Giấc ngủ không chỉ có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của bạn, mà điều ngược lại cũng đúng - chế độ ăn uống và thói quen ăn uống của bạn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ có liên quan đến việc tiêu thụ nhiều calo hơn vào ngày hôm sau, liên kết giữa việc thiếu ngủ với việc tiêu thụ quá mức và tăng cân.
Mặt khác, chế độ ăn uống và thói quen ăn uống của bạn đóng một vai trò quan trọng trong việc bạn đi vào giấc ngủ như thế nào cũng như giấc ngủ của bạn có thực sự là giấc ngủ ngon hay không.
Một đánh giá được xuất bản trên Cureus lưu ý rằng ăn nhiều chất béo và đường có thể dẫn đến thời gian ngủ ngắn hơn; giấc ngủ ngắn hơn, ít phục hồi hơn; và nhiều lần thức giấc suốt đêm.
Dưới đây là những điều mà các bác sĩ nói về thói quen ăn uống có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, theo Eat This, Not That!
1. Ăn quá no trong vòng 3-4 giờ trước khi đi ngủ
Một người bình thường có thể mất 2-3 giờ để tiêu hóa hết thức ăn. Vì vậy, bạn không nên ăn quá no trong vòng 3 đến 4 giờ trước khi đi ngủ.
Bạn vẫn có thể ăn vặt, nhưng một bữa ăn lớn có nhiều khả năng làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn, Alcibiades Rodriguez, tiến sĩ, trợ lý giáo sư Thần kinh học tại Trung tâm Động kinh Toàn diện NYU Langone - Trung tâm Giấc ngủ (Mỹ), cho biết.
2. Ăn thức ăn cay trước khi đi ngủ
Đôi khi những người tiêu thụ thức ăn quá cay sẽ có giấc ngủ không ổn định và trải qua một giấc ngủ nhẹ với nhiều kích thích, Meir Kryger, tiến sĩ, giáo sư ở Trường Y Yale, cho biết.
3. Bạn uống caffeine sau bữa trưa
"Tôi cố gắng tránh tất cả caffeine sau bữa trưa. Caffeine là một loại thuốc chống lại một chất hóa học trong não có tên là Adenosine, một hợp chất tích tụ khi bạn buồn ngủ vào ban ngày. Buổi sáng có thể dùng caffeine, buổi tối không nên uống vì nó có thể ngăn chặn tác dụng của Adenosine và khiến bạn khó ngủ hơn”, tiến sĩ Kryger nói.
4. Bạn ăn sô cô la gần giờ đi ngủ
|
Tiến sĩ Kryger cho biết: “Đôi khi tôi sẽ tránh ăn sô cô la vào buổi tối muộn vì đã có lúc một thứ gì đó trong sô cô la (có khả năng là caffeine) giữ cho tôi tỉnh táo”.
Nếu bạn là người thích ăn sô cô la, bạn nên thử cắt bớt sô cô la trong một khoảng thời gian để xem thử nó có ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn hay không.
5. Bạn ăn thực phẩm gây ợ chua
Một số loại thực phẩm có thể gây ra chứng ợ nóng ở một số người, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ của bạn hoặc có thể khiến bạn thức giấc trong đêm.
Tiến sĩ Kryger nói: Mọi người nên tránh những thực phẩm mà họ biết sẽ gây chứng ợ nóng nếu họ muốn tránh bị gián đoạn giấc ngủ, theo Eat This, Not That!
6. Bạn đang uống nhầm trà
"Không có nhiều loại thực phẩm cụ thể giúp bạn dễ ngủ, nhưng một số loại thực phẩm có thể giúp ích nhiều hơn những loại khác. Một số loại trà như trà hoa cúc có khả năng giúp bạn bình tĩnh hơn và có thể có tác dụng chống lo âu. Chúng sẽ giúp bạn thư giãn một chút và do đó, có thể giúp bạn dễ ngủ. Để ngủ, bạn cần phải thư giãn và yên tĩnh, tiến sĩ Rodriguez nói.
7. Bạn nghĩ rằng uống sữa giúp dễ ngủ
"Sữa có chứa một a xít amino gọi là tryptophan, có thể kích hoạt sản xuất melatonin, đó là lý do tại sao một số người nghĩ rằng một ly sữa ấm vào ban đêm có thể giúp họ dễ ngủ. Cá nhân tôi nghĩ nó chỉ có tác dụng thư giãn hơn đối với một số người, có thể gợi lại ký ức thời thơ ấu về sữa và bánh quy", tiến sĩ Rodriguez nói.
Nếu uống sữa ấm giúp bạn thư giãn thì hãy uống một ly, theo Eat This, Not That!
8. Bạn sử dụng rượu để dễ ngủ
Tiến sĩ Rodriguez cho biết: “Rượu là một loại thuốc an thần và sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ, nhưng nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn vào ban đêm. Vì vậy nó không được khuyến khích như một chất hỗ trợ giấc ngủ”.
9. Bạn đang dùng thuốc điều trị
"Thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao, cholesterol, tiểu đường... Trong trường hợp này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ để xem liệu điều đó có ảnh hưởng đến giấc ngủ không”, tiến sĩ Rodriguez cho biết, theo Eat This, Not That!
Bình luận (0)