Chồng võ sư đánh vợ đang bế con nhỏ dã man: Đạo đức ở đâu?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/08/2019 21:25 GMT+7

'Không thể chấp nhận việc đánh người khác, huống hồ ở đây là một võ sư đánh vợ của mình khi vợ đang bế đứa con nhỏ trên tay', một HLV Taekwondo ở TP.HCM thốt lên.

Đồng cảm xúc phẫn nộ khi xem từ đầu tới cuối clip một người đàn ông đánh vợ dã man khi chị vợ ẵm đứa con bé bỏng trên tay, tới mức cả người mẹ lẫn đứa bé ngã lăn xuống sàn nhà, nhiều bạn trẻ thốt lên “không thể chấp nhận”. Khi báo chí đồng loạt thông tin, theo lời kể của người nhà nạn nhân, người đánh vợ này là một võ sư, chuyên đi dạy võ, thì sự bức xúc của nhiều người còn dâng lên gấp bội.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều nay, ông Nguyễn Trường Hùng, Phó chủ tịch liên đoàn Taekwondo TP.HCM, cho biết không biết người chồng kia là võ sư, là huấn luyện viên của môn nào, tuy nhiên việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người khác, ở đây là với phái yếu, nhất là người phụ nữ đó đang ẵm con thì rất xấu hổ và đáng bị lên án.
Theo ông Hùng, mỗi võ sư đều phải được học võ đạo, tức là đạo đức của người học võ, dạy võ; võ thuật là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải là để ra tay đánh đấm người khác...

Võ sư đánh vợ dã man khiến dư luận phẫn nộ

Sợ hãi, tức giận, nhưng bạn gái trẻ nên làm gì sau đó?

Đào Bảo Trâm, 19 tuổi, sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT cho biết cô có sợ hãi, tức giận sau khi xem những clip bạo lực gia đình, người chồng đánh vợ gần đây, và mới đây đã xem hết hình ảnh người đàn ông đánh vợ dã man, dù chị vợ đang bế con nhỏ trên tay.
Theo Trâm, một số người bạn của cô còn cho biết họ sợ hãi “không dám lấy chồng” sau khi liên tiếp thấy các vụ bạo lực gia đình như vậy. Tuy nhiên, Trâm cho rằng, đó không phải là một giải pháp hay, bởi không thể đánh đồng đàn ông nào cũng xấu, đều "ra tay" với người vợ của mình. Theo Trâm, việc chuẩn bị sẵn tâm lý, tìm hiểu những nguyên nhân, cách xử trí nếu mình là nạn nhân trong những trường hợp tương tự là một điều mà nhiều bạn gái trẻ nên làm.

Người phụ nữ Việt bị chồng Hàn Quốc bạo hành cách đây không lâu

Ảnh cắt từ clip

Theo Trâm, tham gia các khóa học tự vệ cho phái nữ, theo dõi các buổi trao đổi, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý về các vấn đề mà có thể họ sẽ trở thành nạn nhân như bạo lực gia đình, quấy rối tình dục, xâm hại… cũng là một cách chủ động trang bị kiến thức, sẵn sàng tâm lý, biết cách thoát ra khỏi nguy hiểm chứ không phải bị động đón nhận sự tấn công, xâm hại của người khác.
“Chúng ta luôn được giáo dục, nam - nữ là bình đẳng, mỗi bạn gái trẻ cần phải biết và trân trọng giá trị của mình nhiều hơn, không chỉ về thân thể hay tinh thần, mà mình còn có nhiều giá trị, với gia đình, cộng đồng, xã hội. Khi tự tin với những giá trị của mình, các bạn gái trẻ cũng sẽ cần biết làm gì để bảo vệ mình, thoát khỏi những kiểu chồng đánh vợ”, Trâm nói.

