Phản ứng nhanh, hỗ trợ tuyến dưới
Vi rút Corona dễ bị chết dưới ánh nắngVới kinh nghiệm trong điều trị bệnh truyền nhiễm, GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay vi rút chủng mới Corona (nCoV) giống vi rút Corona gây bệnh SARS đến 85% bộ gien, cơ chế "tấn công" tương tự vi rút SARS. Vi rút này bề mặt mọc các chồi nhú với các gai bám dính vào tế bào phổi gây tổn thương phổi. Khi vào cơ thể khống chế tế bào bạch cầu gây suy giảm miễn dịch khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn khác. Khoảng 30 - 50% có diễn biến phổi; 10% trong đó có viêm phổi nặng (phổi trắng xóa, suy hô hấp), biến chứng tổn thương gan gây rối loạn đông máu, suy gan, suy thận.
Vi rút nCoV từ lúc vào cơ thể đến khi bài xuất ra ngoài cần 4 tuần. Tuy nhiên, khi ra môi trường thì vi rút này rất dễ chết bởi tác động ánh sáng (tia cực tím), cồn, ê te, chất khử trùng có clo. "Không nên sợ hãi vi rút này. BN có thể tự khỏi sau 7 ngày với người khỏe mạnh. Do đó, việc dùng thuốc kháng vi rút HIV điều trị khỏi, chưa rõ là do thuốc hay do chu trình tự nhiên này'', ông Kính lưu ý.
Ông Kính cho biết vi rút nCoV lây qua giọt bắn, rơi xuống đất sẽ nằm trên các mặt phẳng, đặc biệt mặt phẳng các kim loại trong môi trường lạnh, ẩm có thể sống được 1 - 3 ngày. Đó là đặc tính cần lưu ý để sát trùng trong BV tốt hơn. Khi vào đường thở, vi rút sẽ chủ yếu "cư trú" trong đường hô hấp, một số tồn tại trong đường tiêu hóa, cho nên 95 - 98% sẽ có bệnh cảnh hô hấp, một số ít trường hợp có tiêu chảy.
|
Tại hội nghị, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cần thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ để tránh lây lan rộng vi rút Corona (nCoV).
Theo đó, nhân viên của trạm y tế xã đảm đương việc giám sát các trường hợp được cách ly tại cộng đồng. Ca bệnh thông thường được giám sát cách ly, điều trị tại trung tâm y tế huyện, nếu nặng hơn mới lên tuyến tỉnh và tùy diễn biến nặng hơn mới chuyển lên tuyến T.Ư. “Thực tế, tại tâm dịch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy các ca dương tính đều có sức khỏe ổn định, hiện đang được cách ly theo dõi sức khỏe, điều trị tại Trung tâm y tế H.Tam Đảo và H.Bình Xuyên. Các bác sĩ tuyến T.Ư và tỉnh hỗ trợ chuyên môn. Việc tiếp nhận điều trị tại chỗ tránh xáo trộn và an toàn hơn nhiều cho các bệnh nhân (BN) khác và cộng đồng”, ông Khuê cho hay.
Ông Khuê phân tích, mỗi ngày Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận khoảng 10.000 người bao gồm bệnh nhân (BN) đi khám, BN nội trú, người nhà BN, học viên, nhân viên y tế… Các BN tại đây đều nặng, rất dễ nguy kịch nếu tiếp nhận thêm các ca bệnh nCoV bởi nguy cơ nhiễm trong BV. “Chỉ 15 phút sau khi có lệnh, đội phản ứng nhanh của BV Bạch Mai đã lên đường về trung tâm y tế huyện tại Vĩnh Phúc hỗ trợ chuyên môn. Điều trị tại chỗ hiện rất hiệu quả, các ca bệnh sức khỏe ổn định. Do đó, 4 tại chỗ là phương án tối ưu cho tiếp nhận, điều trị ca bệnh nCoV’’, ông Khuê khẳng định.
