Đề xuất điều chỉnh độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi

Lê Thanh
Lê Thanh
20/09/2019 07:05 GMT+7

Có rất nhiều kiến nghị, đề xuất về quyền lợi liên quan đến học hành, vui chơi , giải trí cũng như những chính sách dành cho thanh niên đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8.

Hội thảo dưới sự chủ trì của bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cùng đại diện các ban, ngành tham gia đã diễn ra tại TP.HCM ngày 19.9.

Cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường

Theo Phó chủ nhiệm chính trị, Bộ Tư lệnh TP.HCM Nguyễn Thanh Phong, trong điều 9 của dự thảo có nội dung “Đối thoại với thanh niên”. Ông Phong nói: “Tôi đề nghị quy định cần phân định thời gian đối thoại cho từng cấp cụ thể từ địa phương đến T.Ư. Ví dụ, cấp T.Ư mỗi năm đối thoại với thanh niên một lần; cấp tỉnh, thành phố thì 6 tháng/lần; cấp quận, huyện thì mỗi quý/lần... để kịp thời có sự phúc đáp và giải quyết các vấn đề của thanh niên”.
Cũng theo đại biểu này, lực lượng thanh niên ngoài các hoạt động về chức năng và nhiệm vụ chuyên môn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn tham gia các hoạt động tình nguyệncuộc sống cộng đồng trong thời bình, nếu phát sinh các vấn đề ngoài thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ sẽ rất khó giải quyết như: tai nạn, thương tật... hay các nguồn lực, kinh phí, phương tiện bảo đảm hoạt động tình nguyện. Chính vì thế, nếu luật quy định rõ sẽ phát huy hiệu quả của đối tượng này.
Chính sách, quyền lợi dành cho thanh niên khuyết tật cũng được đề cập tại hội thảo này. Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch
Hội Thanh niên khuyết tật TP.HCM, cho rằng: “Công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật cho người khuyết tật hiện nay chưa được triển khai thực hiện tốt. Nhiều cán bộ ở các địa phương, cơ quan chức năng chưa am hiểu hết những chính sách dành cho người khuyết tật. Chính vì nhiều nơi các chính sách chưa đưa vào cuộc sống để thực thi một cách đồng bộ nên đã dẫn đến người khuyết tật không được thụ hưởng các quyền lợi từ những chính sách ấy. Chẳng hạn, nhiều điểm tham quan du lịch tại TP.HCM vẫn còn thu phí người khuyết tật, không đúng theo luật dành cho người khuyết tật”.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ TP.HCM), nói: “Tại điều 57, cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, nhất là các trường nghề, trường đại học trong việc kết nối với các doanh nghiệp để sinh viên thực tập. Đồng thời phải có thêm chính sách hỗ trợ kỹ năng thực hành, nâng cao tay nghề cho sinh viên”.
Ông Nghĩa cũng đề nghị “Bổ sung quy định của nhà nước đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức là thanh niên trong các cơ quan nhà nước một cách hợp lý. Quy định về thanh niên chuyển giới, thanh niên đồng tính; quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của thanh niên, bổ sung quyền được bày tỏ ý kiến trước những vấn đề lớn của đất nước cũng như quyền sáng tạo cho thanh niên...”.
Nhiều đại biểu đề xuất điều chỉnh độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi. Theo các đại biểu, nếu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi thì sẽ phát huy thêm được kinh nghiệm, sức trẻ, sự cống hiến của thanh niên; đồng thời, việc nâng độ tuổi thanh niên giúp tập hợp được đông đảo lực lượng cống hiến cho sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập.

Mục 2, điều 41 thiếu tính khả thi

Đề cập tại mục 2, điều 41 trong dự thảo nêu: “Chính quyền địa phương cấp tỉnh có chính sách đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho thanh niên sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất”, chị Thái Thị Hoài Sơn, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành đoàn TPHCM), góp ý: “Cá nhân tôi thấy thiếu tính khả thi. Do hiện nay luật Lao động, luật Doanh nghiệp hay cả luật Công đoàn cũng còn thiếu chế tài đối với các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trong việc xác nhận cho thanh niên sau khi hết hợp đồng lao động tại công ty. Và trên thực tế, thanh niên thường xuyên thay đổi nơi làm việc nhưng địa phương thì không nắm rõ tình hình thanh niên đang làm việc tại các nơi này. Độ tuổi thanh niên quy định ở luật lại dừng lại ở 30 tuổi, vậy khi thanh niên rời quê lên làm việc tại các thành phố lớn có khu công nghiệp thường ít khi quay về địa phương ở ngưỡng 30, mà thường sau độ tuổi ấy, vậy thì họ có được hưởng những chính sách, quyền lợi của thanh niên hay không? Theo tôi, cần có một quy định chi tiết hướng dẫn thực thi quyền lợi cho thanh niên làm việc tại các công ty ở khu chế xuất, khu công nghiệp”.
Liên quan đến vấn đề lao động và khởi nghiệp, chị Hoài Sơn đề nghị: “Cần bổ sung về điều khoản bảo vệ hợp pháp đối với thanh niên khi bị lừa đảo về việc làm. Chính phủ cần quy định chi tiết điều này ở luật Lao động hay các luật có liên quan đến bảo vệ hợp pháp cho thanh niên về vấn đề việc làm, do hiện nay tình trạng cò việc làm còn tồn tại nhiều, có những tình trạng thanh niên bị thu giữ các giấy tờ tùy thân buộc họ phải làm việc những nơi hà khắc: lương thấp, quá giờ, điều kiện sinh hoạt không tốt...”.
Để tận dụng được các tài năng trong thanh niên để đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, ông Huỳnh Đăng Khoa, chuyên viên Sở Nội vụ TP.HCM, đề xuất: “Cần có chính sách hỗ trợ thanh niên có tài năng. Đó là những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để những thanh niên có tài năng tự tin liên hệ trực tiếp đến tận nơi để đề đạt ý mong muốn, nguyện vọng được cống hiến, làm việc đúng chuyên môn, sở trường của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.