Dũng cảm lên tiếng và giải thoát mình khỏi bạo lực gia đình

Chị Lê Thị Tuyết Nga, 31 tuổi, sáng lập dự án She Will Be Strong với nhiều hoạt động bảo vệ, bênh vực phụ nữ, cho biết có một thực tế đó là nhiều phụ nữ còn cam chịu, nhẫn nhục, biết mình là nạn nhân của bạo lực gia đình, chồng thường xuyên đánh đập nhưng không dám tố cáo, không dám ly hôn, không dám về nhà mẹ đẻ sống… bởi luôn có tâm lý “tốt khoe xấu che”, sợ bị dị nghị, sợ điều tiếng, bị ràng buộc nhiều vấn đề với người chồng, không dám nghĩ là cuộc sống của mình sẽ tốt hơn nếu không có người đàn ông ở bên cạnh… Do đó, họ luôn hy sinh bản thân, chấp nhận bị bạo lực về thể xác, tinh thần.
Thậm chí, chị Nga đã biết nhiều người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đã phải bỏ nhà đi, sau khi được hỗ trợ công ăn việc làm, họ lại quay lại với người chồng cũ của mình, sau khi anh này tới xin lỗi.
 

Vợ bị anh chồng võ sư đánh đang phải điều trị trong bệnh viện

Ảnh gia đình cung cấp

Theo chị Nga, tự bản thân mỗi người phụ nữ phải thật sự muốn bảo vệ mình, thì sự giúp đỡ của cộng đồng mới có ý nghĩa. Đồng thời, chính họ cũng sẽ chủ động để tìm những người giúp đỡ. Nhất là trong thời đại công nghệ, họ chỉ cần google sẽ biết những tổ chức nào đang bênh vực mình. Còn ngược lại, dù cộng đồng, người ngoài có phương án hỗ trợ giúp đỡ người phụ nữ bị chồng đánh, chồng bạo hành đến đâu, nhưng ở trong mỗi người phụ nữ đó cứ vang lên những “tiếng nói nhỏ” là nghĩ đến thể diện, sợ ảnh hưởng cuộc sống của các con, sợ mang tiếng… và nhẫn nhục, chịu đựng tiếp thì sự hỗ trợ của cộng đồng vô nghĩa.
“Nếu phụ nữ dũng cảm đứng lên lên tiếng và giải thoát mình ra khỏi bạo hành gia đình, thoát khỏi người chồng đánh vợ, thì đó không phải là một câu chuyện đáng xấu hổ mà đó là một câu chuyện truyền cảm hứng cho những người phụ nữ có hoàn cảnh tương tự và góp phần giảm bớt một vấn nạn của xã hội”, chị Lê Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.
Làm sao loại trừ bạo lực ra khỏi đời sống?
 
Tháng 10.2018, người viết tham gia hội thảo Vì một xã hội không bạo lực, diễn ra trong Ngày văn hóa hòa bình diễn ra tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM. Tại đây, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban văn hóa UNESCO Việt Nam chỉ ra 5 nguồn gốc của bạo lực: Sự thất vọng của cá nhân; Tâm lý hùa theo đám đông; Tâm lý hận thù, đố kỵ; Niềm tin mù quáng; Sử dụng chất kích thích như ma tuý, rượu, bia… Đồng thời bà Hường cũng nhấn mạnh, một nguồn gốc khác là xã hội thiếu công bằng, pháp lý còn lỏng lẻo, công lý chưa được thực thi.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, cho hay anh tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, một điều khiến anh giật mình đó là nhiều người rất giỏi, luôn tươi cười, mặt rạng rỡ… nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, họ đang bị tổn thương tinh thần quá kinh khủng từ bạo lực gia đình...
Tiến sĩ Giang đưa ra những giải pháp để bài trừ bạo lực khỏi cuộc sống: Mỗi người cần học cách giao tiếp không bạo lực; học cách thấu hiểu bản thân và thấu hiểu người khác; Cần sự trắc ẩn với tất cả mọi người, kể cả chính bản thân mình để tha thứ cho mọi lầm lỗi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.