5 đột phá chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới

23/11/2020 10:05 GMT+7

Đột phá về con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải được coi là đột phá gốc, đột phá nền tảng.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định, 3 đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch Covid-19… đang đặt ra nhiều vấn đề, thì việc xác định các đột phá chiến lược như trong các dự thảo văn kiện sẽ trình Đại hội XIII (Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030) đã thực sự đầy đủ chưa và cần bổ sung thêm đột phá nào nữa hay không?
Theo chúng tôi, cần xác định 5 đột phá sau: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phát gốc; đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, hành động, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế; cơ chế đặc thù, vượt trội thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; khơi dậy mạnh mẽ, phát huy tối đa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá gốc

Một là, đột phá phát triển con người mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là giới tinh hoa, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, những nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi… Đây là đột phá gốc, đột phá nền tảng, vì như Bác Hồ nói cán bộ là gốc của mọi công việc, con người là chủ thể của sự phát triển đất nước, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Do đó, phải lấy con người là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực, động lực, là mục tiêu phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Cần nhấn mạnh, đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi lẽ, nguồn nhân lực phải chất lượng cao mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Hai là, chú ý đến nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như Hội nghị T.Ư 7, khóa XII đã nêu “phải xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Ba là, nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết đáp ứng cho những ngành, lĩnh vực trọng tâm then chốt. Trong điều kiện chúng ta chưa thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, thì trước hết tập trung những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực.
Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có cơ chế vượt trội, đặc thù để thu hút, trọng dụng nhân tài, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, những nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi cả trong và ngoài nước...

Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, hành động, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế

Phải đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước bền vững, toàn diện về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, đối ngoại… tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Lấy cải cách, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và nâng cao chất lượng thể chể phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực thi hiệu lực, hiệu quả hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, nguồn lực trí tuệ… theo cơ chế thị trường.
Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại.
Thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Phát triển nhanh, hài hòa, đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực kinh tế, các vùng, các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Cơ chế đặc thù, vượt trội thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nâng cao về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực mới cho phát triển đất nước theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội

Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu, các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, hạ tầng các đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông.
Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dự liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khơi dậy mạnh mẽ, phát huy tối đa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng và phát huy tối đa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thực sự trở thành nền tảng, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là cơ bản, lâu dài, là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

3 đột phá chiến lược trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII

- Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chể phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 - Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.