dịch là cơ quan chức năng tìm ra người để lộ thông tin, gây hoang mang dư luận; và họ được đối xử công bằng như những người Việt bị cách ly tại các địa phương khác.

Công an đang truy tìm người tung tin lên mạng

Theo văn bản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật gửi Sở Y tế Thái Bình tung lên mạng xã hội ngày 24.2 có nêu tên, địa chỉ, tuổi, quê quán, tình trạng sức khoẻ… của 9 trường hợp từ Hàn Quốc mới về.
Sau thông tin được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bình luận kèm theo thông tin đồn thổi Thái Bình xuất hiện người nhiễm Covid-19 khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 26.2, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, thừa nhận đây là văn nội bộ của ngành y tế và bức xúc của các du học sinh là có thật.
“Văn bản về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là báo cáo nội bộ, nhưng không hiểu sao thông tin lại lọt ra ngoài và bị đưa lên mạng xã hội. Ngày 25.2, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Công an tỉnh để truy tìm người phát tán thông tin lên mạng xã hội. Chúng tôi nhất định phải tìm bằng được. Quan điểm của tỉnh Thái Bình là tất cả cùng chung tay chống dịch, vì sức khỏe cộng đồng, rất mong các bạn du học sinh chia sẻ”, ông Dịu nói.

Cuộc sống trong khu cách ly người về từ vùng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc

Liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 và cách ly người về từ vùng dịch, ông Dịu cho biết, đến chiều nay, 26.2, có 25 người về từ vùng dịch Hàn Quốc đang được cách ly. Toàn bộ chi phí ăn ở, ăn ở sinh hoạt cho người cách ly đều được tỉnh chi trả.
“Có thể lúc đầu, việc tiếp nhận, quản lý và chăm sóc sức khỏe công dân còn có những chệch choạc khiến người dân chưa hiểu hết vấn đề. Từ chiều 26.2, chúng tôi đã đưa người cách ly về Trường quân sự tỉnh Thái Bình.
Tại đây, chúng tôi cũng đã chuẩn bị 200 giường và dự phòng 400 giường, đáp ứng đầy đủ điều kiện tối thiểu của người dân từ nước nóng tắm giặt, đến wifi, truyền hình... Hiện, trong số 25 người đang cách ly, chưa có có trường hợp nào nhiễm Covid-19”, ông Dịu thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.