|
“Siết” quy định về cách ly
Lo ngại ca bệnh không triệu chứngLiên quan BN thứ 13 tại VN trở về từ Vũ Hán hôm 17.1, ngày 7.2 mới có thông báo dương tính với nCoV, TS Trần Như Dương cho rằng mặc dù có ca bệnh được xét nghiệm dương tính lâu hơn 14 ngày kể từ khi có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên có thể đó là ca bệnh nhẹ triệu chứng không rõ ràng, chưa có kết quả xét nghiệm trong vòng 14 ngày, chứ không phải là khi đó họ chưa nhiễm bệnh. Do đó, Bộ Y tế đã “siết” chặt hơn tiêu chuẩn với người cần được cách ly để khoanh vùng, cô lập các trường hợp nhiễm vi rút và nghi nhiễm nCoV hiệu quả hơn.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kinh nghiệm từ các vụ dịch như cúm A/H1N1, hay SARS, việc phát hiện sớm các ca bệnh tại cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt mặc dù rất cần thiết, nhưng thực ra không nhiều (thậm chí có những trường hợp uống thuốc hạ sốt để đánh lừa cơ quan kiểm dịch để được nhập cảnh và không phải cách ly). Và một thực tế nữa là có những trường hợp mắc bệnh nhẹ nên không chịu đến cơ sở y tế để khai báo hoặc điều trị đặc biệt, thực hiện các biện pháp cách ly theo dõi nCoV để không lây lan ra cộng đồng.
Ngoài các biện pháp khai báo, phát hiện và cách ly BN (nếu có) tại cửa khẩu thì biện pháp phối hợp giữa cơ sở điều trị và dự phòng rất quan trọng trong việc điều tra dịch tễ học tìm hiểu nguồn lây, đường lây và phát hiện những ca mắc bệnh mới sớm để cách ly là vô cùng quan trọng, nhằm tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Về vấn đề này, ngoài sự cố gắng của ngành y tế, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ các ngành như công an, biên phòng, du lịch... Đặc biệt là sự hợp tác, tự giác của người dân khi mình có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như đi từ vùng dịch về, bản thân đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc mình đang nghi ngờ mắc bệnh.
|
TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã “siết” quy định về cách ly theo dõi nCoV tại cộng đồng. Trước đây chỉ cách ly với người tiếp xúc gần với ca bệnh, nhưng quy định mới đã nêu rõ, người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ cũng được cách ly tại nhà.
Cụ thể, đối tượng được cách ly theo dõi nCoV là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây: sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh; cùng làm việc với ca bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh; cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh; có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào; ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ; người nước ngoài nhập cảnh vào VN từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
TS Trần Như Dương lưu ý tự cách ly tại nhà (nơi lưu trú) tốt nhất cách ly theo dõi nCoV ở một phòng riêng. Nhưng nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m. Phòng cách ly theo dõi nCoV nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly; hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác...
“Hiện tại VN cũng như các nước vẫn áp dụng quy định thời gian cách ly theo dõi nCoV tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, hoặc từ ngày nhập cảnh vào VN”, TS Trần Như Dương nói thêm.
Không chấp hành cách ly, sẽ cưỡng chế
TS Trần Như Dương cũng cho biết cán bộ y tế tại địa phương tổ chức điều tra, lập danh sách người cần cách ly (ghi nhận thông tin về địa chỉ gia đình, nơi lưu trú, số điện thoại cá nhân, tên và số điện thoại của người thân khi cần liên hệ); cung cấp số điện thoại của cơ quan y tế cho người được cách ly và gia đình, người quản lý nơi lưu trú, hướng dẫn người được cách ly cách sử dụng và tự đo nhiệt độ cơ thể và theo dõi sức khỏe; hướng dẫn thành viên trong gia đình người được cách ly theo dõi nCoV và người quản lý nơi lưu trú cách thức khử trùng nơi ở.
UBND xã, phường, thị trấn và cộng đồng nơi có người được cách ly theo dõi nCoV cần tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ gia đình và người được cách ly trong suốt thời gian theo dõi. UBND xã trực tiếp chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.
Bình luận (0)